HÃY NGHĨ TỚI CÙNG DÍCH
+++
I. SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúng ta đọc : Người phú hộ ngu ngốc (Lc
12,13-21.
Trong
khi Đức Giêsu đi rao giảng Tin mừng, có một người trong đám đông đến xin Ngài
phân xử việc hai anh em ruột tranh nhau phần gia tài.
Sở
dĩ họ xin Ngài phân xử là vì thời đó, người ta có thói quen thỉnh cầu các pháp
sư xử những vụ tranh chấp về của cải. Xin Chúa can thiệp như vậy, là người này
nhìn nhận Chúa có quyền như các pháp sư
khác.
Nhưng
Chúa từ chối vì việc đó không thuộc sứ
mạng của Ngài. Cũng nhân dịp này Ngài đưa ra một dụ ngôn về người phú hộ giầu
có để ban giáo huấn hướng dẫn ta về việc xử dụng của cải; đồng thời cũng nhắc
nhở mọi người hãy nghĩ tới cùng đích của mình.
Người
phú hộ này chỉ nghĩ đến việc tích trữ cho nhiều của cải. Và sức mạnh của cải vật
chất lôi cuốn nên người phú hộ chỉ chăm
chú nghĩ đến mưu kế làm giầu thêm, mà không nghĩ đến kẻ nghèo. Một khi quá chú
trọng đến của cải vật chất, thì nó lôi kéo con người đến chỗ hưởng thụ để thỏa
mãn những khoái lạc trần thế.
Người
phú hộ ở đây bị Chúa gọi là “ngốc”, không phải vì anh ta thu tích được nhiều
của, nhưng vì anh ta không biết xử dụng của cải để lập công phúc đời sau, nên
khi chết, anh ta đến trước tòa phán xét với hai bàn tay trắng.
Qua
dụ ngôn người phú hộ giầu có này, Chúa dạy chúng ta mấy điều :
1.
Chúa không ngăn cấm chúng ta làm giầu, vì của cải cần thiết cho đời sống, đồng
thời khi nỗ lực làm giầu là cách chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo của Chúa : làm ra của cải
vật chất để phục vụ con người.
2.
Nhưng cái ngu dại của người giầu có ở đây không phải vì anh có nhiều của cải,
mà là vì anh ta đã không biết dùng của cải để mưu ích phần rỗi đời sau, bằng
cách giúp đỡ người nghèo, bằng cách kìm hãm những hưởng dụng bất chính về của
cải vật chất.
3.
Giầu hay nghèo, chúng ta phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng ra trước tòa Chúa
phán xét bất cứ lúc nào bằng cách sống theo lời sách Huấn Ca nhắc nhở :”Trong hết mọi việc con làm, con hãy nhớ đến
cứu cánh của mình, thì không bao giờ vấp phạm” (Hc 7,36).
II. CUỘC SỐNG LÀ PHÙ DU.
Đại
thi hào Nguyễn Du đã viết kiệt tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” mà ta gọi là
truyện Kiều, đã tóm tắt cái nhìn của ông về cảnh phù du của vạn vật và con
người qua bốn câu thơ :
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh
khéo là ghét nhau.
Trải qua
một cuộc bể dâu,
Những điều trông
thấy mà đau đớn lòng.
Theo
ông, đời là một bể (biển) dâu. Biển và ruộng dâu, do chữ “thương hải tang
điền”, ý nói sự thay đổi của sự đời và người đời. Theo sách “Thần tiên truyện” : Tam thập niên vi nhất biến, thương hải biến
vi tang điền”, nghĩa là cứ 30 năm lại có một lần thay đổi, biển cả hóa
thành ruộng dâu, ruộng dâu hóa thành biển cả.
Cũng
trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã từng than thở về nét phù du và vô thường của
cuộc đời qua câu truyện của tố nga Đạm Tiên, một người con gái đẹp, khi còn
sống, người ta tấp nập ghé nhà thăm
viếng nâng niu đóa quốc sắc thiên hương. Nhưng rồi, cuối cùng cành hoa
vàng ngọc cũng nằm xuống. Ngàn vàng một đóa hoa quỳnh bị vùi lấp bên đường, trở
thành nấm mộ hoang cỏ dại, để rồi đúng ngày
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo
mộ, hội là đạp thanh.
Hai
nàng Kiều cùng đi qua, thấy ngôi mộ bỏ hoang trống vắng :
Sè sè nấm đất bên đàng
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Thúy
Kiều mới hỏi em trai là Vương Quan :
Rằng : “Sao trong tiết Thanh minh
Mà đây hương khói vắng tanh thế này” ?
Ý
Thúy Kiều muốn nói : hôm nay là ngày tảo mộ mà tại sao ngôi mộ này lại hương
khói lạnh tanh không nhang khói, y như
một ngôi mộ hoang ? Vương Quan mới nói với nàng Kiều là người này hôm xưa đẹp
nổi tiếng, nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc, quay đầu liếc
nhìn một cái thành quách nghiêng ngả, quay đầu liếc nhìn thêm một lần nữa, quốc
gia hưng vong suy tàn lụn bại. Nhưng rất tiếc, người hoa chết sớm. Bởi không
thân nhân, không thân thích, không họ hàng, cho nên thân xác của hoa lý hoa
quỳnh bị chôn vùi nông cạn bên vệ đường.
Để rồi tới ngày hôm nay, ngày của tảo mộ, hội của đạp cỏ xanh, không ai
nhìn ngó, không ai thương tiếc cắm cho một cây nhang cho linh hồn ở dưới cõi
tuyền đài bớt tẻ lạnh. Lắng nghe câu truyện của người con gái năm xưa, Thúy
Kiều đầm đìa những giọt châu sa, than ngắn thở dài cuộc sống sao quá là phù vân
và vô thường như vậy !
III. HÃY NGHĨ TỚI CÙNG ĐÍCH.
Cuộc
sống con người dù dài dù ngắn cũng phải kết thúc bằng cái chết. Nhưng chết chưa
phải là hết, chết mà vẫn sống, mất mà vẫn còn, bởi vì chết chỉ là một sự chuyển
đổi, chuyển đổi từ đời sống tạm bợ này sang đời sống vĩnh cửu.
Do
đó, người khôn ngoan là người biết chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu, một cuộc
sống trường tồn và hạnh phúc đang chờ đợi chúng ta. Tương lai do ta quyết định
và nằm trong tầm tay chúng ta vì Chúa không ép chung ta lên thiên đang, cũng
không đẩy chúng ta xuống hỏa ngục, mà hoàn toàn do chúng ta tự do quyết định.
Truyện : Ông Diogène bán sự Khôn ngoan.
Một
ngày nọ, triết gia Diogène của Hy lạp đã đến giữa chợ Athènes và dựng lên một
căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau : “Ở
đây có bán sự khôn ngoan”.
Một
bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc
được lời rao bảo, mới cười thầm trong bụng… Muốn biết đàng sau căn lều ấy có
những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà
người bán gọi là sự khôn ngoan.
Người
đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogène 3 hào
và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết
gia Diogène nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau :”Anh hãy về đọc
lại cho chủ anh nghe câu này : “Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng
đích”.
Vị
khoa cử thành Athềnes vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết
trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất
cả những ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy…
“Trong
tất cả mọi sự, hãy suy nghĩ đến cùng đích”.
Có
lẽ đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Giáo hội muốn ngỏ với mọi người chúng ta
trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong những dịp có lễ an táng. Mỗi năm qua
đi : đó là hình bóng của đời người và lịch sử của thế giới này. “Trong tất cả
mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích” : người lực sĩ nghĩ đến phần thưởng đang chờ
đợi mình. Người học sinh nghĩ đến ngày đỗ đạt thành tài… Điểm thúc đẩy con
người hăng say làm việc
Thời
ông Noe, mọi người ăn uống, vui chơi và cười nhạo khi ông cho đóng tầu đề phòng
nạn hồng thủy. Đối với họ, chuẩn bị để
đương đầu với tai nạn, chuẩn bị để làm cuộc hành trình dài là một chuyện viển
vông, là điều ngu xuẩn…
Hãy
vui hưởng cuộc sống, hãy sống như thể con người sẽ không bao giờ chết : đó là
thái độ của nhiều người trong chúng ta. Sông như thế là sống không định hướng,
sống như thế là sống không mục đích. Thánh Phaolô đã gọi những người đó là
những người chỉ biết thờ cái bụng của mình…
Hầu
như mọi hoạt động, mọi nỗ lực của nhiều người đều qui về cuộc củng cố, đầu tư
cho thân xác, cho cuộc đời tạm thời vắn vỏi này. Cái tôi như một trung tâm điểm
mà tất cả mọi năng lực của bản thân đều qui về đó..
Người
ta đã để 24 giờ mỗi ngày dành trọn vẹn cho thân xác : giờ để ăn, giờ để ngủ,
giờ để giải trí vui chơi, giờ để làm việc nuôi thân xác. Người ta để 168 giờ
mỗi tuần, 720 giờ mỗi tháng, 8766 giờ mỗi năm để phục vụ cho thân xác. Châm
ngôn của họ là :”Tất cả cho thân xác. Tất
cả cho cuộc sống đời này”. Người
ta cố đầu tư xây dựng cho cuộc sống đời này như những con dã tràng đua nhau xe
cát, tạo nên những đụn cát nhỏ bé trên bãi biển bao la để rồi một lát sau sóng
biển sẽ xóa đi chẳng để lại một vết tích gì.
Bao
nhiêu thời gian, công sức, tiền của, tài năng, trí tuệ, nghị lực đều được dốc
ra để đầu tư cho thân xác, cho cuộc sống
tạm bợ đời này, để rồi kết cuộc đời người, theo như thi hào Nguyễn Du, chỉ còn
là một nấm đất :
Trăm năm còn có gì đâu ?
Chẳng qua
một nấm cỏ khâu xanh rì !
Chúa
Giêsu đã phán :”Ai cứu mạng sống mình thì
sẽ mất’(Mt 16,25; Mc 8,35; Lc 9,24); và cho dù người ta có thu tóm “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng
sống, thì nào có lợi gì”(Mt 16,26, Lc 9,25).
Đầu
tư hết vốn liếng và khả năng để bồi đắp cho thân xác và xây dựng cuộc sống đời
này để rồi rốt cục chỉ còn là “một nấm có
khâu” hay đơn giản hơn “một lọ tro
tàn” thì kiếp người đúng là một tấm thảm kịch bi đát.
KẾT
LUẬN
Cái
chết là cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Và cuộc sống mai hậu ấy tùy thuộc
vào những tích chứa, những xây dựng của chúng ta trong cuộc sống tại thế này.
Nếu trong cuộc sống này, chúng ta hướng mọi hoạt động của chúng ta vào cùng đích ấy, nếu chúng ta hành động, suy
nghĩ như thế chúng ta sẽ ra đi tức khắc, thì chắc chắn khi bước qua ngưỡng cửa
ấy, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng, sẽ không phải thất vọng…
Nhưng
dĩ nhiên, không phải tự sức mình, chúng ta có thể xây dựng cho mình tương lai
vĩnh cửu ấy. Sự sống trường sinh là ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Thiên
Chúa chỉ chờ đợi nơi chúng ta sự ưng thuận và đáp trả tích cực mà thôi… Ước gì
từng suy nhgĩ, từng hành động, từng gặp gỡ, từng hơi thở của chúng ta đều là một đáp trả tích cực của chúng ta đối
với lời mời gọi và sự sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự
khôn ngoan hướng dẫn chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban
cho chúng ta. Ước gì trong từng bước lữ hành về cõi phúc cấy, chúng ta có thể
nếm được niềm vui và hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này.
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt