SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

+++

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Khi ấy Chúa phán:“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc ho họ. Thầy bảo thật anh em : chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hẵy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12, 35-40).

 

          Sau khi Đức Giêsu giảng dạy dân chúng về vấn đề đừng ham mê của cải (Lc 12,13-21), hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng (Lc  12,22-32) và hãy tích trữ của cải cho đời sau (Lc 12,33-34), thì ở đây, Ngài nhắn nhủ phải thực hiện những lời giáo huấn để luôn luôn sẵn sàng cho giờ chết của mình.

 

          Tư tưởng ấy được minh họa qua dụ ngôn “người đầy tớ tỉnh thức” :  như người đầy tớ đang đợi ông chủ đi ăn cưới không biết sẽ về vào lúc nào vì tiệc cưới của người Do thái kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, có khi kết thúc buổi chiều, có khi mãi tới nửa đêm hay muộân hơn nữa. Người đầy tớ ấy phải  “thắt lưng cho gọn” (tư thế sẵn sàng làm việc) và “thắp đèn cho sẵn” để khi chủ về thấy lối mà vào nhà, đó là tư cách sẵn sàng phục vụ.

 

          Nếu biết rõ lúc nào chủ về thì dễ hơn nhiều vì chỉ cần chờ đến lúc đó mới thắt lưng, mới thắp đèn. Nhưng vì không biết chừng nào chủ về nên phải sẵn sàng luôn. Vừa nghe thấy một tín hiệu nhỏ cho biết chủ sắp về là mau mắn làm việc và phục vụ ngay. Như thế tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhạy.

 

          Người đầy tớ phải tỉnh thức, nhưng tỉnh thức để làm gì ? Dụ ngôn nói “để đợi chủ về”. Chúng ta có thể hiểu dưới ba ý nghĩa :

-          Nghĩa đầu tiên là đợi chờ ngày Chúa Giêsu lại đến. 

-          Nghĩa thứ hai là ngày chết của mỗi người.

-          Nghĩa thứ ba là những lúc Chúa đến viếng thăm ban ơn cho ta. 

 

Trong cả ba trường hợp ấy, chỉ có tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa thưởng cho.

 

          Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé , độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài… Xin Ngài ban cho chúng ta luôn có con mắt rộng mở để nhận thấy Ngài trong từng biến cố cuộc sống. Xin Ngài ban cho ta đôi tai tinh tường để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho tha nhân là hiện thân của Ngài (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

 

II. TỈNH THỨC TRONG TỪNG GIÂY PHÚT. 

 

          Thái độ cơ bản của người Kitô hữu là “Tỉnh thức”. Người Kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng mỗi khoảnh khắc đều mang một ý nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.

 

          Tỉnh thức luôn tức là biết sống từng giây từng phút trong cuộc sống hiện tại.  Chúng ta thấy tiếng Anh có từ “Present” rất đặc biệt. Nó vừa mang nghĩa là “hiện tại”vừa mang nghĩa là “món quà”. Vì thế, có ai đó đã nói :”Quá khứ là lịch sử.  Tương lai là mầu nhiệm. Còn hiện tại là món quà của cuộc sống”.

 

          Cuộc sống chính là món quà vô giá, là tặng phẩm mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta. Quá khứ thì đã  qua, tương lai thì chưa đến. Tất cả những gì chúng ta có là hiện tại.  Thước đo sự bình an tinh thần và hiệu quả cá nhân được thể hiện ở khả năng sống cho hiện tại của chúng ta. Bây giờ là lúc đang hiện hữu. Không cần biết điều gì đã xẩy ra ngày hôm qua và điều gì sẽ xẩy ra ngày mai. Từ quan điểm này, chìa khóa cho hạnh phúc chính là tập trung đầu óc chúng ta vào thời  khắc hiện tại.

 

          Rất nhiều người trong chúng ta hay sắp đặt cho tương lai mà quên mất điều quan trọng là không ai trong chúng ta  được bảo đảm là chúng ta sống vào ngày mai, chúng ta chỉ có hôm nay thôi.

 

          Sống trong hiện tại có nghĩa là chúng ta thích thú bất kỳ điều gì chúng ta đang làm,  chứ không phải là chỉ tập trung vào kết quả của nó. Tại sao chúng ta vừa không nhổ cỏ, vừa thưởng thức gió mát mơn man trên mặt, và nghe tiếng chim hót líu llo trên ngọn cây ?

 

          Sống trong hiện tại là  mở rộng tầm hiểu biết để làm cho giây phút hiện tại trở nên quí giá  hơn là luôn khép kín. Chúng ta có sự chọn lựa của mình, chúng ta sống và hấp thụ, xúc cảm và lôi cuốn.

          Sống ở khoảnh khắc hiện tại là chúng ta hành động mà không sợ hậu quả. Đó là sự cống hiến nỗ lực của mình để dấn thân  mà không lo là mình có được phần thưởng xứng đáng hay không ? Vậy nếu chúng ta lo lắng, bất an, hãy làm cái gì đó đi, bất kỳ cái gì để giải phóng đầu óc và tìm sự bình thản cho tâm hôn.

 

          Thời gian không thật sự hiện hữu, nó chỉ là một khái niệm trừu tượng trong đầu chúng ta. Hiện tại là thời gian duy nhất mà chúng ta có. Hãy làm điều gì đó vào lúc này (Theo “Being Happy” của Andrew Mathews).

 

          Vậy tỉnh thức đối với chúng ta không là gì khác là phải biết sống những giây phút hiện tại mà Chúa ban cho chúng ta. Chuẩn bị cho ngày chết cũng chỉ là sống những giây phút hiện tại cho hợp với ý Chúa. Sách Giảng viên nói :”Omnia tempus habent”(Gv 3,1) : mọi sự có thời giờ của nó. Nếu chúng ta biết sống đầy đủ những giây phút hiện tại, thì chúng ta không phải lo gì đến cái chết.

 

          Mới đây, tại Thụy sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phóng vấn 1.200 người tại 20 thành phố khác nhau về việc chuẩn bị chết.  Câu hỏi được đặt như sau :”Nếu bạn chỉ còn một ngày nữa để sống, bạn sẽ làm gì” ? Kết quả của cuộc thăm dò được phân chia như sau :

-          57% những người được phỏng vấn trả lời rằng họ sẽ sống ngày cuối cùng với gia đình. 12% muốn ở một mình hoặc với bạn bè.

-          26% người đàn ông được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng đó với gia đình. 42% khác thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè.

-          32% đàn ông lẫn đàn bà muốn được sống với gia đình trong những giây phút cuối đời.

-          6% người đàn ông muốn được sống bên vợ.

 

Trên đây có lẽ chỉ là những con số  không đại diện cho ước muốn hay suy nghĩ cho tất cả mọi người. Nhưng xuyên qua kết quả đó, chúng ta cũng có thể đọc được một thái độ chung của con người khi đứng trước sự chết : đó là sự cô đơn.

 

          Cái chết là một chia ly vĩnh viễn, nhất là với những người thân của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt ra  cho bạn phút này đây, bạn sẽ làm gì ?

 

          Có lẽ chúng ta còn nhớ chuyện của một vị thánh trẻ khi được hỏi về cách thế chuẩn bị chết (có lẽ là thánh Gioan Berchmans). Giữa một đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi : Nếu ngay bây giờ, chúng con biết mình sắp chết, chúng con sẽ làm gì ?

 

          Một số trả lời rằng sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành… Chỉ có một cậu bé điềm nhiên trả lời :”Nếu trong giây lát tôi có chết, tôi cũng sẽ tiếp tục cuộc chơi”.

 

          Có lẽ đó là câu trả lời làm cho viên giám thị ưng ý nhất, bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một bổn phận, thì việc thánh hóa trước tiên phải nằm trong bổn phận hằng ngày.

 

          Nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng sinh hoạt, nếu chúng ta biết tiếp xúc với Chúa trong từng giây phút… thì cái chết chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ đó. Người luôn trung thành với những gặp gỡ trong giây phút hiện tại, sẽ không phải hãi sợ trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái chết.

 

          Một lần nữa, chúng ta khẳng định rằng :”Quá khứ là lịch sử”, mà đã là lịch sử thì không thể thay đổi được. Còn ngay mai là “một mầu nhiệm”,  nằm ngoài tầm tay chúng ta, chúng ta hãy đặt nó vào trong bàn tay quan phòng của Chúa, Ngài sẽ lo cho ngày mai của ta.  Vậy thì còn hôm nay –

Hôm nay hoàn toàn thuộc về chúng ta. Hãy nắm bắt mọi cơ hội. Hãy sống cho hiện tại. Hãy làm tất cả những gì chúng ta có trong ngày hôm nay một cách tốt nhất mà chúng ta có thể, trước khi điều mà chúng ta chờ đợi xẩy đến.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục