NHỮNG GÌ TÔI MANG THEO

+++

 

I. QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA

 

        Mỗi người chúng ta có hai quê hương : một quê hương tạm và một quê hương vĩnh cửu..  Trần thế này chỉ là nơi tạm trú chứ không phải là nơi ở vĩnh viễn.  Thánh Phaolô đã nhắc nhở cho tín hữu Philipphê nắm vững chân lý này khi ngài nói :”Quê hương chúng ta ở trên trời và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20).

 

        Ngài còn nói thêm cho tín hữu Côrintô biết : thế gian này chóng qua như bóng câu cửa sổ, chỉ như túp lều tạm bợ, còn ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta chỉ có ở trên trời nơi Chúa dành cho chúng ta :”Nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là chếc lều này, bị hủy diệt đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2Cr 5,1).

 

        Vì thế, cuộc sống ở trần gian này chỉ là một cuộc hành trình ngắn ngủi so với đời đời, mà cuộc hành trình nào cũng phải có điểm đến và điểm đến đó chính là quê hương trên trời.

 

        Cuộc hành trình nào cũng cao go, không có tiện nghi như ở nhà. Cuộc hành trình nào cũng đầy gian nan thử thách, chỉ những ai kiên tâm mới tới đích.

 

         Sẽ có những bóng mát bên đường lôi kéo, làm lung lạc ý chí, khiến chúng ta bỏ cuộc, không thể tới đích. Cuộc hành trình này đòi chúng ta phải có ý chí sắt đá, vượt qua mọi cản trở trên đường vì Chúa Giêsu đã nói :”Nước Trời chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh”(Mt 11,12).  Dĩ nhiên sứ mạnh đây là sự kiên tâm cố gắng không ngừng trong cuộc lữ hành trên trần thế này.

 

II.  HÀNH TRANG TRONG CUỘC LỮ HÀNH

 

        Không cuộc hành trình nào mà không có hành trang, chỉ những người ngơ ngơ ngẩn ngẩn mới dám lên đường với bàn tay trắng vì họ không biết đi đâu, họ sẽ bị lạc hướng và sẽ bị chết dọc đường, không bao giờ tới đích.

 

        Cuộc sống ở trần gian  là một cuộc chuẩn bị hành trang cho cuộc lữ hành về quê trời.  Vậy hành trang chúng ta mang theo là những gì ?  Chắc  chắn không phải là của cải vật chất, chức quyền hay danh vọng. Tất cả những thứ đó phải để lại cho người khác.

 

        Tại một điểm du lịch ở nước Ý, có một khu đặc biệt lôi kéo sự chú ý của mọi người.  Du khách thán phục nhìn những tòa nhà, những khu vườn lộng lẫy treo lửng lơ như những tổ chim dọc theo dốc đá thẳng đứng.  Đúng ngay cổng vào, người ta đọc thấy chữ bằng tiếng La tinh RELINQUENDA, có nghĩa là “những vật phải để lại”.

 

        Không biết là người chủ, người thiết kế hay một người nào đó, đã cho đặt bảng chữ này để nói lên một triết lý sống bao hàm ý nghĩa về sự chết – mà không có ý nghĩa ấy thì sự sống trở thành vô nghĩa.

 

        Chúng ta phải công nhận rằng tất cả những gì chúng ta có ở trần gian này đều rời bỏ chúng ta, chúng ta sẽ ra đi một mình, cùng lắm người ta cho ta một chiếc quan tài với ba tấc đất.

 

        Có nhiều vị vua chúa giầu sang quyền quí truyền phải đem vàng bạc châu báu chôn xuống lòng đất với quan tài của mình, nhưng những thứ đó có giúp ích gì cho họ không ? Thực ra, tất cả những thứ đó phải để lại cho người khác, còn mình chẳng mang theo được gì.

 

        Người dân quê, tuy là những người đơn sơ mộc mạc, nhưng cũng có một cái nhìn về triết lý nhân sinh trong cuộc sống ở trần gian mà mọi người phải cho là một chân lý :

 

                               Vua Ngô băm sáu tàn vàng

                       Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì.

 

        Trong số các vua chúa đầy quyền uy trên trần gian này, chúng ta thấy hoàng đế Alexandre của đế quốc Hy lạp xưa có một cái nhìn sâu sắc và sáng suốt đối với của cải ở trần gian này. Đây là những ước nguyên cuối cùng của vua khi sắp chết.

 

                              Truyện : Những lời trối trăng.

        Đại đế Alexandre cho triệu các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình. Nhà vua phán :

        1. Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất của thời đó.

        2. Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu…) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài, và…

        3. Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài, và để cho mọi người đều thấy.

 

        Một vị cận thần của ngài, rất đỗi ngạc nhiên về những điều yêu cầu kỳ lạ này, và đã hỏi vua lý do tại sao ngài lại muốn như thế.

 

        Đại đế Alexandre đã giải thích như sau :

        1. Ta muốn các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất phải mang quan tài của ta để cho mọi gnười thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những  người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.

        2. Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trân mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (một khi nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời).

        3.Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.

        Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng : kho tàng quí giá nhất trên cuộc đời này là “Tình yêu thương”.

 

        Như vậy, những gì chúng ta có thể mang theo khi chết, đó là những việc từ thiện bác ái.

 

        Khi ra đi, chúng ta phải để lại tất cả, chỉ có thể mang theo  các công phúc tức là các việc lành chúng ta đã làm khi còn sống.  Có lẽ các việc lành đó  qui về việc từ thiện bác ái.  Sở dĩ chúng ta dám nói như vậy, bởi vì trong ngày phán xét, Chúa sẽ nói với người lành cũng như kẻ dữ một câu, mà sự khác nhau chỉ là người có làm hay không. Chúa nói với kẻ lành :”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36).

 

        Một người đã ý thức về  điều này, đã cho khắc vào bia mộ của mình những dòng chữ đầy ý nghĩa sau đây :

 

                Cái gì tôi đã tiêu xài, bây giờ không còn nữa,

                Cái gì tôi đã mua sắm, bây giờ tôi phải để lại cho người khác,

                Chỉ cái gì tôi đã cho đi là còn thuộc về tôi.

 

III. CHUẨN BỊ CHO CHUYẾN ĐI CUỐI CÙNG

 

        Chết là một sự đương nhiên và cần thiết. Ở đời này không có gì là bền vững.  Và kinh nghiệm người đời cho hay :

 

                       - Hoa nào mà không tàn phai

                       - Trăng nào mà không khuyết

                       - Nước đầy mà không vơi

                       - Ngày nào mà chẳng có đêm

                       - Yến tiệc nào mà không có lúc tàn.

 

        Theo triết lý Á Đông thì “Sự vật hễ có hình thì có hoại”. Do đó, có sinh thì phải có tử, nếu không có tử thì cũng chẳng có sinh.

 

        Nhưng đối với Kitô hữu, sự chết không phải là cái gì ghê gớm, không phải là một thất bại, không phải là đi vào hư vô trống rỗng, nhưng chết mà vẫn sống, mất mà vẫn còn, chết chỉ là một sự chuyển đổi từ cuộc sống đời này sang cuộc sống đời sau.

 

        Mọi người đều công nhận : khi ra đi khỏi đời này chẳng ai mang theo được một vật gì, chỉ ra đi với hai bàn tay trắng.

 

        Chuyện ngụ ngôn kể rằng : Một con chồn muốn vào vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được.  Nó mới nghĩ ra một cách : nhịn đói để gầy bớt đi.

 

        Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng.  Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá ra rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

 

        Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ : “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì ? Bởi vì ta đã đi vào  với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.

        Qua câu chuyện ngụ ngôn này, ta thấy rằng  con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự.  Khi nhắm mắt xuôi tay, cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

 

        Cuộc sống con người đáng lẽ phải hưởng thật nhiều hạnh phúc, thì lại bận tâm lo sự đời.  Lòng trí trở nên rối bời, khắc khoải, chờ đợi, tìm kiếm, nắm giữ, mất đi, buồn khổ, thất vọng, chán đời, trách Chúa.

 

        Thiên Chúa không dựng nên con người để hành hạ, đầy đọa, nhưng là để hưởng, như Adong Evà xưa.  Thế mà con người đâu có hài lòng, lại muốn hơn nữa, cuối cùng chính họ tự làm khổ mình. Và “cái đang có cũng bị lấy đi”. Chúa dạy :”Hãy làm giầu kho tàng ở trên trời, nơi mối mọt không làm gì được”.

 

        Dường như cái tâm lý chiều sâu cũng là định luật bù trừ thì phải.  Xưa nguyên tổ đánh mất, thì nay ta tìm cách lấy lại.  Lấy lại bằng bất cứ giá nào.  Nên càng cố ra sức tích trữ cho thật nhiều. Và coi đó như một bảo đảm cho đời mình.  Và khi con người vất vả gom góp, thì lúc phải chia sẻ, lìa bỏ càng khó và đau xót hơn nhiều.

 

        Nhạc sĩ Phạm Duy, tuy không phải là Kitô hữu, nhưng đã có những thắc mắc, những khắc khoải , những ưu tư về cái chết : khi chết sẽ mang theo được những gì :

 

                       Rồi mai đây tôi sẽ chết,

                       Trên đường về nơi cõi hết,

                       Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây ?

                       Trong lòng còn bao luyến tiếc,

                       Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây ?

 

        Trước sau mỗi người chúng ta cũng phải chết, đấy là một định luật và cũng là kinh nghiệm cá nhân trong cuộc sống.  Ra đi về đời sau sẽ chẳng mang theo được những gì trừ các công việc ta đã làm cho Chúa trong cuộc sống ở trần gian này.

 

        Nói khác đi, chúng ta chỉ có thể mang đi được các công phúc.  Chúa không đòi chúng ta phải làm được những công việc vĩ đại, to lớn trước mặt người đời, nhưng chỉ đòi những việc tầm thường với lòng yêu mến :”Thiên Chúa không tìm những huy chương hay bằng cấp chúng ta đạt được, nhưng Ngài đếm những vết sẹo trong cuộc đời của chúng ta” (Elbert Hubbard).

 

        Hãy sống thời gian hiện tại cho đầy đủ, đừng để phí đi một giây phút nào.   Thời gian hiện tại sẽ đáp ứng nhu cầu thiêng liêng và trần thế của ta cách thích đáng hơn… Nhờ đó, ta đón nhận từng giọt sự sống và tìm cách làm phong phú đời mình.  Phương thế hữu hiệu để khỏi làm hỏng đời mình, là dù lúc nào, tuổi nào, ta cũng dính kết trọn vẹn vào giây phút hiện tại,  như chốt cắm điện dính liền với dòng điện, đẻ phát triển anh sáng và sức mạnh.

 

        Thời gian hiện tại là thời gian vàng ta có thể xây dựng thiên đàng cho mình ngay ở đời này kẻo khi giờ chết đến thì không còn kịp :”Trời của bạn sẽ được hình thành ngay dưới đất bằng cánh tay của bạn” (Cha Duval).

 

        Đối với các tín hữu, với những người đang sống đức tin, trời không là cái gì hoàn toàn mới mẻ, nhưng là sự khai nở, tỏ hiện và thành toàn cái đã có sẵn trong họ :”Chúng ta xây dựng đời đời trong mọi hành vi của mình : đó là khả năng kỳ diệu của con người. Chúng ta xây dựng Nước Trời từng mỗi phút giây” (Guy de Larigaudie).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục