VỀ NHÀ CHA

+++

 

I. CỤM TỪ “VỀ NHÀ CHA”.

 

          Nhận được một thiệp tang của anh bạn gửi từ bên Hoa kỳ, trong đó có câu : “Anh Nguyễn văn X đã về nhà Cha”. Anh bạn đã dùng một từ đặc biệt, khác với những từ quen dùng như : chết, mất, qua đời, qui tiên, về nơi chín suối hay có thể dùng đến chữ “ngoẻo” rồi.

 

          Khi nghe tin “Anh đã về nhà Cha” thì không ai hiểu rằng anh đã về với cha anh ở nơi nọ nơi kia trên thế giới này, mà trái lại, ai cũng hiểu ngay ý nghĩa thiêng liêng và cao quí của nó.

 

          Về nhà Cha, cụm từ này, trước hết mang tính chất loan tin.  Nhưng cao cả hơn, nó còn là một lời tuyên xưng đức tin.  Bởi khi nói “Đã về nhà Cha”, nghĩa là chúng ta tin rằng, sau cái chết không phải là hết. Đúng hơn, đó là một sự trở về. Từ giã cõi sống tạm bợ này để về nhà Cha, về cõi vĩnh hằng và cũng được Cha gọi về, được Cha triệu hồi về.

 

          Cụm từ “Về nhà Cha” không phải là cụm từ do Giáo hội hay chúng ta đặt ra mà đã có nguồn gốc trong Thánh Kinh. Chúng ta hãy nhớ lại trước khi chụ tử nạn, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ :”Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

 

II. CHẾT LÀ TRỞ VỀ NHÀ CHA.

 

Khi mà Chúa Giêsu sắp bước vào cuộc thương khó, cái chết đang gần kề, lòng các môn đệ rối bời xao xuyến vì ngỡ như mình mất đi nơi nương tựa vững chắc, vậy mà chính giây phút đó, Chúa Giêsu lại nói :”Lòng các con đừng xao xuyến”, rồi lại “trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”, để bây giờ chính Thầy sẽ về nhà Cha mà dọn chỗ cho các con.  Thầy dọn chỗ như thế là để cuối cùng, các con cũng sẽ về nhà Cha cùng với Thầy.  Những lời an ủi cần thiết bao nhiêu ngay trong giờ phút lo âu này.  Nó mang lại hơi ấm, phần nào giúp các môn đệ bớt ngã lòng.

 

          Chúa Giêsu về trời, nghĩa là Người về nhà Cha. Ta biết mình sẽ về trời với Chúa Giêsu, vì thế ta cũng biết mình sẽ về nhà Cha như Người, vì Người đã hứa :”Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó”.  Bởi ý nghĩa đó, cụm từ về nhà Cha là một cụm từ đẹp.

 

          Các hướng đạo sinh cũng hay nói về người qua đời rằng :”Họ đã về nhà Cha”. Quả vậy,đối với người Kitô hữu, phần mộ không phải là nhà ở cuối cùng.

 

          Vì thế, ở nghĩa trang thành phố Liège có khắc một hàng chữ “Domus secunda, donec veniat tertia” (Đây là ngôi nhà thứ hai, trong khi chờ đợi ngôi nhà thứ ba). Nhà thứ ba này mới là nhà sau cùng. Đấy mới thật là ngôi nhà người Cha đang chờ đợi ta với tình yêu phụ tử..

 

          Chết chỉ là sự chuyển đổi.  Chết không phải là hết, là đi vào hư vô trống rỗng, mà chỉ là một sự chuyển đổi từ cuộc sống trần gian này sang cuộc sống khác, như lời thánh Phaolô nói :”Sự chết thay đổi chớ không mất đi, và khi sự sống này bị hủy diệt tiêu tan thì lại được một chỗ vĩnh viễn trên trời” .

 

          Chúa Giêsu cũng nghĩ đến cuộc đời hầu đến, Ngài làm sống lại niềm xác tín rằng, chết chưa phải là hết.  Những lời cuối cùng của Edward “Người xưng tội” là xin đừng khóc, tôi không chết đâu, vì đang lúc tôi rời bỏ xứ của những người sống.

 

          Chúng ta gọi thế giới này là xứ sở của những người sống, nhưng thật ra phải gọi là xứ sở của những người đang chết.

 

          Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta biết khi cái chết đến, chúng ta không ra khỏi xứ của người sống, nhưng đi vào xứ của kẻ sống.  Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta biết mình đang trên hành trình, không phải về hướng mặt trời lặn, nhưng về phái mặt trời mọc. “Cái chết là khung cửa mở vào đường đi lên trời” (Mary Webb).

 

          Theo nghĩa xác thật nhất, chúng ta không ở trên con đường đi đến sự chết, mà đang trên con đường đến với sự sống.

 

          Đây là đoạn trích từ lá thư đề ngày 4 tháng 4 năm 1786, nhạc sĩ tài ba Mozart gửi cho một người bạn, khi ông vừa nhận được tin  thân phụ mình đang hấp hối :

 

“Sự Chết, xét cho thấu, là mục đích cuối cùng của cuộc sống, cho nên từ ít năm nay, tôi đã làm quen với Người Bạn thật tình và trọn hảo nhất ấy của loài người, cho đến nỗi, hình ảnh Sự Chết không những chẳng còn gì đáng khiếp sợ đối với tôi, ngược lại, đó là một niềm thanh thản rất an ủi cho tôi.  Và tôi cảm ơn Thiên Chúa của tôi, Ngài đã cho tôi cái diễm phúc có được cơ hội để học biết  và nhìn nhận Sự Chết như là chìa khóa mở của hạnh phúc cho chúng ta”.

 

          Trang Tử sống trước Chúa nhiều năm, không hề biết giáo lý Công giáo, nhưng ông cũng có quan niệm về cái chết hệt như quan niệm của ta :

 

          Vợ Trang Tử chết.

          Huệ Tử đến viếng, thấy trang Tử ngồi duỗi xoạc hai chân ra, gõ nhịp vào bồn nước mà hát.

          Huệ Tử bảo :

          - Mình đã ăn ở với người ta, có con với người ta, bây giờ người ta già, người ta chết, mình đã không khóc cũng đủ, mà lại còn gõ bồn mà hát, chẳng là quá lắm ư ?

          Trang Tử nói :

          - Không phải thế, vợ tôi mới chết, tôi cũng lấy làm thương tiếc lắm… nhưng xét cho cùng, thì người ta chết, là trở về với Tạo Hóa, cũng như người ra ngoài về nhà, thế mà ta vẫn cứ còn theo đuổi, than van, khóc lóc, thì chẳng hóa ra ta chẳng biết mệnh trời ư ? Cho nên ta không khóc, mà lại hát.

 

III. HÃY ĐẦU TƯ VÀO NƯỚC TRỜI.

 

          Thánh Phaolô cho chúng ta biết quê hương chúng ta ở trên trời, nơi thường trú của chúng ta. Còn trần gian này chỉ là nơi tam trú chờ ngày Cha trên trời triệu hồi chúng ta về :”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20).

 

          Thánh Phaolô còn nói thêm để chúng ta  xác định được tính cách tạm bợ ở trần gian này trong khi chờ đời quê hương vĩnh cửu :”Chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2Cr 5,1).

 

          Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta và nhận chúng ta là con cái của Ngài. Thật là một vinh dự vô cùng lớn lao cho chúng ta.  Nhưng chúng ta không được ở ngay với Ngài vì Ngài sai chúng ta đi vào đời để làm trọn sứ mạng Ngài đã giao phó.  Với sứ mạng đã được trao ban, chúng ta phải làm sinh hoa kết quả để đem về trình diện Ngài khi Ngài triệu hồi chúng ta.

 

          Sứ mạng của chúng ta khi vào đời cũng không khác với sứ mạng của các Tông đồ phải thực hiện, Chúa Giêsu cũng sai các Tông đồ đi :”Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,18).  Chúa Giêsu cũng đã nhắn nhủ các Tông đồ phải đi truyền giáo và phải mang về hoa trái tốt đẹp :”Không phải các con đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con và cắt cử các con để các con ra đi sinh được hoa trái và hoa trái các con tồn tại” (Ga 15,16)..

 

          Cha chúng ta trên trời cũng sai chúng ta vào trần gian và chu toàn sứ mạng được giao phó cách tốt đẹp, để khi trở về Nhà Cha, chúng ta sẽ dâng cho Ngài nhiều hoa trái tốt đẹp.

 

          Như vậy là chúng ta phải đầu tư cho cuộc sống mai sau.

 

          Hầu như mọi hoạt động, mọi nỗ lực của nhiều người đều qui về việc củng cố, đầu tư cho thân xác, cho cuộc đời tạm vắn vỏi này.  Cái tôi như một trung tâm điểm mà tất cả mọi năng lực bản thân đều qui về đó. 24 giờ mỗi ngày đều được người ta dành trọn vẹn cho thân xác : giờ để ăn, giờ để ngủ, giờ để giải trí vui chơi, giờ để làm việc nuôi thân xác.

 

          Nếu tính ra người ta dành 168 giờ mỗi tuần, 720 giờ của mỗi tháng, 8766 giờ  của mỗi năm cũng được dành cho thân xác, nuôi cái thân xác mỏng dòn này  giông như cái bong bóng trẻ con chơi, chỉ một cái “ bụp”  thì chẳng còn gì.

 

          Người ta cố đầu tư xây dựng cho cuộc sống đời này như những con dã tràng đua nhau xe cát, tạo nên những đụn cát nhỏ trên bãi biển bao la để rồi một lát sau sóng biển sẽ xóa đi chẳng để lại vết tích gì.

 

          Bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của, tài năng, trí tuệ, nghị lực… đều được dốc ra  để đầu tư cho thân xác, cho cuộc sống tạm bợ này,  để rồi kết cục cuộc đời, theo như thi hào Nguyễn Du, chỉ còn là một nấm đất :

 

                                      Trăm năm còn có gì đâu,

                             Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.

 

          Đầu tư hết vốn liếng và khả năng  để bồi đắp cho thân xác và xây dựng cuộc sống đời này để rồi rốt cục chỉ còn là một nấm cỏ khâu thì kiếp người đúng là một thảm kịch bi đát nhất.  Trong lãnh vực kinh tế, có ai dại dột đến nỗi đầu tư kiểu đó không ?  Chắc chắn là không !

 

                                      Truyện : Ra đi với hai bàn tay trắng

 

          Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận.  Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách : đó là nhịn đói để gầy bớt đi.

 

          Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng.  Nó vào được trong vườn nho.  Nhưng sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá ra rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

 

          Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn vào suy nghĩ : “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để làm gì ? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng” !

 

          Để tránh khỏi thảm kịch bi đát ở trên, chúng ta có thể tìm được một giải pháp nào tốt hơn không ?  Chúng ta có thể tìm được trong Lời Chúa, đó là :”Các con hãy là chứng nhân của Thầy” (x. Lc 24,48).

 

          Làm chứng cho Chúa là phải trở nên ánh sáng và muối đất (Mt 5,13), phải có một đời sống gương mẫu để làm nổi bật khuôn mắt Chúa Kitô trong đời sống hằng ngày như Chúa đã dạy :”Ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha các con, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

 

          Để chuẩn bị về nhà Cha, chúng ta phải xây dựng thiên đàng  ngay ở trần gian này như cha Duval nói :”Trời của bạn sẽ được hình thành ngay dưới đất bằng cánh tay của bạn”.

 

          Đối với các tín hữu, với những người đang sống đức tin, Trời không là cái gì mới mẻ, nhưng là sự khai mở, tỏ hiện và thành toàn cái đã có sẵn trong họ.

 

          Vì thế, Guy de Larigaudi nhấn mạnh :”Chúng ta xây dựng đời đời trong mọi hành vi của mình : đó là khả năng kỳ diệu của con người. Chúng ta xây dựng Nước Trời từng mỗi giây phút”.

 

          Tin rằng với một đời sống chứng tá như thế, đến cuối cuộc hành trình trần thế này, chúng ta sẽ được hạnh phúc vì cùng Chúa Kitô bước vào Nhà Cha của Người, cũng là Cha của tất cả mọi người, Cha chúng ta.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục