PHÁN XÉT RIÊNG

+++

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Mt 25,31-46; Rm 14,7-9.10b-12).

 

          Qua bài Tin mừng vừa nghe, chúng ta thấy Chúa Giêsu loan báo sẽ có ngày phán xét chung trong ngày tận thế. Trong ngày đó, mọi người sẽ được sống lại để chịu phán xét. Chúa Giêsu sẽ ngự đến với tư cách là vị Vua Thẩm phán, có các thiên thần hầu cạnh, để phán xét mọi người. Ngài sẽ phân tách người ta thành hai loại : kẻ lành ở bên hữu, kẻ dữ đứng bên tả như người ta tách chiên ra khỏi dê. Ngài sẽ phán xét việc lành việc dữ của từng người trước mặt cả và thiên hạ. Sau đó, Ngài định đoạt cho số phận từng người : Kẻ lành lên thiên đàng cả hồn cả xác để hưởng vinh quang bên Chúa; ngược lại kẻ dữ thì phải vào hỏa ngục chịu hình phạt đời đời.

 

          Trong thư gửi cho tín hữu Rôma, thánh Phaolô nhắc nhở mọi người nhớ mình là người đã thuộc về Chúa, cho nên dù sống dù chết, không có gì ngoài Chúa. Chúng ta sẽ phải trả lẽ với Chúa, sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Chúa (Rm 14,10-12).  Không có gì có thể che giấu được, mọi sự sẽ phải được đưa ra ánh sáng (2Cr 5,10). Như vậy, thánh Phaolô khẳng định với chúng ta rằng sẽ có phán xét, nhưng ngài không xác định là phán xét chung hay phán xét riêng.

 

II. NÓI VỀ NGÀY PHÁN XÉT RIÊNG.

 

1.    Theo quan niệm chung. 

 

Người đời ai cũng tin tưởng rằng phải có thưởng phạt sau khi chết.  Người Việt chúng ta tin  theo thuyết quả báo :”Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” : tội phúc sau cùng phải có quả báo. Từ quan niệm quả báo đó, người ta đưa ra nguyên tắc :”Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng” : có công phúc thì được thưởng, có tôi thì phải phạt.  Như thế mới có sự công bằng, mới hợp lý.

 

          Vì thế, phán xét là một quan niệm lâu đời trong các tôn giáo cổ xưa. Theo quan niệm này, thần minh xét xử con người và thưởng phạt tùy theo tội phúc họ đã làm.

 

          Trong ý nghĩa thần học, phán xét là hành động chung quyết của Thiên Chúa, qua đó, số phận của các thụ tạo tự do được xác định vĩnh viễn.

 

2.    Diễn tiến tư tưởng về phán xét riêng.

 

Từ ban đầu, các tín hữu đầu tiên ít quan tâm đến phán xét riêng. Mãi đến thế kỷ thứ 4, có một ý kiến phổ thông – như thánh Ambrôsiô – cho rằng có những nơi tạm trú (habitations provisoires) chờ sẵn các linh hồn sau khi lìa xác.  Chỗ tạm trú không phải mọi người giống nhau. Có người phải chịu phạt, có người lại được thưởng công.  Quan điểm cho thấy  quan niệm phán xét riêng đã được manh nha, từ đây các giáo phụ nói nhiều về phán xét riêng như thánh Hilariô, thánh Basiliô, thánh Gioan Chrysostômô, thánh Augustinô…

 

          Tới năm 1276, bản tuyên ngôn của Đức giáo hoàng Clêmentê II là bản kinh chính thức đầu tiên phân biệt phán xét chung và phán xét riêng. Từ đó phán xét riêng bắt đầu chiếm ưu thế trong giảng dạy và thần học.

 

          Một tác giả thời danh của thế kỷ này là thánh Tôma Aquinô cũng dạy : mỗi người vừa là một ngôi vị riêng biệt, vừa là thành phần của toàn thể nhân loại, nên cần có 2 cuộc phán xét. Phán xét riêng liền sau khi chết và một cuộc phán xét khác vì là thành phần của cả nhân loại.

 

Theo công đồng Lyon II năm 1274 và công đồng Florence năm 1439, thì liền sau khi chết, kẻ lành vào ngay thiên đàng hay luyện ngục và kẻ dữ vào ngay hỏa ngục và như vậy là có phán xét riêng.

 

          Sau cùng, năm 1964, trong hiến chế tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium”, công đồng Vatican II dã dạy :”Thật vậy, trước khi ngự trị với Chúa vinh hiển, mọi người chúng ta  đều phải trình diện trước tòa Chúa Kitô”(2Cr 5,10).  Chỗ này nói về phán xét riêng, vì tiếp sau có viết :”Và ngày tận thế”, tức là có hai lần phán xét : trước tận thế và chính ngày tận thế.

 

III. NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA NGÀY NAY.

 

          Phán xét riêng chưa phải là một vấn đề được định tín chính thức, vấn đề này còn bỏ ngỏ để mọi người tìm hiểu thêm, bởi vì trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói rõ về một cuộc phán xét riêng liền sau cái chết của mỗi người.

 

Tuy phán xét riêng chưa phải là vấn đề buộc phải tin nhưng theo sự khôn ngoan và ích lợi cho cuộc sống, chúng ta – những người con của Giáo hội – cần tuân theo những chỉ dẫn của Mẹ Giáo hội để phần rỗi chúng ta được bảo đảm hơn.

 

          Sách Giáo lý Công giáo số 1021 dạy :”Cái chết kết thúc đời sống con người, nghĩa là chấm dứt thời gian đón nhận hay chốâi bỏ ân sủng Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Kitô. Khi đề cập đến phán xét, Tân ước chủ yếu nói về cuộc gặp gỡ chung cuộc với Đức Kitô trong ngày quang lâm, nhưng cũng nhiều lần khẳng định có sự thưởng phạt tức khắc ngay sau khi chết, tùy theo công việc và đức tin của mỗi người…”.

 

          Nhưng sách Giáo lý Công giáo số 1022 nói rất rõ về vấn đề này :”Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Kitô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện hoặc được hưởng phúc trên trời hoặc sa địa ngục vĩnh viễn”.

 

          Chúng ta cũng nên hiểu thêm, trong việc phán xét riêng, phần thưởng hay hình phạt không áp dụng cách máy móc, tức là chắc chắn có sự phán xét của Thiên Chúa. Theo chiều hướng thần học nói chung, con người vừa mới chết được Thiên Chúa soi sáng nhận biết rõ ràng mọi sự trong giây lát và đánh giá tổng kết  toàn bộ cuộc đời mình trên trần gian, qua đó, linh hồn nhận thấy rõ phần thưởng hay hình phạt tương ứng dành cho mình, nghĩa là chính mình quyết định  nhận lấy phần thưởng hay hình phạt cho mình.

 

          Về vấn đề này, Đức Hồng y Billot nói :”Ngay sau khi linh hồn lìa khỏi xác, trong phút chốc thì cuốn sách lương tâm liền mở ra , làm cho ta nhận thức ngay một trật toàn bộ các việc ta đã làm khi còn sống”.  Và Linh mục Parvilliez giải thích thêm : Chính ta sẽ phán xét ta, bởi tình trạng quá hiển nhiên công khai không thể chối cãi được. Công trạng và lỗi lầm sẽ xuất hiện trước mắt ta  trong ánh sáng chói lọi; đồng thời cũng cho thấy những phần thưởng và hình phạt tương xứng với ta. Như thế, chính ta sẽ tuyên án cho ta  và quan tòa khoan dung hay khắc nghiệt không có gì ảnh hưởng đến bản án đó, thiên thần và quỉ dữ có trổ tài hùng biện cũng không thể thay đổi bản án đó (Parvilliez, Niềm vui trước sự chết, tr 57-58).

 

          Trong giáo lý đạo Cao đài, ta thấy có một điểm cũng hay trong Minh Kinh Đài hay Minh Cảnh Đài, theo đó, sau khi ta lìa đời, linh hồn sẽ đến trước tấm gương này. Tất cả việc ta làm  trong kiếp sống vừa qua sẽ lần lượt tái hiện không sót mảy may trên mặt gương, y hệt những thước phim được chiếu lại trọn vẹn. Không cần ai phán xét hết. Những việc làm tốt khiến lòng ta tự dưng khoan khoái, sung sướng. Những việc làm quấy sẽ bắt ta tự xấu hổ, đau đón, ăn năn…

 

Truyện : Phán xét nhà vua.

 

          Người Ai cập cổ thời có một tục rất hay, khả dĩ nhắc cho các vị vua chúa biết rằng  họ có nhiệm vụ, có bổn phận, họ không thể hành động theo sở thích hay lòng ham muốn riêng của mình; nhưng phải tự coi mình như là những người bảo vệ công lý và mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân.

 

          Mỗi khi có một vị vua băng hà, người ta đem bầy xác vị vua đó bên bờ một cái hồ ở nơi ranh giới của cõi sống và cõi chết. Tại đó, một tòa án được thiết lập và gồm có 43 viên thẩm phán.

 

          Một phát ngôn viên tiến ra và kêu lên trước xác chết :

-          Xin ông cho chúng tôi biết lúc sống ông đã làm những gì.

 

Một ông bộ trưởng của vị vua quá cố, đứng lên than oan cho nhà vua và kể lại những công trạng của nhà vua lúc sinh thời, những luật lệ đã ban hành, những ích lợi đã đem lại cho dân.

 

          Đoạn, một người dân có thể đứng ra  kết tội nhà vua và tự do kể lể  ở trước mặt 43 viên thẩm phán những điều mình oan ức muốn phàn nàn.

 

          Tòa cân nhắc công và tội của nhà vua. Nếu xét ra tội nhiều hơn công, tòa kết án nhà vua. Người ta đem bôi lọ tên tuổi của nhà vua đó đi, ghi vào trong sử sách; còn xác nhà vua thì, trước kia được kính trọng như một vị thần minh, bây giờ không được chôn cất, sẽ đem vứt ra bờ bãi để cho diều tha, quạ mổ  (Vũ Bằng, Đông tây cổ học tinh hoa, tr 18-19).

 

          Trong cuộc sống trên trần gian này, người ta thường phải trải qua bốân giai đoạn sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng có người đi đủ 4 giai đoạn đó, có người chỉ có sinh và tử, chết yểu.

 

          Còn trong cuộc sống mai hậu, chúng ta phải qua 4 điều sau cùng này mà chúng ta gọi là Tứ chung, gồm sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Sống chết là một điều bắt buộc, ai cũng phải qua, còn thiên đàng hay hỏa ngục do chính mỗi người chúng ta tự chọn.

 

          Để kết luận về việc phán xét riêng, chúng ta nên theo nhận định này :”Phán xét riêng được thực hiện lập tức sau cái chết, trong đó số phận vĩnh cửu của con người  được quyết định do việc luận xử của Thiên Chúa”. Đây là ý kiến chung của các nhà thần học, theo ngôn từ riêng của khoa thần học là : sententia fidei proxima, có nghĩa là ý kiến gần kề với đức tin, chứ chưa phải là một điều buộc phải tin, tức là chưa được định tín.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

 

 


Mục Lục