HỔ TỬ LƯU BÌ

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Chúng ta đọc : Lc 24,13-35 : Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới hưởng vinh quang.

 

II. CỌP CHẾT ĐỂ DA

 

          Người xưa có câu ngạn ngữ :”Hổ tử lưu bì” : cọp chết để da.  Con cọp chết đi có thể để lại bộ xương cho người ta nấu cao, gọi là cao hổ cốt. Nhưng người ta không chú trọng đến bộ xương mà lại để ý đến bộ da của nó. Cọp chết đi chẳng còn để lại được gì và chỉ để lại bộ da của nó, chắc chắn bộ da này quí lắm.

 

          Suy tư từ cái chết của con cọp, người ta liên tưởng đến cái chết của con người. Con người chết đi thì không để lại được gì, vì toàn thân thể sẽ trở thành bụi đất.  Vậy khi con người chết đi có thể để lại được gì không, như cọp chết để lại bộ da quí hiếm của nó ?  Chắc chắn không để lại được cái gì ngoài danh thơm tiếng tốt. Cho nên người ta mới nói :

 

                                      Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.

 

          Ở thôn quê Việt nam, chúng ta hay được nghe những tiếng ru em của những cô thôn nữ vang lên trong buổi trưa hè. Những tiếng ru đó thường được dựa trên những bài ca dao, dễ hát, dễ thuộc và cũng có ý nghĩa giáo dục đạo đức trong đó, tuy nhiều bài có ý nghĩa rất xa xôi. Ví dụ :

 

                                      Con cò mày đi ăn đêm

                             Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.

                                      Ông ơi, ông vớt tôi vào

                             Tôi có lòng nào, ông hãy xào măng.

                                      Có xào thì xáo nước trong

                             Đừng xào nước đục, đau lòng cò con.

 

          Tại sao tác giả câu ca dao lại mượn lời con cò khuyên ngư ông “hãy xào nước trong”, đừng xào nước đục” ?  Phải chăng chữ “nước trong” muốn diễn tả cái thanh danh, cái danh thơm tiếng tốt của con người ? Và “nước đục” muốn diễn tả tiếng xấu của con người ? Như vậy, có lẽ tác giả có ý nói : con người ai cũng muốn để lại danh thơm tiếng tốt của mình cho hậu thế, không ai muốn để lại tiếng xấu. Nếu ai chết đi mà để lại tiếng xấu thì làm đau lòng cho con cháu. Vì thế người ta mới mong :”Người chết nết còn”.

 

          Khi sống ở đời, người ta phải cố gắng sống thế nào cho mình có danh thơm tiếng tốt mặc dầu phải chịu hy sinh, thiệt thòi. Có nhiều câu tục ngữ nói lên ý tưởng này :

                                      - Tốt danh hơn lành áo.

                                      - Aên một miếng, tiếng một đời

                                      - Đói miếng hơn tiếng đời.

 

          Người ta ai cũng phải chết, kẻ trước người sau, nhưng khi chết phải có gì để lại cho hậu lai, không lẽ chỉ ra đi với hai bàn tay trắng. Ai cũng ước mong :

 

                                              Chữ rằng : Hổ tử lưu bì,

                                      Làm người phải để danh gì hậu lai.

 

          Vì vậy, khi ra đi, con người không đem theo được gì ngoài một nắm xương khô, nhưng rồi nắm xương khô đó cũng sẽ biến  thành bụi đất. Người ta chỉ có thể để lại cái dánh tức là cái danh dự, cái danh thơm tiếng tốt của mình :

 

                                                  Người đời hữu tử hữu sinh

                                      Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm.

 

          Thi sĩ Nguyễn công Trứ là con người có chí khí hào hùng, luôn ca tụng chí nam nhi, luôn thôi thúc thanh niên phải tiến lên, phải vượt khó, phải làm được cái gì cho đời, đừng để phí phạm cuộc đời trai tráng :

                                      Đã mang tiếng trong trời đất

                                      Phải có danh gì với núi sông

                                      Đi không chẳng lẽ về không ?

 

III. MUỐN ĐƯỢC DANH THƠM TIẾNG TỐT.

 

          Trên thế giới này đã có biết bao bậc vĩ nhân, những anh hùng cái thế, những nhân vật làm nên lịch sử, tất cả đã qua đời. Họ cũng đã để lại cái danh trong lịch sử. Cái danh đó có thể tốt, mà cũng có thể xấu.  Người đời vẫn còn nhắc đến tên họ với thái độ trân trọng hay khinh bỉ :

 

                                                Trăm năm bia đá thì mòn

                                      Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

 

          Muốn có danh thơm tiếng tốt, người ta phải hết sức nỗ lực  phấn đấu chứ không phải tự nhiên mà có. Muốn thế, với tư cách là một Kitô hữu , chúng ta phải nỗ lực sống xứng đáng trước tiên là một con người, tiếp đến là một Kitô hữu và sau cùng là công dân Nước Trời.

 

          1. Sống xứng danh con người.

 

          Người Đông phương chúng ta, cách riêng là người Trung hoa và Việt nam, quan niệm rằng con người sinh ra  thực sự mới có khả năng là người, còn NÊN NGƯỜI hay không là tùy vào chỗ chúng ta có chịu LÀM NGƯỜI hay không, vì Đức Khổng Tử nói :”Vi nhân nan” : làm người khó lắm.

          Nói cách khác, chúng ta được sinh ra để làm người, chứ chưa thực sự đã là người. Người Tây phương phải chờ đợi mãi đến thế kỷ 20, qua các triết gia hiện sinh, mới nói lên được rằng :”Con người là cái tự nó làm ra”(Jean Paul Sartre), và người ta đắc ý về câu nói đó lắm, coi như  một khám phá mới mẻ và vĩ đại.

 

          Chắc thi sĩ Trần tế Xương cũng đồng ý với quan niệm trên : nếu mọi người sinh ra đã là người đúng nghĩa rồi, sao ông lại dám chúc Tết với những câu :

 

                                      Bắt chước ai ta chúc mấy lời

                                      Chúc cho khắp hết cả trong đời.

                                      Vua quan sĩ thứ người trong nước

                                      Sao được cho ra cái giống người.

 

          Bên Đông phương, để giáo dục con người, Đức Khổng Tử đưa ra thuyết “Chính danh”. Khi vua Cảnh Công nước Tề hỏi Khổng Tử về đạo trị nước, ngài đáp :

          - Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử : vua phải ra vua, quan phải ra quan, cha phải ra cha, con phải ra con.

          Cảnh Công đắc ý, đỡ lời ngay :

          - Phải, hay lắm. Nếu đúng là vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan… thì dẫu có thóc đó, hồ dễ ta được ngồi yên mà ăn.

 

          Nếu mỗi người sống đúng danh phận của mình, đúng cương vị của mình thì đó là người, đã thành nhân.

 

          Muốn tạo cho mình được thanh danh thì rất khó, phải nỗ lực sống là người xứng đáng “linh ư vạn vật”, còn nếu muốn mang tiếng xấu thì rất dễ, giống như chiếc xe xuống dốc.

 

Truyện : Lời ký trên mộ bia

 

          Sardanapa là một vị vua xứ Assyrie về thế kỷ thứ 9 trước Chúa Giáng sinh. Ôâng ham phong lưu, chơi bời, chè chén. Trong lịch sử, ông là một vị vua dâm dục, hèn nhát và mềm yếu.

          Trên mộ chí của ông, ông truyền cho con cháu khắc một lời ký xứng với cao đức của ông :

          “Tôi chỉ còn giữ được cái gì tôi ăn vào miệng, tôi chỉ còn giữ được những lạc thú mà tôi đã dùng để chiều theo thị dục của tôi. Tất cả mọi cái khác đều bỏ tôi đi, tôi đã phải từ giã biết bao nhiêu điều quí báu”.

 

          Hai nhà hiền triết Aristote và Cicéron riễu lời ký trên. Aristote bảo rằng :

          - Nếu bây giờ không làm lời ký cho một vị vua, mà làm lời ký cho một con trâu, còn có câu nào xứng hơn câu ấy ?

 

          Cicéron thì bảo :

          -  Y lấy làm hãnh diện giữ được, sau khi chết, những cái mà lúc sống  y chỉ hưởng được trong những phút giây ngắn ngủi. Một cuộc sống không có sự tiết độ, và nếu mình sướng mà không biết mình sướng thì làm sao có thể sung sướng được ?

                             (Vũ Bằng, Đông tây cổ học tinh hoa, tr 107)

 

          2. Sống xứng danh Kitô hữu

 

          Chúng ta đã được chịu phép rửa tội, mỗi người được mang một danh hiệu mới là “Kitô hữu”, một danh hiệu cao quí vì được mang danh hiệu của Chúa Kitô. Đã mang danh hiệu là “Kitô hữu” thì phải thuộc về Chúa Kitô, phải sống nếp sống của Ngài, để có thể nói như thánh Phaolô :”Tôi sống nhưng  không còn phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20).

 

          Con người chúng ta phải nỗ lực hằng ngày để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nếu không, chúng ta chẳng giống ai, chỉ còn là loại người “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, không xứng danh Kitô hữu.

 

          Giám mục Tihamer Toth nói :”Lòng người ta, theo một nhà triết học ngày nay, giống như một tổ rắn”. Có lẽ lời nói ấy quá bạo. Nhưng ta có thể nói : giống như cánh đồng hoang vu. Đồng lầy có thể là đất tốt, nếu người ta trồng trọt, nó sẽ nảy lúa, nảy hoa và đời sống. Nhưng nếu người ta bỏ hoang, nó sẽ mọc gai, cỏ rậm và cây độc.  Bởi vậy, mỗi khoảng đất sẽ mọc gai, nảy cành khô khẳng nếu ta không chăm sóc. Mỗi tâm hồn sẽ hư hỏng nếu ta không chăm nom cho nó ăn luôn những tư tưởng tốt lành.

 

          Linh mục F. Lellotte, trong cuốn “Giải quyết vấn đề nhân sinh”, nói :”Con người phải xác nhận rằng sứ mệnh con người là sự hoàn hảo, là phát triển những tài năng tự nhiên và siêu nhiên cho thích hợp với chương trình của Thiên Chúa. Con người là như cánh đồng đã được cầy cấy, nó có bổn phận phải sản xuất dồi dào”.

 

          Chúa Giêsu cũng nói với các Tông đồ :”Các con là chứng nhân của Thầy”(Lc 24,48; 1Ga 5,6). Ngày nay chúng ta cũng phải là chứng nhân của Ngài, vì người làm chứng phải có uy tín thì người ta mới tin được. Muốn làm chứng cho Chúa thì cuộc sống của người làm chứng phải thể hiện ra những nét độc đáo của người mà mình muốn làm chứng.

 

          Văn sĩ John Bayern có lời từ giã vợ mình như sau :”Mình yêu dấu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.

 

          Kitô hữu là một danh hiệu rất cao quí, danh hiệu ấy đòi buộc những ai mang nó phải sống cho xứng đáng, cuộc sống mình phải phù hợp với danh hiệu ấy, bằng không phải đổi danh hiệu khác vì danh hiệu ấy không phù hợp với cuộc sống của mình.

 

 

 

Truyện : Phải đổi tên.

 

          Philipphê, vua nước Tây ban nha, ngày kia người ta dẫn một tên cướp đến nộp cho vua. Vua hỏi :

          - Tên mày là gì ?

          - Tâu bệ hạ, tên con là Philipphê.

          - Trời đất ơi  ! Tên mày trùng với tên tao, thế mà mày đi cướp của giết người ! Từ nay, hoặc là mày phải đổi tên, hoặc là mày phải đổi cách sống đi, kẻo làm ô nhục cho tao.

          - Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ cho con được vinh dự cứ tiếp tục mang tên của bệ hạ, và con hứa cải tạo đời sống để khỏi làm ô nhục cho bệ hạ.

 

          3. Sống xứng danh công dân Nước Trời.

 

          Người được làm công dân Nước Trời không phải chỉ cần chịu phép rửa tội là xong mà còn phải thể hiện những điều kiện Chúa đòi buộc.

 

          Người ta cho biết muốn được làm công dân Mỹ, phải qua một cuộc thi khó khăn. Với những người tiếng Anh lưu loát và có trí nhớ tốt, thì cuộc thi vào quốc tịch thật đơn giản và dễ dàng. Nhưng với các cụ già và những người kém tiếng Anh, việc thi quốc tịch là cả một nỗi lo lắng lơn lao…

 

          Muốn làm công danh dự Hoa kỳ lại càng khó khăn. Mới có 5 người được công nhận làm công dân danh dự của Hoa kỳ, trong đó có Mẹ chân phước Têrêsa Calcutta, người sáng lập dòng nữ Thừa Sai Bác ái đã được tổng thống Hoa kỳ Bill Clinton ký sắc lệnh trao tặng vinh dự quí giá trên vào ngày 01/10/1996.

 

          Muốn được làm công dân Nước Trời, Chúa đòi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu thực hiện điều kiện Chúa đã đưa ra : Phải qua cửa hẹp.  Chúa Giêsu muốn diễn tả tư tưởng đó khi nói :”Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”(Mt 7,13-14).

 

          Không có ai “ngồi mát ăn bát vàng” mà chỉ có những người nỗ lực làm việc thì mới có ăn. Nước Trời là phần thưởng dành cho những ai cố gắng, vì Chúa đã nói :”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy :Lạy Chua, Lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”(Mt 7,21).

 

          Điều kiện Chúa đã ra cho chúng ta không khó khăn lắm, luôn vừa sức ta, chỉ cần chúng ta cố gắng. Phần thưởng của chúng ta luôn được bảo đảm, thánh Phaolô đã nói thế :”Người sẽ ban vinh quang, danh dự và bình an cho tất cả những ai làm việc thiện”(Rm 2,10).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục