ĐƯỜNG
VÀO CÕI SỐNG
+++
I. CHẾT : MỘT THỰC TẠI
Chết
là một thực tại quá hiển nhiên, không cần phải chứng minh, không ai chối cãi
được. Xưa nay chưa ai đã thoát chết. Cái chết vẫn hằng theo dõi, ám ảnh tâm trí
mọi người, dù người ta muốn quên hay chối bỏ nó. Nhưng càng xa tránh, càng chối bỏ, nó lại
càng theo sát chặt chẽ.
Ám
ảnh bởi cái chết luôn rình rập ở bên, người ta đã cố gắng tìm hiểu về cái chết
nhưng đều đi đến chỗ bế tắc, không giải quyết được vì, thực ra, sự sống hay cái
chết là một huyền nhiệm.
Jean Cocteau cũng đã bàn về cái chết
trong phim Orphée. Và triết gia Albert Camus cũng đã nói nhiều đến cái chết trong tiểu thuyết được xếp vào
loại tiêu biểu nhất của ông : Cuốn “Dịch hạch” (La Peste). Trong hai tác phẩm
này, các tác giả đã cho ta thấy chủ quyền của thần chết trên con người : Con
người bất lực trước cái chết.
Không
cần phải lý luận nhiều, tổ tiên ta ngày xưa đã biết chấp nhận cái thực tại bi
đát đó, nên đã cố gắng sống tốt, ăn ở ngay lành theo phương châm “Sống khôn chết thiêng”, ra đi nhưng
còn phải để lại tiếng thơm cho hậu thế :
Nhân sinh
tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ
đan tâm chiếu hãn thanh.
(Văn
Thiên Trường)
Ngàn xưa, người thế ai
không chết,
Chết, để lòng son rạng
sử xanh.
Nhiều
nhà khoa học trên thế giới cố gắng tìm ra một thứ thuốc làm cho con người khỏi
chết, nghĩa là ngày nào đó khám phá ra được thứ thuốc “trường sinh”. Vì thế, báo Tuổi trẻ ngày 25/11/2002 có đăng
tin trong bài “Gen đã tạo được trường
thọ”, với những lời lẽ như sau :”Chúng tôi tin rằng sắp tới đây – lời một
giáo sư sinh học người Nga – sẽ có công nghệ cho phép kéo dài thêm cuộc sống
của con người ít nhất gấp 2-3 lần, nếu không muốn nói là vô tận”.
Nhưng
bao nhiêu nỗ lực của các nhà bác học trên thế giới chỉ còn là một “giả thuyết”.
Theo các ông thì đó là điều có thể cũng
như bao điều có thể khác, vì căn cứ vào những khám phá luôn mới mẻ của trí óc
con người, các ông có quyền và có lý để nghĩ như vậy.
Nhưng
đối với chúng ta là những Kitô hữu, theo Kinh Thánh, điều đó không thể nào thực
hiện nổi, vì Chúa đã phán với ông bà nguyên tổ :”Người sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với
đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất”
(St 3,19).
Đây
lá án phạt nguyên tổ phải mang vì tội không nghe lời Chúa. Án phạt này truyền
sang cả con cháu. Phải chi ông bà đã không phạm tội thì đã không phải chết, và
cái chết đó chắc chắn con cháu cũng không phải gánh chịu, vì Chúa đã dặn trước
là ngày nào ăn trái cây biết lành biết
dữ, ngày đó ông bà sẽ phải chết :”Nhưng
trái của cây cho biết điều thiện điều ác thì ngươi không được ăn, vì ngày nào
ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,17).
II. SỰ GÌ XẨY RA ĐÀNG SAU CÁI CHẾT ?
“Có đời sau không” là một câu hỏi luôn
tra vấn con người, làm cho con người phải băn khoăn, suy nghĩ để tìm ra giải
đáp.
Hay
nói cách khác, chết là hết hay chết là
bước vào một thế giới khác ? Có thật một
sự sống sau khi từ giã cõi đời này hay đó
chỉ là sự hão huyền, giả tưởng ? Câu hỏi đó vẫn cứ đặt ra cho con người từ
ngàn xưa đến ngàn sau.
Từ
ngàn xưa đến ngàn sau, muôn người vẫn còn thao thức và băn khoăn cho một lời
giải đáp. Bởi sống – chết là một huyền nhiệm.
Con người phải biết sống để khám phá huyền nhiệm đời mình. Thao thức,
cật vấn về đích điểm, tận cùng của kiếp người là gì, nghĩa là vẫn còn trăn trở để tìm cho mình một lẽ sống.
Triết
gia Heidegger cho rằng : không ai
chết hai lần và cũng không ai trường sinh bất tử; không ai chết thay ai, mỗi
người đều phải chết cho cái chết riêng tư của mình. Do vậy, tôi phải biết thao
thức về cuộc đời, suy tư về phận người và ngẫm suy về sự chết.
1. Quan niệm của người
vô tín
Có
nhiều người quan niệm rằng chết là chấm hết. Đó là một sự giã từ vĩnh viễn. Sự
giã từ này không luyến tiếc, không thương nhớ, chẳng khắc khoải lo âu. Vì không
có bờ bên kia của sự chết. Tất cả đều đặt trong chữ “hết”. Chết là hết. Đó là qui luật, là định mệnh không thay đổi.
Vì
quan niệm đời này đã không được gì, đời sau cũng chẳng có, vậy việc gì mà không
hưởng thụ, không sống cho sướng thân. Thật đúng với Aritippus (chủ nghĩa khoái lạc, 435-356 trước công nguyên) : Hãy ăn
uống, tận hưởng mọi thú vui trần gian, vì rồi mai đây chúng ta sẽ chết.
Cuộc hành
lạc bao nhiêu lãi đấy
Nếu không
chơi thiệt ấy ai bù ?
(Nguyễn công
Trứ)
2.
Quan niệm của dân gian
Đạo
lý truyền thống của Việt nam quan niệm về “Nghĩa
tử nghĩa tận”, bao nhiêu hờn oán đều xóa bỏ khi đối tượng đã chết, vì chết
là dứt nợ trần gian.
Một
quan niệm nhân văn khác là “sinh ký tử
qui”, xem cuộc đời sống ở trên mặt đất là cõi trọ tạm bợ, chết không phải
là hết, mà chết là đi về.
Vì
vậy, tín ngưỡng dân gian tin vào linh hồn, người chết rồi thì linh hồn sẽ sống
ở cõi âm, cũng sinh hoạt như ở dương thế. Dó đó, có tục lệ đốt vàng mã, nhà
cửa, xe cộ, đầy tớ, quần áo, tiền bạc, đôla âm phủ… để viện trợ cho người chết.
Rằm
tháng 7 âm lịch, trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo, là ngày xóa tội vong nhân,
người ta cúng cô hồn để bố thí thức ăn cho những hồn ma lang thang.
3.
Quan niệm của Phật giáo
Phật
giáo quan niệm : chết không phải là hết
hay chấm dứt mọi cảnh khổ đau nhưng là tiếp tục cho đến khi hoàn toàn giải
thoát được hết các ác nghiệp.
Luân
hồi trả nghiệp không chỉ là quan niệm Phật giáo mà còn là quan điểm của các tôn
giáo khác trước khi Phật giáo ra đời như Ấn giáo, Ba-la-môn giáo. Thế nên, chết
không phải là hết mà chỉ là sự thay đổi từ cảnh giới này sang cảnh giới khác.
III. CHẾT LÀ ĐI VÀO CÕI SỐNG
Theo
quan niệm Kitô giáo của chúng ta : người ta ai cũng nói đến cái chết, sợ chết,
trốn chết, quên chết, hoặc đón nhận cái chết. Mỗi người quan niệm về sự chết
một lối, nhưng mọi người phải quan niệm rằng chết là ngưỡng cửa đi vào cuộc đời
hay chết là con đường đưa tới sự sống.
Nói
cách khác, chết không phải là hết, là mất mát, là đi vào ngõ cụt, đi vào cõi hư
vô mà chết là một sự chuyển đổi như chúng ta thấy đọc trong kinh Tiền tụng lễ
An táng :”Đối với chúng ta là những Kitô hũu, sự sống thay đổi chứ không mất đi,
và khi nơi trú ngụ dưới trần bị tiêu hủy, chúng con sẽ về hưởng hạnh phúc vĩnh
cửu trên quê trời”.
Truyện : Chết là chuyển đổi.
Đại
tá David Marcus bị chết trong trận chiến ở Israel tháng 6 năm 1948, Trong bóp của ông, người ta thấy một tấm thẻ
ghi lại những lời thi vị hóa cái chết như sau :
“Tôi
đang đứng trên bờ biển. Bên cạnh tôi một con tầu đang trương buồm trắng phất
phơ trong gió sớm hướng về đại dương.
Con tầu trông thật đẹp và mạnh mẽ. Tôi đứng nhìn theo nó cho đến
khi nó chỉ còn là một dải mây
trắng, nơi trời và nước hòa lẫn với
nhau.
Lúc
đó có một người đứng cạnh tôi thốt lên :
-
Kìa ! Con tầu biến mất rồi.
-
Biến đi đâu ?
-
Biến khỏi tầm mắt tôi, thế thôi ! Nó vẫn là một cột buồm, là vỏ tầu rộng lớn
như lúc nó rời cạnh tôi và cũng vẫn đủ khả năng mang hàng hóa tươi sống đến nơi
đã định. Kích thước con tầu chỉ giảm đi trong ánh nhìn của tôi chứ không phải
nơi chính nó.
Và
ngay lúc đó tiếng người cạnh tôi vang lên :
-
Kìa ! Nó biến mất rồi !
Thì
lại có nhiều tiếng khác ở chân trời đàng kia vang lên đầy hoan hỉ :
-
Kìa ! Nó đến rồi.
Và
đó chính là lúc chết.
Đúng
vậy, đối với người tin Chúa chết là con đường đưa tới sự sống. Khi chết con
người được đi vào cõi sống trường sinh bất diệt ở một cõi đời khác, như Chúa
Giêsu đã hứa cho những ai tin Ngài :”Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được
sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
Người
tin Chúa dù có chết cũng sẽ sống. Nhưng sự sống đây không giống, và cũng không
còn là sự sống, như ta đang sống hiện nay, với một không gian cư ngụ rõ rệt và
những phiền hà, vui tươi, phấn khởi, lo lắng v.v… “Vì từ khi trong đám người chết sống lại, người ta không lấy vợ lấy
chồng nữa, mà sẽ như thiên thần trên trời” (Mc 12,25). Đó là lời tiên báo cuộc đời mới con người sẽ
được sống, sau khi trút bỏ thân xác, đợi lúc hồn xác tái hợp trong buổi thẩm
chung ngày tận thế.
Chúng
ta gọi thế giới này là xứ sở của những người sống, nhưng thật ra phải gọi là xứ
sở của những người đang chết. Nhờ Chúa
Giêsu, chúng ta biết khi cái chết đến, chúng ta không rời khỏi thế giới của
người sống, nhưng đi vào xứ của kẻ sống.
Tin
tưởng rằng chết là một sự chuyển đổi từ đời này sang đời sau, nhạc sĩ Gounod đã hát lên rằng :”Chết là ra khỏi đời này để đi vào cõi sống”.
Trước
khi chết, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng
cũng nói một cách tự tín và lạc quan với những chị em đang đứng chung quanh
rằng :”Em không chết, em đi vào cõi
sống”.
Mary Webb cũng nói lên tư tưởng đó :”Cái chết là khung cửa mở vào đường đi lên
trời”.
Trước
tư tưởng nghịch thường đó, ta tự vấn : Phải chăng đó là một câu nói quá đáng hoặc
là một điều mơ mộng ? Khi tuyên xưng :
sự sống đời sau hoàn hảo hơn sự sống đời này, người tín hữu có hiểu điều mình
quả quyết không ? Dĩ nhiên giáo lý Công
giáo dạy rõ ràng về những điều đó.
IV. CHUẨN BỊ ĐI VÀO CÕI SỐNG
Người
Việt nam biết phòng xa, không những lo cho mình nhưng còn lo tương lai cho con
cháu. Trong cuộc sống hằng ngày, không những chỉ lo cho ngày hôm trước mà còn
phải lo cho ngày hôm sau, không phải chỉ lo cho hiện tại mà còn phải lo cho
tương lai. Tư tưởng ấy được gói ghém
trong câu tục ngữ :”Tích cốc phòng cơ,
tích y phòng hàn”, nghĩa là phải
lo tích trữ lúa thóc phòng khi đói kém, cũng như phải lo sắm quần áo phòng khi
trời lạnh.
Trong
đời sống nông nghiệp, cha ông chúng ta
ngày xưa đã có kinh nghiệm về sự nghèo đói, túng thiếu, nhiều khi đã làm
việc cật lực mà cũng không đủ ăn, vẫn túng thiếu. Để tránh sự nghèo đói, túng
thiếu, các ngài đã nói lên kinh nghiệm của mình để khuyên răn con cháu :
Có cấy có trông, có trồng có ăn.
Cha
ông chúng ta cũng chẳng hiểu biết gì về triết học, chẳng hiểu “nguyên lý nhân
quả” là gì, chẳng biết diễn tả nó thế nào, nhưng đã biết áp dụng nhuần nhuyễn
nguyên lý ấy vào trong cuộc sống. Theo nguyên lý nhân quả thì nguyên nhân sẽ sinh ra hậu quả, nguyên nhân tốt thì sẽ
dẫn đến hậu quả tốt, nguyên nhân xấu thì sẽ dẫn đến hậu quả xấu. Có một mối
tương quan biện chứng giữa nhân và quả. Như vậy “có cấy” là nguyên nhân và “có
ăn” là hậu quả, nếu không có nguyên nhân thì không có hậu quả, nghĩa là không
trồng thì không có ăn.
Đối
với người Kitô hữu chúng ta cũng thế, cuộc đời tại thế này được coi như nguyên
nhân và số phận đời sống mai hậu là hậu quả.
Theo nguyên lý nhân quả thì nếu đời sống ở trần gian này tốt lành thì số
phận sau này sẽ tốt đẹp, ngược lại, nếu đời sống ở trần gian mà xấu xa thì số
phận trong cuộc sống mai hậu sẽ vô cùng bi đát.
Thiên
Chúa là Đấng từ bi và thương xót, nhưng cũng rất công bằng, Ngài cũng theo nguyên tắc mà cha ông chúng ta
vẫn hằng quan niệm :”Hữu công tắc thưởng,
hữu tội tắc trừng” : có công thì được
thưởng, có tội thì phải phạt.
Như
vậy, cuộc sống mai hậu của chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào cuộc sống của chúng
ta trên trần gian này. Ở trần gian này
phải gieo trồng thì sau này mới có cái mà gặt hái. Muốn xây ngôi nhà trên trời
thì ngay từ bây giờ chúng ta phải gửi vật liệu lên, nếu không có vật liệu thì
lấy gì mà xây !
Tương
lai hoàn toàn nằm ở trong tầm tay chúng ta. Chúng ta có toàn quyền quyết định
và đem ra thực hành với ơn Chúa giúp.
Vậy,
ngay từ hôm nay và ngay từ bây giờ, chúng ta hãy bắt tay vào việc, đừng chần
chừ vì thời gian có hạn, khi giờ chết đến chúng ta không kịp sở tay, có nói như
nhà thi sĩ :”Ôi thời gian, ngươi hãy
ngừng bay”, cũng vô ích. Thời gian không có tai để nghe chúng ta. Thánh Phaolô không ngừng lặp đi lặp lại :”Thời gian thật vắn vỏi”. Cần ý thức điều
đó và hành động kịp thời.
Truyện : Không có thời giờ
Trong
bài thơ “Sách sự sống” một thi sĩ khuyết danh đã viết :
“Tôi
quỳ cầu nguyện, nhưng chẳng được lâu : tôi có nhiều việc phải làm. Tôi phải cấp
tốc đi làm vì hóa đơn đòi tiền chồng chất.
Vì
vậy, tôi quỳ gối, đọc vội một vài kinh và nhảy đứng dậy. Việc bổn phận Kitô hữu
của tôi đã làm xong và tâm hồn tôi thanh thản, bình an.
Suốt
ngày tôi không có thời giờ để buông một lời chào hỏi vui vẻ hoặc nói về Chúa
Kitô với bạn bè vì sợ họ nhạo cười tôi.
Tôi
luôn miệng la lớn : không có thời giờ, không có thời giờ, nhiều chuyện phải làm
quá ! Không có thời giờ để lo cho phần
rỗi linh hồn, nhưng cuối cùng giờ chết đã đến.
Tôi
trình diện trước mặt Đức Chuá; tôi đứng với đôi mắt cúi xuống, vì Đức Chúa đang
cầm trong tay một quyển sách, sách sự sống.
Đức
Chúa nhìn vào trong sách và nói :”Cha không tìm thấy tên con, vì có lần Cha dự
tính viết xuống, nhưng chẳng lúc nào Cha có thời giờ”.
Lm Giuse
Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt