C H I Ề U    T À

-----

I. GẶP CHÚA LÚC CHIỀU TÀ.

 

          Xin đọc : Lc 24,13-32.

 

          Sau khi Đức Giêsu đã chịu chết trên thập giá và được táng trong mồ, các môn đệ trở nên hoang mang, nao núng, thậm chí có ông thật vọng vì giấc mộng đã tan vỡ, không còn chỗ cậy dựa, tương lai trở nên đen tối. Trong số những người thất vọng đó, có hai ông, một ông tên là Cờ-lê-ô-pa. Hai ông này bỏ các môn đệ khác mà trở về quê cũ là làng Em-mau.

 

          Dọc đường hai ông bàn tán về việc Đức Giêsu đã chịu chết và cũng thắc mắc về việc về mấy phụ nữ và mấy tông đồ ra tham mộ mà không thấy Ngài ở đó và thiên thần bảo họ là Ngài vẫn sống, nhưng chính họ lại không thấy Ngài. Đức Giêsu đã hiện ra với họ. dưới hình dáng là một khách bộ hành, cắt nghĩa Kinh thánh cho họ hiểu ... Khi trời đã về chiều, hai ông  mời Đức Giêsu nghỉ lại qua đêm và dùng bữa. Trong khi ngồi ăn,  Đức Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Bấy giờ các ông mới nhìn ra Chúa nhưng Ngài đã biến đi trước mắt các ông.

 

          Trong một ngày đi đường với Chúa, các ông không nhận ra được Chúa, chỉ khi chiều tà, các ông dừng lại và các ông mới nhìn ra Chúa.  Các ông nhìn nhận ra Chúa trong buổi chiều tà. Hình ảnh CHIÊU TÀ gợi lên cho chúng ta một suy tư nho nhỏ :Phải chăng chúng ta chỉ được gặp Chúa thực sự trong buổi chiều tà của cuộc đời ? Con người có sinh ra, lớn lên rồi chết, cũng như một ngày phải khởi đầu bằng bình minh, sang buổi trưa và tiến tới chiều tà. Cho nên, chết là một sự kiện hiển nhiên của con người : đã sinh ra thì phải có chết. Sinh ra là tiến dần đến chỗ chết cũng giống như hạt giống nảy mầm, lớn lên để sinh hoa kết trái rồi tàn lụi.

 

          Thực tế là như vậy, và mọi người sẽ phải trải qua. Nhưng chúng ta có nghĩ đến chiều tà của cuộc sống con người không hay chúng ta cứ sống như không bao giờ chết ? Chúng ta hãy suy nghĩ về buổi chiều ta của đời mình để sẵn sàng chờ đợi Chúa đến như năm cô trinh nữ không ngoan.

 

II. CHIỀU TÀ CỦA CHÚNG TA.

         

          Chiều tà bóng ngả về tây” nhắc nhở cho chúng ta về ngày cuối cùng của đời con người, nó nhắc nhở và đưa ra cho chúng ta mấy bài học sau đây :

 

          1. Cuộc đời mong manh, vắn vỏi.

 

 Một buổi chiều kia, tôi ngồi ngắm cảnh hoàng hôn, cây cối nhuộm ánh nắng vàng, mặt trời khuất dần sau rặng núi rồi tắt hẳn. Màn đêm bao phủ trái đất, mọi vật chìm trong u tối. Tôi mở máy cassette nghe nhạc, tình cờ nghe một bài hát của nhạc sĩ Tôn thất Lập, trong đó có câu:”Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về một rừng cây”. Đây là một tư tưởng rất độc đáo và có tính cách triết lý, dùng phương pháp loại suy để đi từ một hình ảnh cụ thể sang một tư tưởng trừu tượng, từø một rừng cây sang một suy nghĩ về cuộc đời con người.  Hình ảnh rừng cây là một hình ảnh gần đúng về đời người vì trong một khu rừng có cây non cây già, có lá xanh lá vàng. Cây già thì dần dần sẽ tàn lụi, lá vàng sẽ rời khỏi cây xanh.

 

          Đây là một nhận định thực tế. Cuộc đời con người dẫu sống đến trăm năm, rồi cũng có lúc phải dừng lại, rồi cũng sẽ kết thúc trong “bốn dài hai ngắn” như  thi sĩ Nguyễn Du nói :

 

                                      Trăm năm còn có gì đâu,

                             Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì.

 

          Hình ảnh chiều tà và rừng cây nhắc nhở tôi về ý nghĩa của cuộc đời. Nó nhắc cho tôi cuộc đời rất vắn vỏi :”Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi” (Tv 90,10). Đời sống thật mỏng manh nó chỉ như  cỏ hoa sớm nở chiều tàn, một cơn gió thoảng đủ làm  nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích” (Đáp ca lễ an táng).

 

          2. Phải biết lo cho tương lai.

 

          Hình ảnh đó còn nhắc cho tôi phải biết sống khôn ngoan :”Xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90, 12).  Đang sống ở trần gian tôi phải hỏi mình hằng ngày : Tôi thuộc loại khôn ngoan hay khờ dại ? Dụ ngôn về năm người nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại luôn nhắc cho tôi biết sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian này bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một nơi cư ngụ vĩnh viễn trên trời (Tiền tụng lễ an táng). Không ai được quên nguyên tắc này :”Cẩn tắc vô ưu” (cẩn thận thì khỏi phải lo).

 

          Chết chưa phải là hết, chết mà vẫn còn. Chết chỉ là kết thúc sự hiện diện ở trên trái đất này, nhưng lại mở ra một cuộc sống mới trên thiên đàng. Ngày xưa, tuy ông Hoài nam Tử chưa biết đến Chúa Giêsu, chưa biết đến đạo công giáo, mà cũng nói được một câu hay đáo để :”SINH KÝ TỬ QUI” : sống là sống gửi, chết mới là về.  Tử qui, chết là về.  Chết là trở về nơi mình đã rời bỏ nó. Vậy nơi chúng ta đã rời bỏ là nơi nào ?  Thánh Phaolô đã trả lời cho chúng ta :”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21)

 

          Trong thư gửi cho tín hữu Corintô ngài còn cho biết thêm chúng ta đã có một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, muốn về đó, cần phải  lìa khỏi xác đất vật hèn này , khi ngài nói :”Chúng ta biết  rằng :  nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2Cr 5,1).

          3. Phải đầu tư vào Nước Trời.

 

          Hình ảnh chiều tà và rừng cây còn nhắc nhở cho tôi phải biết đầu tư vào Nước Trời ngay khi còn ở thế gian này. Người không ngoan là phải biết “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” (Tục ngữ), biết lo cho tương lai nghĩa là lo cho cuộc sống mai hậu.  Tư tưởng này đã được Chúa Giêsu nhắc nhở trong Tin Mừng :”Anh em hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không đào ngạch, khoét vách lấy đi” (Mt 6,20).

 

          Muốn triển khai tư tửong này, ta phải trở về với dụ ngôn cây vả :”Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn :”Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất “? Nhưng người làm vường đáp :”Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi” (Lc 13,6-9).

          Phải chăng ta là cây vả được trồng trong vườn cây Hội thánh ? Chúa chờ đợi ta phải sinh hoa kết quả. Vậy cuộc đời con người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đã làm được những gì cho Chúa và cho tha nhân ?  Ngày chết là ngày Chúa thu lượm hoa quả.  Cây nào sinh hoa trái tốt thì Ngài vun trồng, còn cây nào không sinh hoa trái thì bị chặt đi và ném vào lò lửa đời đời.

 

                             Truyện : Đồng bạc nhân nghĩa.

          Có một nhà phú hộ kia khi gần chết mà lòng vẫn chỉ nghĩ đến tiền của, một động lực đã thúc đẩy ông lao lực suốt cả cuộc đời. Dùng chút sức tàn còn lại, ông cố gỡ chiếc bao nhỏ đeo giấu ở cổ, lấy chiếc chìa khóa trao cho người tớ gái trung thành nhất, ra dấu chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà và bảo cô lấy những túi tiền vàng bỏ vào quan tài của ông.

          Khi chết xong, ông sống cuộc đời mới ở thế giới bên kia, nơi đó người ta cũng ăn uống và tiêu tiền như trên trần gian vậy. Đứng trước một chiếc bàn dài đầy những cao lương mỹ vị, ông hỏi người bán hàng :

- Món hàng này bao nhiêu vậy cô”?

Cô bán hàng trả lời :

- Một xu, thưa ông.

          - Thế còn hộp cá mòi kia ?

          - Cũng một xu, thưa ông. Tất cả những thứ được bầy bán ở đây, cái nào cũng giá một xu.

          Nhà phú hộ thầm nghĩ :”Thế này thì bao giờ mới tiêu hết số vàng ta mang theo”. Ông chọn một đĩa thức ăn lớn với nhiều món ăn ngon nhất, rồi lấy một đồng tiền vàng ra trả, nhưng cô thu tiền không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói :

          - Thưa ông, ông đã học được quá ít trong cuộc sống.

          Nghe thế, nhà phú hộ ngạc nhiên hỏi :

          - Thế đồng tiền vàng của tôi không đủ trả cho đĩa thức ăn này hay sao ?

          Cô bán hàng trả lời :

          - Không phải, ở đây, chúng tôi chỉ nhận những đồng tiền mà trong cuộc sống trước đây ở trần gian người ta đã dùng để làm việc lành phúc đức, giúp đỡ những người nghèo khó túng cực mà thôi.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt.

 

 

 

 

 

         


Mục Lục