ĐỘT NGỘT

+++

“Vậy các con hãy tỉnh thức

Vì các con không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13)

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA : Mt 25,1-13

 

         Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn mươi cô trinh nữ đi đón chàng rể để đi dự tiệc cưới có ý nhắc nhở cho chúng ta phải có tinh thần tỉnh thức để đón chờ Chúa đến với mỗi người chúng ta trong giờ sau hết.

 

         Mười cô trinh nữ trong dụ ngôn, tượng trưng cho tất cả các tín hữu : nam cũng như nữ, giáo dân hay tu sĩ và giáo sĩ.  Người ta có thể khôn như năm cô khôn ngoan, hay khờ dại như năm cô khờ dại đem đèn mà không đem theo dầu.  Dụ ngôn nhấn mạnh chuyện chàng rể đến chậm, nghĩa là không biết rõ giờ nào Chúa đến, nên phải luôn sẵn sàng.

 

         Chúa Giêsu được ví như chàng rể, Ngài đến để gặp gỡ mọi người chúng ta. Ngài muốn đưa chúng ta vào gia đình của Ngài, tức là vào sự sống đời đời, như một hôn phu dẫn hôn thê vào gia đình mình.  Như vậy, chúng ta theo Chúa, tức là đi theo bước đi của một hôn thê hướng tới hôn phu của mình.

 

         Năm cô khôn ngoan cũng ngủ như năm cô khờ dại, thế mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng họ đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải là lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi.  Tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm : khi trách nhiệm chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong thì có quyền nghỉ ngơi.

 

         Cách sống của năm cô khờ dại là “mặc kệ tới đâu hay tới đó”, là cách sống của những người gần chết mới nghĩ tới việc linh hồn.

 

         Đời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quí chuộng.  Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra chào đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình; một người chờ đợi bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.

 

         Chúng ta mong đợi Chúa đến.  Nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết.  Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong một cuộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ (Mỗi ngày một tin vui).

 

II. CÁI CHẾT BẤT NGỜ VÀ ĐỘT NGỘT

 

         1. Chết, một định luật khắt khe

 

         Theo triết học Đông phương, đã có hình thì có hoại, đã có sinh thì có tử, chỉ khi nào không sinh thì mới không có tử.  Chúng ta đã được sinh ra thì ắt phải chết, cái chết không kiêng nể ai, cũng không ai có thể chống lại được cái chết. Đó là một thực tại hiển nhiên. Chẳng thế mà người xưa đã nói :”Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử” (Văn Thiên Trung) : người ta xưa nay ai mà không chết ?

         Ngoài ra, chúng ta có lời Chúa  phán với tổ tông chúng ta và mọi người chúng ta trong sách Sáng thế :”Ngươi là bụi tro và sẽ tở về cùng bụi tro”.  Như vậy chết là một điều chắc chắn chỉ có điều là giờ chết đến một cách đột ngộ không ai ngờ.

 

         2. Hình thức của sự chết

 

         a) Chết cách bình thường

 

         Cuộc sống con người thường được diễn ra trong bốn giai đoạn : sinh, lão, bệnh, tử.  Trước khi chết người ta thường phải chịu một cơn bệnh kéo dài, đôi khi phải qua một cơn bạo bệnh.  Người bệnh thường có những lời trối trăng, từ biệt rồi chuẩn bị đi vào đời sau.

 

         Đối với đại đa số con người, cái chết thường đi đến qua bốn giai đoạn ấy, ít khi rút ngắn giai đoạn lại.  Đó là cái chết bình thường. Còn cái chết không bình thường là cái chết đột ngột.

 

         b) Chết cách đột ngột

 

         Đôi khi có những cái chết đột ngột mà người ta không thế tiên đoán được vì không có một triệu chứng gì đặc biệt.  Chúng ta có thể phân biệt cái chết đột ngột về 2 phương diện : phương diện y học và phương diện tâm linh.

 

         * Về phường diện y học

 

         Cái chết có thể đến đột ngột qua tai nạn hoặc căn bệnh đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não). Hằng năm, trên khắp thế giới vẫn có những người phải nhận cái chết đột ngột không được báo trước như thế.

 

         “Đột quỵ” là bệnh cấp cứu rất thường gặp.  Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là từ được dùng chung để chỉ sự tổn thương một phần não bộ.  Vì não cần được cung cấp ốc-xy và đường thường xuyên để có thể hoạt động được nên khi động mạch não bị tắc nghẽn, lượng máu dùng để cung cấp cho vùng não sẽ bị cản trở và một phần não sẽ ngưng hoạt động.

 

         Nếu không được cấp cứu kịp thời thì vùng não này sẽ bị chết và ngưng chức năng vĩnh viễn, gọi là nhồi máu não.  Theo nghiên cứu, thống kê có khoảng hơn 80% các ca đột quỵ là do nhồi máu não.  Khi bị đột quỵ, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi và các tế bào não sẽ bị chết dần đi. Hậu quả dẫn đến thường là bệnh nhân bị liệt nửa người, hôn mê hoặc tử vong.

 

         Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật cho nhiều người (đặc biệt người lớn tuổi). Ở các nước phát triển, tỉ lệ tử vong đột quỵ chỉ đứng sau bệnh ung thư và các bệnh về tim mạch.  Theo tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ số người mắc chứng đột quỵ hằng năm chiếm khoảng 1,27-7,46% năm.  Trong số những người bị đột quỵ thì có khoảng 50% có khả năng phục hồi chức năng sống, còn 50% còn lại thường bị tàn phế hoặc một vài dị tật để lại.

 

         Chúng ta cũng nên biết nguyên nhân gây đột quỵ.  Bệnh đột quỵ thường xẩy ra ở người lớn tuổi (chiếm tỉ lệ cao hơn là nam giới).  Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ nhiều nhất là  là do tăng huyết áp, hút thuốc lá, tiểu đường, các bệnh lý về tim (thiếu máu cơ tim), xơ vữa động mạch, nhồi máu não, bệnh mạch máu ngoại biên…

 

         Ngoài ra cũng có một số yếu tố khác có thể gây đột quỵ là chứng tăng mỡ máu, lười vận động thể dục, béo phì, nghiện rượu, căng thẳng thần kinh.  Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa chứng cao huyết áp thương xuyên để phòng ngừa bệnh đột quỵ (Theo internet).

 

         * Về phương diện tâm linh

 

         Về phương diện này, có thể có cái chết đột ngột và cũng có thể không có cái chết đột ngột tuỳ ở từng người.

 

         -  Có cái chết đột ngột

 

         Có cái chết đột ngột cho những người  không thèm nghĩ tới linh hồn mình, họ chỉ biết sống để sống, không biết sống để làm gì, họ chỉ biết sống để hưởng thụ càng nhiều càng tốt, nên người ta mới nói :

 

                                   Sống bữa nào hay bữa ấy,

                                   Hơi đâu ngồi nghĩ chuyện đâu đâu

                                               (Quách Tấn)

 

         Hoặc hưởng thụ cho mau, cho nhiều, phải tranh thủ trước giờ chết đến :

 

                                   Người ơi ! Tận hưởng mùi thế tục,

                                   Trước ngày tan nát cõi tha ma.

                                                  (Omar)

 

         -  Không có cái chết đột ngột

 

         Đối với những người đã chuẩn bị tâm hồn thì không bao giờ có cái chết đột ngột. Bởi vì cả cuộc đời của họ là thời gian chuẩn bị cho ngày gặp gỡ với Đấng mà mình yêu mến.  Đối với người đang chuẩn bị đón nhận người yêu, khi người yêu đến thì làm gì có sự đột ngột ? Nếu một người hằng ngày hằng giờ chờ đợi Chúa đến trong ngày sau hết của đời mình, và khi Chúa đến viếng thăm thì làm gì có sự đột ngột trong sự chờ đợi !

 

                                   Truyện : Đã dọn sẵn hành trang

 

         Khi Đức Giáo hoàng Gioan 23 nằm trên giường bệnh, ngài cầu nguyện và dọn mình chờ Chúa đến. Bệnh đến lúc nguy kịch mà bác sĩ không cho ngài biết bệnh tình, nhưng ngài đã biết nên ngài bình tĩnh nói :”Tôi đã dọn sẵn hành trang”.

 

III. ĐỂ KHỎI CHẾT ĐỘT NGỘT

 

         Chết là một điều chắc chắn nhưng chỉ có một điều thắc mắc là khi nào giờ chết đến.  Thần chết luôn rình rập con người như kẻ trộm rình rập người ngủ say, nên văn sĩ Cervantes mới nói một cách dí dỏm :”Cái chết là anh thợ gặt không biết ngủ trưa”.

 

         1. Phải biết phòng xa

 

         Sách luận ngữ viết :”Nhân vô viễn lự, tắc hữu cận ưu” : người không biết phòng  xa, ắt phải gặp buồn gần.

 

         Câu truyện ngụ ngôn giữa con ve và con kiến của La Fontaine đã nói lên sự cần thiết phải biết phòng xa : con ve chỉ biết ca hát suốt mùa hè mà không biết chuẩn bị cho mùa đông. Trái lại, con kiến miệt mài làm việc suốt mùa hè.  Khi mùa đông đến, con ve thiếu thốn chỉ còn biết đến với kiến để xin vay mượn. Còn con kiến thì sống ung dung trong tổ để hưởng thụ lương thực trong suốt mùa đông.

 

         Người không biết lo xa là người thiếu khôn ngoan, chắc chắn họ sẽ gặp thất bại trong cuộc sống.  Dụ ngôn mười cô trinh nữ đi đón chàng rể cũng nói lên điều đó : Phải biết lo xa. Vì thể cổ nhân đã khuyên con người :

 

                            “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”

                           Phải dự trữ lúa thóc phòng khi đói kém

                           Tích trữ áo quần phòng khi trời lạnh giá.

 

         2. Gieo giống nào, gặt giống ấy

 

         Cuộc sống mai hậu sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào cuộc sống ở trần gian này  vì người ta thường nói :”Sống sao chết vậy” hoặc “Sống khôn chết thiêng”.

 

         Thánh Phaolô cũng có ý kiến rõ ràng về vấn đề này khi ngài viết thư cho tín hữu Galata :”Ai gieo giống nào thì gặt giống ấy”(Gl 6,7).

 

         Sự sống và tình yêu vĩnh cửu của con người chỉ có thể có nếu chúng được gieo trong tại thế này, và sự gieo trồng ấy dĩ nhiên phải qua giai đoạn quyết liệt là hạt giống cần phải thối rữa, cần phải chết đi, nghĩa là phải “hết hiện hữu là hạt giống”.  Nhưng công việc trồng cấy đó cần có yếu tố thời gian :

 

                                   Nhất niên chi kế mặc như thụ cốc,

                                   Thập niên chi kế mạc như thụ mộc

                                   Bách niên chi kế mạc như thụ nhân

                                                     (Tôn Tử)

 

         Người ta chỉ có gặt khi có gieo, và gieo giống nào thì gặt giống ấy. Gieo giống tốt thì gặt lúa tốt, gieo giống xấu thì gặt lúa xấu.  Kẻ chỉ say sưa cuộc đời và tình yêu tại thế sẽ chẳng gặt được sự sống và tình yêu trong nước Chúa, bởi lẽ họ đã không gieo. Đã không gieo thì lấy gì mà gặt ?

 

         Chỉ có những ai biết sống, biết yêu trong đời này, nhưng vẫn khao khát sự sống và tình yêu đời đời, chỉ những người đó mới thấy viên mãn của sự sống và tình yêu Thiên Chúa (Thiện Cẩm, báo Nhà Chúa, số 8, tr 21).

 

         3. Hãy sống giây phút hiện tại

 

         Người ta nói :”Ai biết chết là biết sống”. Sống và chết có liên lạc chặt chẽ với nhau. Vì thế ông De Montaigne mới nói :”Ai dạy cho con người biết cách chết là dạy cho con người biết cách sống; bởi biết cách chết là tự giải thoát được mọi sự kiểm toả ở đời”.

 

         Không cần phải làm những việc phi thường, cứ làm những việc tầm thường với ý thức rằng mình đang làm mọi việc cho tốt để chuẩn bị cho đời sau. Do đó, công việc làm của chúng ta mới có ý nghĩa và công phúc.

 

         Hãy dùng hết mọi giây phút hiện tại, đừng để phí đi một giây phút nào, vì thời giờ là cái vốn Chúa ban cho mỗi người để sinh lời lãi trong đời sống thiêng liêng.

 

         Ngày xưa có một thầy dòng viết lên trên mặt đồng hồ những dòng chữ sau đây     

         “Dĩ vãng đã qua, tương lai chưa tới,

         Hiện tại là lúc bạn đang làm chủ,

         Phút hiện tại ấy thuộc về bạn, bạn hãy dùng cho hết.

         Làm điều có đức sẽ được thưởng, làm điều ác phải chịu phạt.

         Đó là tất cả những cái gì làm sống lại.

                  (T. Toth, Chí khí người thanh niên, tr 157)

 

         Mỗi người chúng ta sẽ chết, không biết chết lúc nào. Nhưng thái độ mỗi người khi chết đều khác nhau.  Có người vui vẻ đón nhận giờ chết, coi như thời giờ được đi gặp Chúa trong tình yêu thương và lãnh phần thưởng. Có người lo sợ trước cái chết vì đây là lúc phải đến gặp Chúa để chịu phán xét và lĩnh hình phạt.

 

          Sở dĩ có sự khác nhau là vì có người đã chuẩn bị, có người lơ là việc linh hồn, không chút chuẩn bị.  Chớ gì giờ chết là ngày sinh nhật vui vẻ của chúng ta ở trên trời.

 

                                   Truyện : Hãy chuẩn bị trước

 

         Một thành phố ở Hy lạp có tục lệ lạ lùng như sau : Mỗi năm họ tìm một người lạ mặt tôn lên làm vua. Xong năm đó, họ hạ bệ ông vua và lột hết quần áo, đầy ra một hoang đảo.

 

         Ngày kia, một người lạ mặt được bầu lên làm vua. Ông này thật khôn ngoan. Ông truyền cho đem quần áo, đồ ăn, vật dụng ra ngoài hoang đảo. Khi bị  truất phế, ông vui vẻ ra hoang đảo.

 

         Đó là câu chuyện do thánh Damascenô đã thuật lại.  Vua một năm, đó là chúng ta. Sống trong cuộc đời vắn vỏi này, chúng ta sẽ về hoang đảo đời đời.  Nếu chúng ta đã tích trữ những công việc lành thì chúng ta mới có phúc. Còn nếu không, chúng ta sẽ vô phúc.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục