KIẾP
NGƯỜI MONG MANH
+++
I. SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúng ta đọc : Lc
7,11-17; Tv 90,3-6.
Sau khi chữa lành bệnh
nguy tử cho người đầy tớ của một viên đại đội trưởng, Đức Giêsu đến thành Naim
với các môn đệ và đám đông dân chúng. Khi đến cửa thành,
Ngài thấy người ta khiêng đi chôn người thanh niên duy nhất của một bà góa.
Bà đang khóc nức nở theo sau quan tài con mình. Trước
cảnh tượng này, Ngài thấy xúc động và nói với bà :”Đừng khóc nữa”. Ngài truyền cho bọn đô tùy
dừng lại, vừa sờ vào quan tài vừa nói :”Hỡi thanh niên, Ta truyền cho anh chỗi dậy.”
Anh ta đã chỗi dậïy trước sự chứng kiến của mọi người.
Khi đọc đoạn Tin Mừng này, chúng ta thường
nghĩ ngay đến lòng thương xót của Đức Giêsu, Ngài đã chia sẻ và cảm thông với nỗi
đau khổ của bà khi mất người con yêu quí.
Đồng thời, sự việc xẩy ra cách công khai dưới sự chứng kiến của đám đông
dân chúng và các môn đệ rằng : người thanh niên này đã
chết thật; và như vậy, việc Chúa phục sinh người chết là bằng chứng cụ thể, xác
thực về quyền năng và sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu.
Nhưng hôm nay chúng
tôi muốn nói về một khía cạnh khác, đó là sự mong manh của kiếp người. Con người có thể ra đi bất cứ lúc nào, không
phải đợi đến tuổi già vì “sinh hữu hạn, tử
bất kỳ”. Có khi
người trẻ lại ra đi trước người già như trong bài Tin mừng hôm nay. Người
ta nói :
Lá vàng còn ở trên cây,
Lá xanh rụng xuống, có hay hỡi trời.
Đúng vậy, chàng
thanh niên này chết quá sớm, công chưa thành, danh chưa toại, trong khi người mẹ
già vẫn còn sống. Sự kiện này nói lên tính cách mong manh của kiếp sống
con người. Thánh vịnh đáp ca trong Thánh lễ hôm nay đã nói lên điều đó :
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
Tươi
thắm như cỏ nội hoa đồng,
Một
con gió thoảng là xong,
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
(Tv 102,15-16)
Và Thánh vịnh 90 cũng nói lên tính cách
vắn vỏi của cuộc sống như bông hoa sớm nở chiều tàn ,
không có gì là bền vững :
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
Như
cỏ đồng trổi mọc ban mai,
Nở
hoa vươn mạnh sớm ngày,
Chiều
về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
(Tv 90,3-6)
II. NHẬN XÉT CỦA NGƯỜI
ĐỜI.
1. Thực tại không thể chối cãi.
Mọi người phải công
nhận rằng thời giờ cứ hững hờ trôi, hoàn toàn vô cảm, chẳng để ý đến ai.
Thời giờ không kéo dài, không rút vắn vì là thời giờ vật lý,
khác với thời giờ tâm lý. Thời giờ
được ví như con thoi cứ đi đi lại lại hết ngày này sang ngày khác, hết năm này
sang năm khác không ngừng nghỉ :
Thời giờ thấm thoát thoi đưa
Nó
đi đi mãi, có chờ đợi ai ?
Ngườt ta cũng ví thời
gian trôi nhanh như “én đưa thoi”. Sở dĩ người ta ví như thế là vì giống
én đuôi nhọn bay với tốc độ 350km/giờ. Nhiệt độ trung bình nó
cao tới 44 độ 7. Chúng ta thường nói “én đưa thoi” để
ngụ ý thời gian trôi nhanh – với tốc độ trên cho ta một cảnh cáo về sự xài phí
thời giờ.
Vì thời gian trôi
nhanh nên ai cũng thấy cuộc đời vắn vỏi như bông hoa sớm nở chiều tàn.
Vì thế, hiền triết Eùpictète đã nói :”Mỗi người chúng
ta xa lìa cuộc sống với cảm tưởng là mình vừa mới sinh ra”.
2. Thời gian đi không trở lại.
Thời gian trôi, cứ
trôi, trôi mãi không ngừng nghỉ, không bao giờ trở lại. Tuy người ta nói trong ngày xuân : “Xuân khứ, xuân
lại, xuân bất tận”. Nhưng thời gian không có vòng đi vòng lại như mùa xuân,
cho nên chúng ta có thể nói :”Xuân bất tái lai”. Vì thế, 500 năm trước Thiên Chúa Giáng sinh, triết
gia Héraclite đã nói
:”Con người ta không thể tắm hai lần
trên một dòng sông”, bởi vì dòng
sông cứ cuồn cuộc chảy, con nước không bao giờ đứng yên một chỗ.
Thi sĩ Xuân Diệu cũng có cùng một cảm nghĩ như vậy :
xuân qua đi thì tuổi trẻ cũng sẽ qua đi, chứ không thể lấy lại được hai lần xuân
rồi cuộc đời cũng chấm dứt :
Lòng trời rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không
cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói
làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu
tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại ?
Còn
trời đất, nhưng chẳng còn tôi nữa…
Nhìn thời gian phũ phàng đội nón ra đi,
để người trẻ ở lại, lúc ấy chỉ còn biết ứa lệ đưa mắt nhìn theo
:
Thời gian rót từng giọt buồn tê héo,
Sự sống đi như hương bỏ hoa chiều.
Con người ta không thể sống mãi. Người ta thường nói cuộc đời con người phải
trải qua “sinh, lão, bệnh, tử”, thì cuộc đời sẽ phải chấm dứt bằng cái
chết. Đã có sinh thì
phải có tử. Người ta thường nói :
Người đời hữu tử hữu sinh
Sống
lo xứng phận, thác dành tiếng thơm.
Biết bao vị vua chúa quyền uy, bao vị vĩ nhân lừng danh, bao vị anh hùng cái thế đã xuất hiện trên
trái đất này và họ cũng đã ra đi không còn ai biết tới, cùng lắm chỉ còn trong
sử sách nằm trong thư viện.
Người ta còn nói :”Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh” : cọp chết
để da, người ta chết để tiếng. Có người để lại danh thơm
tiếng tốt để lưu danh muôn thưở. Có người để lại tiếng xấu để
cho muôn người nguyền rủa. Vì thế,
bất cứ ai cũng phải sống “xứng phận” để lưu lại tiếng tốt cho các thế hệ mai
sau..
Theo kinh nghiệm thì
chúng ta thấy người đời khai mạc bằng nước mắt và bế mạc trong dòng lệ. Có thân là có khổ, có sinh
thì có tử. Đó là án lệnh chung của nhân loại (x. St 3,16-20).
Con người sinh ra để sống, nhưng sống là để sửa soạn chết.
“Đời bạn là gì” ?
Chỉ là làn khói xuất hiện trong một lúc
rồi tan đi” (Thánh Giacôbê)
III. PHẢI CHUẨN BỊ
CHO NGÀY RA ĐI.
Những người khôn ngoan đầy kinh nghiệm trong
cuộc sống đã để lại một lời khuyên rất hữu ích và cần thiết :
“Nhân
vô viễn lự, tắc hữu cận ưu”
Người không biết lo xa, ắt phải buồn gần.
(Luận ngữ)
1. Phải đặt vấn đề cho cuộc sống.
Người, vật, cỏ cây đều
có sự sống, nhưng rất khác nhau. Cây cỏ có sự sống thảo
mộc, động vật có sự sống cảm giác, và con người cao hơn, chẳng những có cả hai
sự sống trên, mà còn có sự sống lý trí nữa.
Căn cứ vào sự thật đó, L. Sullerot đã nói một câu rất xác đáng :”Loài người và
loài vật khác nhau ở chỗ : đối với loài người đời sống là một vấn đề. Có thể nói
rằng người ta chỉ là người thật một khi người ta đã bắt đầu biết nghĩ đến đời sống”
(Sullerot, Problème de la vie).
2. Tìm ra mục đích của đời người.
Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một hướng
đi cho cuộc đời : đó là nguồn hạnh phúc lớn lao cho
con người. Một cuộc đời không có mục đích thì chẳng khác nào
một công trình xây dựng không đồ án. Với tất cả mọi vật
liệu, nhưng nếu không có đồ án, người ta không thể kiến thiết được bất cứ công
trình nào.
Một cuộc sống không
có mục đích, một cuộc sống không lý tưởng cũng chỉ kéo thêm cay đắng, buồn sầu,
bất mãn. Chúa Giêsu đã chẳng nói
với chúng ta sao :”Lời
lãi cả thế gian để làm gì, nếu để mất linh hồn”.
Sau đây là một vài điển hình chứng
minh cho những điều nói trên :
Văn sĩ nổi tiếng của Pháp là Voltaire, mặc dầu có cả một đời sống phú
túc và danh tiếng vẻ vang, vẫn phải thốt lên :”Tận cùng của cuộc sống ấy là buồn thảm, khoảng
giữa của cuộc sống là vô nghĩa và khởi đầu của cuộc sống ấy là thô bỉ… Phải chi tôi đừng sinh ra
thì hơn”.
Talleyrand,
một nhà chính trị nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ 19, sau một quãng đời sống
trong nhung lụa và vinh quang, đã ghi lại trong tập nhật ký của mình nhân ngày sinh
nhật 83 như sau :”83 năm của đời tôi đã đi
qua, không để lại một kết quả nào khác hơn là mệt mỏi, trong thể xác lẫn tâm hồn,
một đắng cay khi nhìn về tương lai và chán chường khi nhìn lại quá khứ”.
Napoléon
Bonaparte, hoàng đế nước Pháp (1769-1821), kẻ đã làm thay đổi bản đồ Aâu châu,
nhà chiến lược quân sự đại tài, đã nói
khi sắp qua đời :”Tôi chết trước
thời hạn, và thân thể tôi lại trở về với lòng đất. Đó là số phận của con người đã
từng được gọi là Napoléon đại đế. Có một vực sâu ngăn cách giữa sự khốn cực của
tôi và vương quốc bất diệt của Chúa Kitô” (Gm Arthur Tonne, Góp nhặt, tr 90).
3. Phải dọn mình chết lành.
Không ai có thể tránh
được cái chết. Dù muốn dù không, sự chết đến bất cứ lúc
nào. Giờ chết đến bất ngờ như kẻ trộm, không ai có thể
biết trước. Người đời đã có kinh nghiệm khi nói :”Sinh
hữu hạn, tử bất kỳ”. Đã nói là “Tử bất kỳ” thì không ai biết được.
Chúng ta chỉ còn một việc là phải chuẩn bị sẵn sàng như Chúa đã dạy.
Truyện : Dọn mình chết lành.
Một hôm, đang ngồi
trong bàn giấy, vua Charles-Quint thấy một vị quan vốn trung thành, đệ đơn xin
từ chức. Tưởng rằng vị quan này không được hài lòng vì lương bổng hay bất
mãn với công danh. Nhà vua tha thiết nhìn ông, và bảo cứ ở lại, nhà vua sẽ cho
như ý. Hiểu ý vua, vị quan đó trả lời :
- Tôi xin rút lui để có thời giờ lo việc
linh hồn.
Nghe câu trả lời bất ngờ đó, vua cảm động và khen ngợi là
người khôn ngoan biết lo xa.
Chính vua Charles-Quint sau cùng từ chức và vào nhà dòng dọn mình
chết lành.
(Trần công Hoán, Tìm hiểu ít
nhân đức, 1965, tr 59)
4. Muốn được hạnh phúc đời đời.
Mục đích của cuộc sống con người là phải
tìm đến hạnh phúc. Ở trần gian này cũng có hạnh phúc, nhưng đấy chỉ là hạnh phúc
phiến diện, chóng qua và chưa làm thỏa mãn ước vọng của con người. Ai cũng muốn
vươn tới hạnh phúc tròn đầy, hạnh phúc tuyệt đối có thể thỏa mãn được ước vọng
của con người Nhưng
phải tìm hạnh phúc ấy bằng cách nào ?
Có một cuốn sách cổ
chỉ cho ta phương thế để được hạnh phúc. Sách rằng :
- Muốn
có hạnh phúc trong một ngày ? Hãy
mua một chiếc áo mới.
- Muốn có hạnh
phúc trong một tuần ? Hãy giết một con heo.
- Muốn có hạnh
phúc trong một tháng ? Hãy được một
vụ kiện.
- Muốn có hạnh
phúc trong một năm ? Hãy cưới vợ lấy
chồng.
- Muốn có hạnh
phúc cả đời ? Hãy làm người tử tế.
- Muốn có hạnh
phúc đời đời ? Hãy làm người có đạo
tốt.
(T. Toth – Phêrô
Thông, Tôn giáo với thanh niên, 1949, tr 268)
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt