PHẢI BIẾT LO XA

+++

 

          Theo quan niệm thông thường của người đời thì mọi người đều phải đi qua bốn cửa ải là sinh, lão, bệnh, tử. Và cũng theo triết lý Đông phương thì cái gì đã có hình thì có hoại, đã có sinh thì phải có tử.  Không ai có thể thoát được cửa tử. Sinh tử là một định luật không thể thay đổi được.

 

          Nhưng chết rồi sẽ ra sao ? Đây là vấn đề khiến người ta tranh cãi !  Những người không có tín ngưỡng thì cho chết là hết, là đi vào hư vô trống rỗng, như triết gia Jean Paul Sartre chủ trương.  Cho nên cái chết chẳng có ý nghĩa gì.

 

          Ngược lại, những người có tín ngưỡng thì cho rằng chết vẫn chưa hết, chết mà vẫn còn, chết chỉ là một sự chuyển đổi  từ cuộc sống đời này sang đời sau. Hay nói văn vẻ như ông Wolfang Goethe thì :”Con người chết là một vì sao lặn để mọc huy hoàng hơn ở một bán cầu khác”.

 

          Đối với chúng ta, cái chết vẫn có ý nghĩa : chết là đi về quê thật, chết là về nhà Cha như thánh Phaolô đã nói với tín hữu Philipphê :”Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20).  Nhưng muốn về trời thì phải biết lo xa, phải có chuẩn bị, phải có điều kiện, đừng để mình rơi vào trường hợp bi đát như người ta nói :”Nhân vô viễn lự, tắc hữu cận ưu” (Luận ngữ) : người không biết lo xa, ắt phải buồn gần.

 

I. Ý NGHĨA CỦA SỰ CHẾT

 

          1. Mọi người đều phải chết

 

          Chính ra con người được sống hạnh phúc và được hưởng phúc trường sinh bất tử với Thiên Chúa vì Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Nhưng vì sự phản bội của nguyên tổ Adong – Evà mà sự chết đã đột nhập vào thế gian, làm  cho con người mất hạnh phúc đời đời và sau cùng phải chết, như lời Thiên Chúa đã phán với nguyên tổ :”Ngươi là bụi đất và sẽ phải trở về cùng bụi đất” (St 3,19).  Như vậy cuộc sống không phải là đường thẳng mà là đường vòng.

 

          Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tuy không phải là một Kitô hữu, nhưng cũng có những ý tưởng về sự hình thành con người từ bụi đất và sẽ trở về cùng bụi đất như trong sách Sáng thể , khi ông viết lời ca trong bài “Cát bụi” :”Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về cùng cát bụi”.  

 

          Người xưa cũng nói lên kinh nhgiệm này khi thấy mọi người trên mặt đất này đều qua đi, kẻ trước người sau, cùng lắm chỉ còn lại trong sử sách :

 

                                      Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử

                                      Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh

                                        ( Văn Thiên Tường – Đời Tống)

                   Nghĩa là :

                                      Ngàn xưa, người thế ai không chết

                                      Chết, để lòng son rạng sử xanh.

 

          2. Nhưng chết là gì ?

 

          Phải chăng chết là một thực tại duy nhất mà con người chỉ trải qua có một lần, trải qua cho chính mình mà không thể giải thích cái kinh nghiệm cho người còn sống.  Thường thì người đời cho chết là “hết chuyện”.  Điều ấy thật đúng với những người không có tín ngưỡng.  Sự chết thực sự là giai đoạn cuối của đời họ.  Vì vậy mà người ta sống hưởng thụ và tranh giành lấy những gì mà họ cho là tốt đẹp nhất của cõi đời… để rồi cuối cùng họ cũng phải đối diện với cái chết.

 

          Còn đối với người Kitô hữu thì sao ?  Chúng ta nghĩ gì về sự chết ?  Hay chúng ta cũng bị lôi cuốn  với dòng đời và không còn đủ thời giờ để nghĩ đến sự chết !  Nhưng tại sao lại phải nghĩ đến cái chết ? Suy tư về sự chết để biết rằng, đối với những người theo Chúa Kitô, chết không phải là hết, nhưng là một sự khởi đầu cho cuộc sống mới.

 

          John Milton đã có cái nhìn rất lạc quan về sự chết khi viết :”Sự chết là cái chìa khoá bằng vàng để mở được cánh cửa của lâu đài vĩnh cửu”.

 

          Thánh Phaolô nói :”Chết là giải thoát, là một mối lợi” (Pl 1,21), bởi vì ngài còn cho biết thêm :”Ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa… Vậy, chúng ta luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2Cr 5,6-8).

 

          Thánh Augustinô đã than thở với Chúa trong cuốn “Tự thú” của mình :”Hồn con luôn bồi hồi sao xuyến cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.

 

          Thánh Phanxicô Assisi có một cái nhìn rất lạc quan về sự chết khi ngài nói trong Kinh Hoà Bình :”Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

 

          Thánh Catarina Sienna ước mong được chết để được về với Chúa đã đưa ra so sánh này :”Đời sống là cây cầu, hãy đi qua, chứ đừng đứng lại trên đó”.

 

          Nhạc sĩ thiên tài Mozart đã viết cho cha với những lời lẽ rất lạc quan :”Con không bao giờ đi ngủ mà không nghĩ rằng có thể con không còn thấy ngày mai nữa.  Sự chết là mục đích thực sự của đời sống.  Từ vài năm qua, con đã quen với người bạn tuyệt vời đó. Hình ảnh người bạn đó không còn làm con sợ mà còn cảm thấy người bạn đó hiền lành và cởi mở”.

 

          3. Sự chết đối với mỗi người

 

          Ngày xưa, Hoài Nam Tử có một câu nói để đời :”Sinh ký, tử qui” : sống gửi, chết về. Do đó, cuộc sống ở trần gian này chỉ là một thời lưu vong, xa quê hương, phải ở trọ nơi đất khách quê người.  Như vậy, có ai không muốn về sau những ngày lưu vong không ? Thế mà vẫn có những người còn ngần ngại khi đến lúc phải “lên đường về quê” !

 

          Suy nghĩ về sự chết giúp chúng ta sống trọn vẹn hơn giây phút hiện tại.  Không ai trong chúng  ta biết được ngày giờ mình sẽ chết.  Chúa Kitô đã nói về điều này :”Các con hãy sẵn sàng, vì không biết ngày giờ nào Con Người sẽ đến” (Mt 25,13).

 

          Cũng có một câu danh ngôn giúp chúng ta ý thức về giây phút sống :”Khi học hỏi, bạn hãy học như thể bạn sẽ sống muôn đời, nhưng bạn hãy sống như thể ngày mai là ngày cuối cùng của đời bạn”.

 

 

Truyện : Hãy mai táng chính mình

 

          Một vị linh mục nọ đã có một sáng kiến rất ngộ nghĩnh để đánh động giáo dân trong giáo xứ.  Một buổi sáng Chúa nhật nọ, dân chúng bỗng nghe một lời rao bảo như sau :”Một nhân vật trong giáo xứ vừa qua đời.Tang lễ sẽ được cử hành vào sáng thứ tư tới”.  Nghe lời loan báo ấy, cả giáo xứ nhốn nháo lên.  Người nào cũng muốn biết con người quan trọng ấy là ai.

 

          Đúng ngày tang lễ, mọi người trong giáo xứ nườm nượp kéo nhau tới nhà thờ.  Từ cung thánh cho đến cuối nhà thờ, không còn một chỗ trống.  Người ta đến không phải để cầu nguyện cho người quá cố cho bằng để nhìn mặt lần cuối cùng con người mà ai cũng muốn biết.

 

          Sau thánh lễ, vị linh mục mở nắp quan tài để cho mọi người đến chào biệt lần cuối cùng người quá cố.  Ai cũng sắp hàng để nhìn cho kỳ được người chết.  Nhưng ai cũng đều ngạc nhiên, bởi vì thay cho thi hài của người chết, mỗi người chỉ nhìn thấy trong quan tài một tấm gương và dĩ nhiên, khi cúi vào quan tài, mỗi người chỉ nhìn thấy dung nhan của mình mà thôi.

 

          Chờ cho mọi người làm xong nghi thức từ biệt ấy, vị linh mục mới giải thích : “Như anh chị em đã có thể nhận thấy, tôi đã cho đặt vào trong quan tài một tấm kính.  Con người mà anh chị em nhìn thấy trong quan tài không ai khác hơn là chính mỗi người trong chúng ta. Vâng, đúng thế, thưa anh chị em, mỗi người chúng ta  cần phải mai táng chính mình… Thánh lễ vừa rồi  đã được cử hành cho tất cả chúng ta”.

 

II. CHUẨN BỊ CHO CUỘC RA ĐI VĨNH VIỄN

 

          Chúng ta hãy có thái độ sống như chân phước giáo hoàng Gioan 23 : Khi bệnh đã đến hồi nguy kịch, mặc dầu bác sĩ không cho biết bệnh tình, nhưng ngài đã biết mình nên đã nói :”Tôi đã dọn sẵn hành trang”.

 

          Trong dụ ngôn mười cô trinh nữ khôn ngoan và khờ dại, Chúa Giêsu khuyên bảo chúng ta hãy sẵn sàng chờ đợi Chúa đến  đem chúng ta về với Ngài, đồng thời phải có sẵn dầu dự trữ là đời sống tốt lành và công phúc phải mang theo.

 

          Những người khôn ngoan phải luôn tỉnh thức trong tư thế sẵn sàng và trong cuộc ra đi này phải có sẵn hành trang.  Khởi đầu một cuộc hành trình mà không có hành trang là một người thiếu khôn ngoan. Phải chuẩn bị sẵn hành trang mà lên đường bất cứ lúc nào.

 

          1. Khôn ngoan trong việc biết lo xa.

 

          Kinh nghiệm trường đời cho hay những người khôn ngoan đều biết lo cho tương lai, biết lo xa, biết đề phòng mọi ách tắc, để khi có sự cố xẩy đến họ biết đối phó một cách dễ dàng và giải quyết một cách nhanh nhạy.

 

          Thi sĩ người Pháp, ông La Fontaine đã sáng tác một bài thơ ngụ ngôn “Con ve và con kiến” để nói lên sự khác biệt giữa người biết phòng xa, biết lo cho tương lai với người chỉ biết nhìn vào hiện tại mà quên tương lai, giữa sự cần cù làm việc và sự lười biếng.

 

          Vì thế, cổ nhân đã khuyên mọi người phải biết khôn ngoan trong việc :”Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” : hãy tích trữ lúa gạo đề phòng lúc đói, hãy tích trữ áo quần đề phòng khi trời lạnh.

 

Truyện : Ông vua xây lâu đài

 

          Thánh Đamascênô kể lại một mẩu chuyện như sau: ngày xưa ở một vùng kia, người ta có một tập tục kỳ lạ, đó là mỗi vị vua chỉ được trị vì mười năm. Trong thời gian đó, ông ta nắm giữ mọi quyền lực, điều hành mọi công việc, mặc sức sử dụng tiền bạc…Nhưng sau thời gian ấy, người ta sẽ tước đoạt phủ việt cũng như triều thiên và đày ải ông ta tới một hoang đảo xa xôi, để ông phải chết dần chết mòn trong cô đơn và tuyệt vọng.

 

          Năm ấy có một vị vua lên ngôi, nhưng ông ta khôn ngoan hơn những người đi trước. Trong thời gian trị vì, ông ta chỉ có một ý nghĩ: phải chuẩn bị cho tương lai, kiến thiết hòn đảo xa xôi nơi ông ta sẽ bị lưu đày. Ông truyền cho người ta xây cất cung điện, biến rừng hoang thành những vườn cây ăn trái và những cánh đồng lúa xanh tươi. Rồi ông cho chở tất cả vàng bạc châu báu của vương quốc tới hòn đảo ấy.

Chúng ta thầm khen:

-       Ông vua này quả là thận trọng và khôn ngoan.

 

          Hãy bắt chước ông vua ấy, dùng cuộc sống ngắn ngủi hiện tại mà đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Hãy gửi trước về trời những kho tàng, là những hành động bác ái yêu thương của chúng ta.

 

          Đừng lần lữa, nhưng hãy bắt tay vào việc nên thánh ngay từ hôm nay, bởi vì như một câu danh ngôn đã bảo:

     Việc hôm nay chớ để tới ngày mai, bởi vì ngày mai biết đâu đã quá muộn, liệu còn có hay không” ?

 

          2. Khôn ngoan lo cho linh hồn mình

 

          Mỗi người có một linh hồn và ai nấy phải lo phần rỗi đời đời cho mình, không ai có thể thay thế được. Dụ ngôn năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô khờ dại đã nói lên chân lý đó : phần rỗi của ai, người ấy lo.

 

          Vua Salomon sau khi đã hưởng hết các lạc thú trên đời cũng vẫn con khát và thốt ra :”Vanitas vanitatum, omnia vanitas” (Gv 1,2) :

 

                                        Phù hoa nối tiếp phù hoa

                                 Chi chi chăng nữa cũng là phù hoa

 

          Thánh Augustinô sau 30 năm đắm mình trong nhục lạc, ngài đã tìm thấy đường về cùng Chúa, và đã thốt ra những điều rất thật :”Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho được hưởng Chúa, nên tâm hồm chúng con  không được bình yên cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.

 

Truyện : Vị cận thần của vua Charles Quint

 

          Một hôm, đang ngồi trong bàn giấy, vua Charles Quint thấy một vị quan vốn trung thành, đệ đơn xin từ chức.  Tưởng rằng vị quan này không được hài lòng  vì lương bổng hay bất mãn về công danh.  Nhà vua tha thiết nhìn ông, và bảo cứ ở lại, nhà vua sẽ cho như ý. Hiểu ý vua, vị đó trả lời :

          - Tôi xin rút lui để có thời giờ lo việc linh hồn.

          Nghe câu trả lời bất ngờ đó, vua cảm động và khen ngợi là người khôn ngoan biết lo xa. Chính vua Charles Quint sau cùng từ chức và vào nhà dòng dọn mình chết lành  (Trần Công Hoán, Tìm hiểu ít nhân đức, 1965, tr 59) .

 

          3. Khôn ngoan trong việc biết cho đi

 

          Tinh tuý của đạo chúng ta là giới răn “Mến Chúa yêu người”. Đọc Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đức bác ái đối với tha nhân.  Chúa đã nhấn mạnh :”Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi” (Mt 23,39 ; Mc 12,31; Lc 10,27) và ngài còn nhấn mạnh thêm :”Ngươi hãy yêu kẻ thù ngươi, và cầu nguyện cho họ” (Mt 5,44-47; Lc 6,27-35).

 

          Có lẽ đến ngày phán xét, Chúa Giêsu chỉ chú ý phán xét về đức bác ái đối với tha nhân, vì Ngài sẽ phán với kẻ lành ở bên phải rằng:”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”.  Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng :”Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa  đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu” ? Đức vua sẽ đáp lại rằng :”Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhật của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 34-40).

 

          Rồi Ngài hỏi ngược lại với những kẻ dữ ở bên trái đã không làm gì cho tha nhân để chúc dữ cho họ (x. Mt 5,41-45).

 

          Suy nghĩ một chút chúng ta thấy con người sinh ra với những ngón tay nắm chặt lại. Bản tính con người vốn khép kín, ích kỷ. Một đứa trẻ được nuông chiều sẽ nghĩ rằng mọi người đều có bổn phận phải phục vụ nó, nó là trung tâm của vũ trụ, cả thế giới này là của nó.  Nhưng mọi người cũng biết rằng khi chết đi, các ngón tay sẽ buông xuôi, tiền tài và danh vọng đều để lại…

 

          Cuộc hành trình tâm  linh là đi từ bản thân tới người khác, phải mở trái tim để yêu thương người khác, phải mở bàn tay để chia sẻ với người khác.

 

Truyện : Hai bàn tay trinh sạch

 

          Một người cố gắng sống trinh khiết đẹp lòng Chúa và rất tự hào về đời sống thanh sạch của mình.  Một đêm kia, họ nằm mơ thế này : Họ chết và lên trình diện Chúa. Họ giơ hai tay trinh sạch lên để trình diện Chúa để được Chúa thương. Thật thế, Chúa khen haui bàn tay trắng trẻo xinh đẹp nhưng rỗng tuếch vì chưa dùng bàn tay để giúp ích cho ai cả.

 

Vì thế, Anh quốc cũng có một câu ngạn ngữ  nói về sự chia sẻ đó :

 

                   Điều tôi tiêu đi thì tôi có.

                   Điều tôi giữ lại thì tôi mất,

                   Điều tôi cho đi thì tôi được. 

          Câu ngạn ngữ này nhắc cho chúng ta biết làm phúc bố thí vì giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính Chúa. Đó cũng là khuôn vàng thước ngọc của Chúa Giêsu :”Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Bởi vì cho người tức là cũng trao tặng cho chính mình.

 

          Ngoài ra chúng ta còn một câu khác được khắc trên một mộ bia, tư tưởng cũng giống như câu ngạn ngữ Anh quốc nhưng rõ ràng hơn :

 

                   Cái gì tôi đã tiêu xài, bây giờ không còn nữa,

                   Cái gì tôi đã mua sắm, bây giờ tôi phải để lại cho người khác,

                   Chỉ cái gì tôi đã cho đi là còn thuộc về tôi.

         

Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Giáo xứ Kim Phát

Đà Lạt

 

 

 

 

 


Gợi Ý Giảng Lễ An Táng