DINH THỰ HAY QUÁN TRỌ ?

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng :

“Lòng các con đừng xao xuyến,

Hãy tin vào Thiên Chúa, và tin vào Thầy.

Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở,

Nếu không, Thầy đã nói với các con rồi;

Thầy đi để dọn chỗ cho các con,

Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi,

Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy,

Để Thầy ở đâu các con cũng ở đó,

Thầy đi đâu các con đã biết đường rồi”.

Ông Tôma thưa Người rằng :

“Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu,

Làm sao chúng con biết đường đi” ?

Chúa Giêsu đáp :

“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống,

Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,1-6).

          ĐÓ LÀ LỜI CHÚA.

          Khi Chúa Giêsu sắp từ biệt các Tông đồ mà về cùng Cha, các ông cảm thấy lo lắng, không biết tương lai sẽ ra sao.  Chúa Giêsu đã trấn an các ông khi Ngài nói :”Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa, và tin vào Thầy… Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,1-2).

          Chúa Giêsu sẽ ra đi và đi về đâu ? Thưa, Ngài đi về cùng Cha Ngài sau khi đã hoàn thành sứ mạng cứu chuộc nhân loại qua các chết đau thương của Ngài.  Chúa Giêsu đã về trời và hứa sẽ đem chúng ta về đó ở với Ngài vì Ngài đã dọn sẵn chỗ cho rồi. Như vậy, Chúa Giêsu sẽ đem chúng ta về trời là quê hương vĩnh cửu của chúng ta.

          Lời hứa của Chúa đã được thánh Phaolô Tông đồ minh hoạ và củng cố thêm  khi ngài nói với tín hữu Côrintô :”Chúng ta biết rằng nếu căn nhà chúng ta cư ngụ ở trần gian này bị phá huỷ đi, thì chúng ta sẽ có một nơi định cư vĩnh cửu trên trời do Thiên Chúa thiết lập, chớ không do tay người phàm làm ra” (2Cr 5,1).

          Theo tư tưởng của thánh Phaolô, căn nhà ở trần gian này có tính cách tạm bợ, không vững bền, sẽ bị phá huỷ đi, sau đó Chúa sẽ dành cho chúng ta  một nơi định cư vĩnh viễn trên trời.

          Như vậy, chúng ta có thể coi trần gian này chỉ là một túp lều hay khá hơn là một quán trọ, còn nơi ở vĩnh cửu của chúng ta được coi như một dinh thự, một lâu đài vững chắc.

II. KHÁC BIỆT GIỮA DINH THỰ VÀ QUÁN TRỌ

          Truyện : Quán trọ

          Một buổi chiều, có một lữ khách nghèo tìm đến trước một dinh thự nằm ở ven một khu rừng để xin trọ qua đêm vì lỡ độ đường.

          Không ngờ đây lại là nơi nghỉ chân của một nhà quí tôc giầu có nhưng lại nổi tiếng là keo kiệt , hết sức ích kỷ. Thế là đích thân chủ nhà ra xua đuổi không thương tiếc :

          - Đây là dinh thự của ta chứ không phải là nhà trọ mà ai muốn vào ở cũng được. 

          Cánh cửa đóng xập lại ngay.  Nhưng người khách lạ vẫn kiên nhẫn đập cửa mãi cho đến khi nhà quí tộc lại phải ra mở cửa quát tháo to tiếng. Người khách vẫn từ tốn đề nghị :

          - Thưa ngài, xin ngài bình tĩnh bớt giận, xin phép cho tôi hỏi ngài 3 câu, nếu như ngài là một người thông minh trả lời được thì tôi sẽ xin đi khỏi đây ngay.

          Nhà quí tộc nổi máu tự ái  nên nhận lời, vẫn chắc mẫm mình sẽ thắng. Người khách bắt đầu câu hỏi thứ nhất :

          - Ai đã ở trong dinh thự này trước ngài ?

          Nhà quí tộc  trả lời được ngay :

          - Cha ta đã ở đây chứ ai ?

          Người khách lại hỏi câu thứ hai :

          - Thế ai đã ở đây  trước ông thân sinh của ngài ?

          Nhà quí tộc ngẩn ngơ không biết trả lời thế nào, vì cha con ông ta  chỉ mới làm chủ toà dinh thự này sau khi người chủ quí tộc trước đây đã bị phá sản rồi tự tử chết đã lâu.

          Đến đây thì người khách mới nói :

          - Nếu vậy thì cha ngài và cả ngài nữa, cũng chỉ là những người khách trọ ở đây trong một thời gian nào đó, rồi đến một ngày chính ngài cũng phải nhường lại cho một chủ nhân khác.  Hoá ra cái dinh thự nguy nga này cũng chẳng khác gì một thứ quán trọ…

          Người khách lạ nhận ra đã có sự đánh dộng sâu xa nơi nhà quí tộc, ông ta ngỏ lời :

          - Vì vậy, tôi thành thật khuyên ngài đừng quá phung phí tiền bạc để làm đẹp và chỉ bo bo giữ lấy cho riêng mình một cái quán trọ tạm bợ chóng qua như thế này.  Ngược lại, tôi nghĩ ngài nên cởi mở tấm lòng để giúp đỡ nhưng người nghèo khổ và cơ nhỡ thiếu thốn. Và như thế, chính là ngài đã biết chuẩn bị sửa soạn cho một chỗ ở vĩnh cửu đời sau trên Nước Trời… (trích “Nổi lửa cho đời” tuyển tập 2).

          Vậy Quán trọ là gì ? Chắc chắn ai cũng biết hình thức và mục đích của nó. Quán trọ là nhà cho người qua đường tạm nghỉ trong một đêm.

          Ngày xưa, quán trọ bên đường thường làm bằng tre, hay băng gỗ tạp, đồ đạc được trang bị rất đơn sơ, không có tiện nghi. Ngày nay , quán trọ có thể xây dựng bằng nhưng vật liệu cứng để thành một ngôi nhà khang trang, có tiện nghi mà người ta gọi là nhà nghỉ, nhà trọ.  Bây giờ với những phương tiên xây cất dễ dàng, người ta xây dựng những ngôi nhà cao tầng với đầy đủ tiện nghi dành cho khách nghỉ một thời gian ngắn mà người ta gọi là khách sạn : có loại khách sạn 3 sao, 4 sao, 5 sao…

          Nhưng mục đích của tất cả những thứ nhà đó cũng chỉ có mục đích dành cho khách trọ một vài đêm, đôi khi lâu hơn một chút để hoàn thành một công việc, sau đó lại rời bỏ.

          Những người thường đi du lịch đã biết rõ điều này là không ai nhận quán trọ hay khách sạn làm nơi thường trú, nơi ở vĩnh viễn của mình. Như vậy bản chất của quán trọ là tạm thời, ngắn hạn khác hẳn với dinh thự hay lâu đài có tính cách kiên cố và lâu dài.  Những người có quyền chức hay giầu có thường xây cho mình những dinh thự, những lâu đài nguy nga với mục đích ở đó lâu dài. Và đây là nơi thường trú của họ.

III. TRẦN GIAN LÀ DINH THỰ HAY QUÁN TRỌ ?

          Kinh nghiệm cho thấy, thế giới ngày nay thay đổi rất nhiều từ tinh thần đến vật chất. Chỉ trong một thời gian, cả một vung đầm lầy đã trở nên một đô thị sầm uất, một phần biển đã biến thành đất liền cho người ta xây nhà. Đời sống vật chất thay đổi, thời cuộc cũng thay đổi không ngừng. Qua những thay đổi của thời cuộc, thi sĩ Nguyễn Du đã gửi tâm sự của mình vào trong truyện “Đoạn trường tân thanh” , tức truyện Kiều, bằng 4 câu thơ :

 

                                      Trăm năm trong cõi người ta,

                             Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

                                      Trải qua một cuộc bể dâu,

                             Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

 

          Trời đất thay đổi, cảnh vật thay đổi đến con người cũng thay đổi. Có ai sống mãi trên trần gian này không ? Ngày xưa người ta nói :”Nhân sinh thất thập cổ lai hy” : Người ta sống đến 70 tuổi là hiếm, bây giờ tuổi đó không hiểm mà phải đến 100 mới hiếm. Nhưng dù có sống đến 2,3 trăm tuổi rồi cũng chết.

          Có biết bao nhiêu vĩ nhân, những anh hùng cái thế cũng đã ra đi, ngày nay chỉ còn tên tuổi của họ trong sử sách, hết thế này đến thế hệ khác đều kéo nhau ra đi, không ai sống mãi sống hoài được.

          Tần Thuỷ Hoàng là một hoàng đế thời danh, ông làm vua Trung quốc, sống trước công nguyên quãng 200 năm. Theo tạp chí National Geographic, Tần Thuỷ Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng. Một năm, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở Biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh. Tần Thuỷ Hoàng liền phải một số tầu thuyền chất đầy châu báu lên đường, hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ.

          Cuộc đời chóng qua. Người ta ví cuộc đời như “bóng câu qua cửa sổ” (Cầu là con ngựa tơ chạy rất nhanh), hoặc với “đoá phù du sớm nở chiều tàn”.

          Một hôm, đạo sư hỏi học trò :

          - Đời người dài bao lâu ?

          - Thưa, vài ngày.

          Đạo sư lắc đầu. Trò khác đáp :

          - Đủ xong một bữa cơm.

          Đạo sư lại lắc đầu. Trò thứ ba nói :

          - Dài chừng một hơi thở.

          Đạo sư gục gặc đầu tỏ ý tán thành và chậm rải bảo các đệ tử :

          - Trong thư của thánh Giacôbê có câu này :”Các ngươi không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, các ngươi chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi”           (Gc 4,14).

          Đối với người Kitô hữu chúng ta, sự chết chẳng kiêng nể gì ai, chúng ta cũng sẽ qua đi như mọi người khác, nhưng sự chết chỉ có thể tiêu diệt được thể xác chúng ta, còn linh hồn thì đành chịu bó tay.

          Nhưng vấn đề được đặt ra : thân xác chúng ta sẽ bị tan nát hoà lẫn với bùn đất, còn linh hồn thì sẽ ra sao ?

          Chết là hết hay chết là bước vào một thế giới khác ? Có thật một sự sống sau khi từ giã cõi đời này hay đó chỉ là một hão huyền, giả tưởng ? Câu hỏi vẫn cứ được đặt ra  cho con người từ ngàn xưa đến ngàn sau.

          Từ ngàn xưa đến ngàn sau, muôn người vẫn còn thao thức và băn khoăn cho một lời giải đáp. Bởi sống – chết là một mầu nhiệm. Con người phải biết sống để khám phá mầu nhiệm đời mình.  Thao thức, cật vấn về đích điểm, tận cùng của kiếp người là gì, nghĩa là  vẫn còn trăn trở để tìm cho mình một lẽ sống.

          Đối với người tín hữu, chết không phải là đi vào hư vô trống rỗng mà chết chỉ là một sự chuyển đổi. Thực ra, chết không phải là điều tốt, nhưng nó là đoạn đường ta phải vượt qua để đi từ cuộc sống tạm thời này qua cuộc sống vĩnh cửu. Sự chết không phải là sự chết đơn thuần, không phải là con đường cụt không lối thoát. Thiên Chúa không yêu thương chúng ta vô ích, nhưng dựng nên ta để rồi biến ta ra hư vô. Chúa yêu thương ta vô hạn, đã ban chính Con Một của Ngài cho ta, không phải để cho ta thấy ta biến vào hư vô sau cái chết, nhưng để ta được sống lại và để được kết hợp với Ngài.

          Người Phật giáo cũng đồng quan niệm như chúng ta, vẫn coi cuộc đời chỉ là một thứ quán trọ,  không vững bền, không ai mọc rễ ở quán trọ được như câu thơ của một Phật tử đã diễn tả :

 

                                      Trần gian quán trọ đời mình

                                   Đến chơi một chút thình lình rồi đi.

                                      Trăm năm tay giữ được gì

                                   Có mang xuống dưới âm ty bạc vàng ?

          Chúng ta có thể nói đúng hơn : chết là về nhà Cha như bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe.  Quê hương chúng ta ở trên trời, nơi Cha chúng ta đang đợi ở đó :”Để Thầy ở đâu, các con cũng sẽ ở đó” (Ga 14,3).

          Chết là rời bỏ quán trọ tạm thời này để về ở trong lâu đài vĩnh cửu Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta.  Nhưng muốn được về hưởng lâu đài vĩnh cửu đó, chúng ta phải chuẩn bị ngay ở đời này.  Mỗi người phải cố gắng sống đời thánh thiện, phải lập nhiều công phúc là các việc lành phúc đức.  Tất cả những cái đó là hành trang quí giá chúng ta mang theo trên con đường về cõi trời.

          Truyện :  Ông vua khôn ngoan

          Thánh Đamascenô kể lại một câu chuyện như sau : ngày xưa ở một vùng kia, người ta có một tục lệ kỳ lạ, đó là mỗi vị vua chỉ được trị vì mười năm. Trong thời gian đó, ông ta nắm giữ mọi quyền lực, điều hành mọi công việc, mặc sức sử dụng tiền bạc… Nhưng sau thời gian ấy, người ta sẽ tước đoạt phủ việt cũng như triều thiên và đầy ải ông ta đến một hoang đảo xa xôi, để ông phải chết dần chết mòn trong cô đơn và tuyệt vọng.

          Năm ấy có một vị vua lên ngôi, nhưng ông ta khôn ngoan hơn những người đi trước. Trong thời gian trị vì, ông ta chỉ có một ý nghĩ : phải chuẩn bị cho tương lai, kiến thiết hòn đảo xa xôi nơi ông ta sẽ bị lưu đầy.  Ông truyền cho người ta xây cất cung điện, biến rừng hoang thành những vườn cây ăn trái và những cánh đồng lúa xanh tươi. Rồi ông cho chở tất cả vàng bạc châu báu của vương quốc tới hòn đảo ấy.

          Chúng ta khen ông vua này thận trọng và khôn ngoan.

          Hãy bắt chước ông vua ấy, dùng cuộc sống ngắn ngủi hiện tại mà đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Hãy gửi trước về trời những kho tàng, là những hành động bác ái yêu thương của chúng ta.

          Đừng lần lữa, nhưng hãy bắt tay vào việc nên thánh ngay từ hôm nay, bởi vì như một câu danh ngôn đã bảo :”Việc hôm nay chớ để tới ngày mai, bởi vì ngày mai biết đâu đã quá muộn, liệu còn có hay không” ?

                             Trường hợp ông X…..

          KẾT LUẬN

          Nếu trần gian chỉ là một quán trọ, thì mỗi người chúng ta cũng sẽ rời bỏ nơi đó, chỉ tạm trú một thời gian để chuẩn bị cho ngày về quê hương vĩnh cửu.

          Cuộc sống mai hậu của chúng ta  hoàn toàn lệ thuộc vào cuộc sống của chúng ta ở trần gian này.  Ở trần gian này phải gieo trồng thì sau này mới có cái mà gặt hái.

Muốn xây ngôi nhà trên trời thì ngay từ bây giờ chúng ta phải gửi vật liệu lên, nếu không có vật liệu thì lấy gì mà xây ?

          Tương lai hoàn toàn nằm ở trong tầm tay chúng ta.  Chúng ta có toàn quyền quyết định, Chúa không gây áp lực với ai. Ngài ban cho chúng ta có quyền tự do cùng với ơn trợ giúp của Ngài.

          Vậy, ngay từ hôm nay và ngay từ bây giờ, chúng ta hãy bắt tay vào việc, đừng chần chừ vì thời gian có hạn, khi giờ chết đến chúng ta không kịp sở tay, có nói như nhà thi sĩ :”Ôi thời gian, ngươi hãy ngừng bay”,  cũng vô ích ! Thời gian không có tai để nghe chúng ta.  Thánh Phaolô không ngừng lặp đi lặp lai :”Thời gian thật vắn vỏi”. Cần ý thức điều đó và hãy hành động kịp thời.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim Phát

                                                                             Đà Lạt

         

 

 

 

 

 

         

          -

 

         

         

 


Gợi Ý Giảng Lễ An Táng