LÁ RỤNG VỀ CỘI

Bài chia sẻ nơi nghĩa trang

+++

          Hôm nay chúng ta tụ họp nơi nghĩa trang này để cầu nguyện cho các người đã qua đời, đặc biệt cho những người nằm nơi đây, trong đó có những người thân yêu và bạn bè của chúng ta.

 

          Chúng ta đang đứng giữa nghĩa trang  được bao bọc bằng một rừng cây. Cảnh vật chung quanh có thể gợi cho chúng ta một vài tư tưởng để chúng ta có thể chia sẻ với nhau trong giờ cầu nguyện này.

         

I. NHÌN CẢNH LÁ RƠI.

 

          Hôm nay đã cuối thu sang đông, tiết trời se lạnh, gió hiu hiu thổi, nhìn những hàng cây chung quanh, tự nhiên tôi liên tưởng đến bài thơ “Tiếng thu” của thi sĩ Lưu trọng Lư, trong đó có câu :

 

                                       Em nghe không rừng thu,

                                      Lá thu bay xào xạc,

                                      Con nai vàng ngơ ngác

                                      Đạp trên lá vàng khô.

 

          Theo thời tiết trong năm, khi trời sang thu, lá cây đổi mầu, vàng úa rồi rụng xuống. Lá rơi ! Lá rơi xào xạc ! Nhìn những chiếc lá rơi, chúng ta thấy có những chiếc lá khi rụng, chao đảo vài vòng rồi nhẹ nhàng đặt mình dưới gốc cây; nhưng cũng có những chiếc lá vừa lìa khỏi cành đã bị trận bão loạn gió cuồng cuốn bay đi xa lắc.

 

          Nhình cảnh lá rơi, tôi lại nhớ đến câu tục ngữ của dân gian :”Lá rụng về cội”. Theo người ta giải thích, câu tục ngữ này có nghĩa là : con cháu dù đi xa, dù được ai nuôi dưỡng, lớn lên cũng tìm về, nhớ về quê cha đất tổ. Vì “cội” là gốc và quê cha đất tổ là gốc của con người.

 

          Tức cảnh sinh tình. Cảnh vật chung quanh như cũng có hồn, có tâm tình, nó gợi cho chúng ta những ý nghĩ  mà chúng ta không nên bỏ qua. Ngắm nhìn cảnh lá lìa cành rơi trên mặt đất, tự nhiên chúng ta nghĩ ngay đến thân phận con người, và coi đời người như những chiếc lá rơi vì ngày xưa Chúa đã nói với con người :”Ngươi chỉ là bụi đất và sẽ trở về cùng bụi đất”(St 3,19).

 

          Như lá được sinh ra và nuôi dưỡng từ chất nhựa từ cội là gốc rễ đưa lên cành thế nào, con người cũng được sinh ra, lớn lên sinh hoạt trong dòng đời, từ chính cội nguồn của sự sống là Thiên Chúa. Cái chết của con người cũng giống như chiếc lá lìa cành. Những chiếc lá lìa cành đó có trở về cội nguồn  hay lại bay đi đâu ?

 

II. ĐÂU LÀ CỘI NGUỒN ?

 

          Người Việt nam chúng ta luôn chú trọng đến chữ hiếu đối với tổ tiên ông bà cha mẹ, không ai có thể quên công ơn sinh thành dưỡng dục của các đấng ấy, vì người ta có cha có mẹ, có ai ở lỗ nẻ chui lên đâu. Vì thế, mọi người phải khẳng định rằng con người phải có căn nguyên cội nguồn :

 

 

                                      Người ta có cố có ông,

                             Như cây có cội, như sống có nguồn.

 

          Đành rằng ông bà cha mẹ là cội nguồn của chúng ta, nhưng nếu đi xa hơn, chúng ta phải đặt thêm câu hỏi : cội nguồn của tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta ở đâu và rồi chúng ta cũng sẽ đi về đâu như khi chiếc là lìa cành ?

 

          Đứng trước câu hỏi này, từ xưa, ông Hoài Nam Tử đã trả lời cho chúng ta :”Sinh ký, tử qui” : sống là tạm gửi , chết mới là về.  Nhưng về đâu ? Và đâu là cội nguồn ? Đó mới là vấn đề.

 

          Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn khắc khoải trong việc đi tìm cội nguồn. Ôn diễn tả khắc khoải ấy trong một bài hát trong đó có câu :

 

                                      Bao năm rồi còn mãi đi xa…

                                      Đi lên non cao đi về biển rộng.

                                      Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ

                                      Chẳng biết nơi nào là chốn quê nhà.

 

          Ông chưa biết nơi nào là chốn quê nhà tức là ông chưa tìm được nguồn gốc của mình để sau cùng ông sẽ trở về đó.  Người ta vẫn băn khoăn với câu hỏi : sau cùng người ta đi về đâu : Có phải về với lòng đất ? Có phải là về với hư không ? Có phải là về với tổ tiên ? Hay là về chốn bồng lai tiên cảnh ?... Điều đó tùy thuộc quan niệm và niềm tin của từng người.

 

          Người Công giáo chúng ta tin rằng con người có linh hồn bất tử, và khi chết, linh hồn của mình sẽ về cùng Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mình. Thiên Chúa là cội nguồn. Từ Thiên Chúa, có muôn loài muôn vật, có chính mình. Bởi thế, chết là một cuộc “lá rụng về cội” lớn lao nhất, quan trọng nhất.

 

Truyện : Trở về với Tạo Hóa.

 

          Tuy Trang Tử sống trước Chúa Giêsu nhiều năm, không hề biết giáo lý Công giáo, nhưng ông cũng có quan niệm về cái chết giống hệt như quan niệm của ta.

          Vợ Trang Tử chết,

          Huệ Tử đến viếng, thấy Trang Tử ngồi duỗi xoạc hai chân ra, gõ nhịp vào bồn nước mà hát.

          Hệ Tử bảo :

- Mình đã ăn ở với người ta, có con với người ta, bây giờ người ta già, người ta chết, mình đã không khóc cũng đủ, mà lại còn gõ bồn mà hát, chẳng là quá lắm ư ?

Trang Tử nói :

          - Không phải thế, vợ tôi mới chết, tôi cũng lấy làm thương tiếc lắm… nhưng xét cho cùng, thì người ta chết, là trở về với Tạo Hóa, cũng như người ta ra ngoài về nhà, thế mà ta vẫn cứ còn theo đuổi, than van, khóc lóc, thì chẳng hóa ra  ta không biết mệnh trời ư ? Cho nên ta không khóc, mà lại hát.

 

III. CHUẨN BỊ VỀ VỚI NGUỒN CỘI

 

1.    Cuộc đời chóng qua.

 

Khi nhìn chiếc là lìa cành, chúng ta nghĩ ngay đến ngày chúng ta phải từ giã cõi đời này vì trần gian chỉ là nơi tạm trú, không có gì là vĩnh viễn.  Mọi người đều có cảm tưởng thời gian mau qua, vừa mới sinh ngày nào nay đã đến tuổi già, mà càng già càng cảm thấy thời gian đi mau hơn. Chúng ta hãy thưởng thức một bài thơ cổ nói về cuộc đời chóng qua thế nào và điều gì quan trọng vào giây phút cuối cùng : 

 

          Khi tôi là một đứa trẻ, tôi cười tôi khóc, thì lúc đó thấy thời gian bỏ tôi.

Khi tôi là một thanh niên, tôi táo bạo hơn, thì thấy thời gian đi bộ.

          Khi tôi trưởng thành, tôi là một người chững chạc, thì thấy thời gian chạy.

          Cuối cùng, khi tôi bước vào tuổi chín mùi, tuổi già, thì thấy thời gian bay.

          Chẳng bao lâu nữa là tôi chết, lúc đó thời gian đã đi mất.

          Ôi, lạy Chúa Giêu, khi cái chết đến, thì ngoài Ngài ra, không còn gì là quan trọng nữa (Thiên đàng là thế đó, tr 92).

 

2.    Chuẩn bị cho ngày ra đi, 

 

Khi quan sát chiếc lá rụng , chúng ta thấy có chiếc lá chao đảo mấy vòng rồi nằm xuống gốc cây, nhưng cũng có những chiếc lá bay vèo đi nơi xa lắc. Lá rụng nhưng đâu lá có về cội. Cũng thế, nếu lá rụng chưa chắc đã về cội thì con người khi chết cũng chưa chắc sẽ được về cùng Chúa là nguồn cội. Về được với Chúa hay không, cái đó còn tùy ở cách sống của mình, hoàn toàn tùy ở minh.

 

          Triết lý tử vong của người Việt chúng ta nằm trong câu tục ngữ này :

 

                                      Sống về mồ về mả,

                                      Chẳng ai sống về cả bát cơm.

 

          Đây là một quan niệm mê tín : người ta làm ăn phát đạt là nhờ mồ mả cha ông chôn cất vào nơi có địa thế tốt, kết phát.  Nhưng dầu sao, triết lý tử vong có tương quan mật thiết với triết lý nhân sinh : sinh ký, tử qui. Triết lý tử vong đem lại cho chúng ta tất cả những giáo huấn khôn ngoan, những hứng khởi sáng suốt về cuộc đời, thành thử nếu đích thực là “sống khôn chết thiêng” thì cũng đích thực là “triết lý tử vong chi phối triết lý nhân sinh”, vì chỉ có ai biết chết thiêng thì mới biết sống khôn (P. Bianchi, Tĩnh tâm Linh mục, tr 99).

 

          Từ quan niệm ấy, người Việt nam hình như không sợ hãi khi đối diện với cái chết. Vì thế,những cụ già xây sẵn phần mộ, mua sắm cỗ quan tài, ra vào vuốt ve ngắm nghía nó như ngắm một vật thân quí, đôi khi vào nằm thử một cách bình tĩnh.  Các cụ còn định sẵn cả chương trình cho đám táng của mình, phải tổ chức ra sao, nghi thức thế nào. Thật là một sự chuẩn bị cho một cuộc trở về.

 

          Mọi người giầu nghèo sang hèn, giỏi dốt ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, thì rồi cũng có ngày phải rời bỏ cõi đời này để trở về thế giời bên kia. Chết là một án lệ không ai có thể trốn tránh được, chỉ có một điều là phải chuẩn bị cho ngày đó.

 

Truyện : Rồi cũng phải chết.

 

          Ngày xưa, mỗi lần vua Ấn độ ra gặp thần dân, ông ngồi trên ngai đặt trên lưng voi, có tiền hô hậu ủng.

          Một viên quan đi trước xứng lên :”Đây là đấng thiên tử vĩ đại, là hoàng đế nước Ấn độ, hùng cường và đáng kính phục, sống trong cung điện, lợp bằng trăm nghìn viên hồng ngọc, và có hai vạn vong hoa bằng kim cương”.

          Lời tung hô vừa dứt, thì viên võ quan đứng sau nhà vua lại hô tiếp :”Đấng thiên tử hết sức hùng cường và hết sức vĩ đại ấy, rồi cũng phải chết… Rồi cũng phải chết”.

 

          Cuộc sống làm nên ý nghĩa của sự chết. Cuộc sống quyết định cho đích điểm của một chuyến đi. Chuyến đi xa nhất, quan trọng nhất của đời người. Đây cũng là chuyến đi cô đơn nhất vì không ai đồng hành với ta.

 

          Thánh Kinh nhắc bảo chúng ta :”Con hãy nhớ : tử thần luôn sẵn sàng đó”(Hc 14,12) , nên Chúa Giêsu đã khuyên chúng ta phải nhớ và suy niệm lời Ngài :”Các con hãy sẵn sàng, vì không biết giờ nào, ngày nào Con Người sẽ tới”(Mt 24,44).

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Mục Lục