NAY NGƯỜI, MAI TA

+++

 

I. NGƯỜI CHẾT NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI.

 

          Đứng trước thi hài người quá cố hôm nay, tôi liên tưởng đến bài hát mà thiếu nhi giáo xứ vẫn hát trong buổi sinh hoạt chiều Chúa nhật, đó là bài : “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh công Sơn.  Mục đích của bài hát này nhằm thúc giục mọi người Trung Nam Bắc đoàn kết xây dựng quê hương đất nước chúng ta.

 

          Nhưng trong bài hát này có một câu làm tôi phải suy nghĩ, đó là “Người chết nối linh thiêng vào đời”.  Không biết rõ tác giả định nói gì ? Chắc chắn phải có một ý nghĩa thâm sâu . Tuy không hiểu hết ý nghĩa của nó, nhưng nó giúp tôi  nảy ra một ý nghĩ : người chết nối linh thiêng vào đời vì thực tại cái chết là một thực tế đặt con người đứng trước một cái gì huyền bí, đáng sợ, và khi đứng trước thi hài người chết, ai ai cũng phải đối diện với cái ý nghĩ này : nay người, mai ta.  Và tôi muốn nói với bạn :”Hodie mihi, cras tibi” : nay tôi, mai anh.  Tôi chết, anh còn sống, nhưng còn sống đối với anh chỉ là “chưa chết”. Anh chỉ được “triển hạn”, chứ không bao giờ được “miễn trừ”.

 

          Với những ý nghĩ như vậy mà chúng ta thường im lặng , trầm mặc đứng trước người chết, nhất là đứng trước thi hài một người thân yêu của mình.  Chúng ta im lặng, trầm mặc và buồn sầu, không chỉ vì người thân yêu không còn nữa, mà còn vì nghĩ đến cái chết  sẽ xẩy ra cho mình.  Người chết như mang theo phần nào chính chúng ta.  Trong người chết, nhất là những người ruột thịt máu mủ của chúng ta, một phần ruột thịt máu mủ của chúng ta đã ra đi.

 

          Người chết nối linh thiêng vào đời” là như thế, nghĩa là người chết đặt chúng ta đối diện với một thực tại khác, một thế giới của sự im lặng, huyền bí, một thế giới của sự tôn nghiêm, đáng kính, đáng sợ…  Vì sợ người chết,  sợ sự chết, nên người ta dù muốn hay không cũng phải nghĩ đến cái chết của mình, phải chuẩn bị cho cái chết không thể tránh được.

 

          Người Estonia có câu ngạn ngữ :”Cái chết ở trước mặt người già và sau lưng người trẻ”.  Đây là tâm lý chung cho mọi người vì người già dễ cảm thấy mình gần đất xa trời hơn người trẻ.

 

          Tuy thế, nhiều khi người già cũng như người trẻ đều “tham sinh úy tử” nên ít khi nghĩ đến cái chết, nhưng khi thần chết đến thì người ta cảm thấy đã quá muộn. Vì thế, ông Henri Bordeaux nói :”Phần đông người ta chỉ mở mắt một lần, mà lần ấy lại là chính lúc tắt thở, nhưng người ta vội bóp mắt lại ngay”.

 

          Đồng quan điểm với ông  Henri Bordeaux, ông John C. Collins nói :”Người chết mở mắt cho người sống”,  cũng có nghĩa là người sống bóp mắt người chết.

 

          Ông Stephen Leacock nói :”Lạ lùng thay cái chuỗi đời người : còn nhỏ thì ước được lớn lên. Lớn lên rồi, ước đến tuổi trưởng thành. Đến tuổi trưởng thành rồi, ước được một tổ ấm.  Được tổ ấm rồi, ước làm ông nội nghỉ ngơi.  Được nghỉ ngơi rồi lại nuối tiếc  quãng đời quá khứ và cảm thấy một luồng gió lạnh đang rì rầm thổi tới.  Nhưng khi ý thức được rằng đời sống chính là ở hiện tại, ở trong ngày hôm nay, thì đã quá muộn rồi”.

 

II. HODIE MIHI, CRAS TIBI.

 

          Hôm nay, người chết nằm đây muốn nhắc nhở chúng ta : “Hodie mihi, cras tibi” : hôm nay phiên tôi, ngày mai đến phiên anh.  Hôm nay” (hodie) là một ngày nhất định, rõ ràng, tại đây và lúc này, ai cũng phải công nhận rằng người thân yêu của chúng ta đã ra đi về đời sau, và lát nữa sẽ được chôn vùi trong lòng đất.

 

          Nhưng còn chữ “Ngày mai” (cras) là một ngày bất định, mông lung, mờ mịt không biết bao giờ mới đến như người ta nói :”Sinh hữu hạn, tử bất kỳ” (Tục ngữ).  Đây là điều bắt buộc chúng ta phải động não vì nó liên quan đến số phận đời đời của chúng ta.

 

          Theo tâm lý chung, người đời ai cũng “tham sinh úy tử” (ham sống sợ chết).  Người ta cũng nhận xét rằng : các cụ già thường sợ chết hơn các thanh thiếu niên.  Nhưng có một điều thực tế : không bao giờ người ta thấy mình sống lâu cả.  Dẫu đã tóc bạc da đồi mồi, đi không vững, đứng không ngay, cũng còn thấy  như mới bước chân vào đời ngày hôm qua vậy :

 

                                      Nhớ từ năm trước vẫn thơ ngây,

                                      Thoát chốc mà già đã tới ngay

                                                (Nguyễn Khuyến)

 

          Thỉnh thoảng chúng ta phải  “stop” lại để bình tĩnh đứng ra ngoài cuộc đời bề bộn, ra ngoài cái Tôi chủ quan, mà quan sát và ý thức  nhận định một cách khách quan :

 

                                      Tại sao tôi sống ?

                                      Sống để làm gì ?

                                      Chết rồi, ra sao ?

 

          Phải tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Có người không biết tại sao mình sống, rồi sẽ ra sao !  Cho nên họ có cái nhìn bi quan về cuộc sống bởi vì họ không tìm ra được lẽ sống. 

 

          Ngày xưa có một ông vua, tuổi đã quá thất tuần mà vẫn chưa xem được một quyển sách nào. Bộ sách mà ông thèm khát được đọc là bộ “Lịch sử loài người”.  Nhưng vì bận rộn không có thì giờ đọc nên đã nhờ các nhà thông thái  nghiên cứu  và rút gọn lại trong một câu cho vua dễ nhớ và để làm kim chỉ nam cho cuộc sống.  Sau một thời gian, ban tu thư đã trình lên vua một câu vắn tắt :”Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ : loài người sinh ra  để khổ rồi chết”.  Nhà vua gật đầu. Đôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở một nụ cười mãn nguyện… rồi tắt thở.

 

          Cuộc sống trên trần gian này chỉ là một cuộc hành trình có  khi dài có khi ngắn đối với mỗi người, nhưng luôn phải có điểm đến, nghĩa là cuộc hành trình phải kết thúc, chứ không phải đi đến vô tận.  Đây là một thực tế hiển nhiên, ai cũng phải công nhận.  Đã có sinh thì phải có tử, nhưng khi chết rồi người ta còn muốn để lại danh thơm tiếng tốt cho hậu thế :

                                                Người đời hữu tử hữu sinh

                                      Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm.

          Napoléon Bonaparte, hoàng đế nước Pháp (1769-1821), kẻ đã làm thay đổi bản đồ Âu châu, nhà chiến lược quân sự đại tài, đã phải tâm sự : “Tôi chết trước thời hạn, và thân thể tôi lại trở về với lòng đất. Đó là số phận của con người đã từng được gọi là  Napoléon đại đế. Có một vực sâu ngăn cách giữa sự khốn cực của tôi và vương quốc bất diệt của Chúa Kitô”.

 

          Để chuẩn bị cho cuộc ra đi vĩnh viễn, chúng ta phải mở rộng tâm hồn ra, đừng bao giờ khép kín lại với người khác.  Con người sinh ra với những ngón tay nắm chặt lại.  Bản tính con người vốn khép kín, ích kỷ.  Một đứa trẻ được nuông chiều sẽ nghĩ rằng  mọi người đều có bổn phận phải phục vụ nó, nó là trung tâm của vũ trụ, cả thế giới này là của nó.  Nhưng mọi người cũng biết rằng khi chết đi, các ngón tay sẽ buông xuôi, tiền tài và danh vọng đều để lại…

 

          Cuộc hành trình tâm linh là đi từ bản thân tới người khác, phải mở trái tim để yêu thương người khác, phải mở bàn tay để chia sẻ với người khác.

 

                                      Truyện : Hãy bắt chước dòng suối.

          Có một phiến đá ở bên cạnh một dòng suối được khắc những chữ “Hãy bắt chước dong suối” .  Ba người du khách tình cờ đi đến đây, và tự hỏi không biết  dòng chữ có ý nghĩa gì.

 

          Một người là nhà buôn nói :

          -  Nó có nghĩa là dòng suối đưa nước tới một dòng suối khác. Suối này lại tiếp tục đưa nước tới một dòng khác lớn hơn, cho tới khi nó gặp sông, và nước sông đổ ra biển. Như thế, nó có nghĩa là : người ta nên quan tâm đến vấn đề vật chất và cố gắng làm giầu, như thế  họ mới có thể thành công và giầu có.

 

          Người trẻ nhất trong ba người nói :

          - Không phải như vậy. Nước của dòng suối này rất trong và sạch. Ai đi qua đây, suối cho họ thức uống làm tỉnh người. Nếu dòng nước chảy đi xa hơn, nó sẽ bị vẩn đục hơn và không uống được.  Dòng chữ có nghĩa là : Chúng ta nên giữ cho trái tim và linh hồn trong sạch, không vẩn đục, cũng như dòng suối này vậy.

 

          Người lớn tuổi nhất nói :

          - Người bạn trẻ nói đúng đó ! Dòng suối cho nước mát, sạch cho những ai đang bị khát.  Dòng suối cho  nhưng không đòi phải trả lại nước cho nó.  Dòng suối cho tất cả mọi người không từ chối ai cả. Nó có nghĩa là : chúng ta nên tốt với mọi người, không nghĩ đến điều họ trả ơn, hay chúng ta được ban thưởng gì  (Arthur Tonne , Stories for sermons, vol 13).

 

                  

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim Phát

Đà lạt