HÀNH TRANG CHO ĐỜI SAU
*******
I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.
Thiên Chúa
yêu thương con người, đã dựng nên con
người, cho họ xuất hiện trên trần gian. Ngài còn ban Con Một của Ngài đến cứu
chuộc con người sau khi đã sa ngã phạm tội. giúp con người thoát ách tội lỗi và
sự chết ,ø đem con người về hưởnh vinh quang cùng Đức Kitô như lời Ngài phán :”Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến, và
đưa các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó “(Ga 14,3).
Trong thư
mục vụ gửi cho tín hữu Roma, thánh Phaolô tông đồ khuyên nhủ :”Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như
không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết
cũng là chết cho Chúa” (Rm 14,7-8).
Cuộc sống ở
trần gian này chỉ là một cuộc hành trình về quê trời. Cuộc hành trình này
thường trải qua bốn giai đoạn : sinh, lão. bệnh tử, nhưng cũng có người không theo trình tự ấy mà lại đốt
giai đoạn. Và chúng ta cũng có thể rút
gọn lại thành ba giai đoạn với ba ý nghĩa :
SINH
ra là lên đuờng
SỐNG
là tiến bước trên đường
CHẾT
là tới quê hương.
Vậy chết là
kết thúc cuộc hành trình ở trần gian mà tiến sang một cuộc sống khác : cuộc
sống hạnh phúc trường sinh. Chết là một
phương tiện cần thiết để bước vào cuộc sống mới. Thánh Phaolô tông đồ cũng nói
:”Chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà của
chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở
do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người
thế làm ra. Chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng : ở lại trong thân
xác này là lưu lạc xa Chúa... Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi
thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2 Cr 1.6.8).
Trong kinh
Tiền tụng Thánh lễ cầu cho người qua đời có câu :”Đối với chúng con là những
tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ trần gian này bị
tiêu hủy, chúng con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời”.
Đối với các
tín hữu, chết là đi về quê trời, nhưng như thánh Tông đồ dân ngoại cảnh báo :”Tất cả chúng ta sẽ phải ra trước toà Thiên Chúa, vì
có lời chép rằng :”Đức Chúa phán : Ta lấy sự sống Ta mà thề : mọi người sẽ phải
qùi gối lạy Ta, và mọi miệng lưỡi phải xưng tụng Thiên Chúa”. Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ phải
trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 14,10b-12).
II. TRẢ LỜI VỀ CHÍNH MÌNH.
Khi học
sách giáo lý Bổn đồng ấu của Đức Cha Hồ ngọc Cẩn có câu : Hỏi : Bốn sự sau là
sự gì ? Thưa : bốn sự sau là sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Như vậy sau khi chết thì con người sẽ phải
ra trình diện Chúa Giêsu để chịu phán xét, tức là trả lời về chính mình trước
mặt Chúa về cuộc sống đã qua.
Thiên Chúa
trao cho chúng ta cuộc sống ở thế gian này để chúng ta quản lý chứ không phải
làm chủ, không phải muốn làm gì thì làm, mọi sự phải được làm trong khuôn khổ.
Chúa ban cho ai bao nhiêu nén bạc thì phải làm lợi ra theo số lượng đã được
giao phó theo như dụ ngôn Chúa Giêsu đã nói với người Do thái. Ai làm lợi ra sẽ
được thưởng, còn ai lười biếng không chịu làm việc để sinh lời lãi hay làm hao
hụt vốn liếng Chúa giao cho thì sẽ bị phạt theo nguyên tắc :
Hữu công tắc thưởng
Hữu
tội tắc trừng.
Thánh
Phaolô nhắc nhở :”Chúng ta có sống là sống
cho Chúa” (Rm 14,8) Đây là
nguyên tắc cho cuộc sống của người tín hữu.
Vậy trong cuộc đời này chúng ta đã làm gì cho Chúa ? Chúng ta đã dùng
thời giờ làm những việc gì có ích cho tha nhân là hình ảnh của Chúa :”Những gì các ngươi làm cho anh em, đó là làm cho chính Ta” (Mt 25,40).
Đòi sống là thời gian để chúng ta chuẩn bị hành trang cho đời sau.
Có người
không chịu chuẩn bị hành trang, đến giờ chết chỉ còn biết phàn nàn . Cách đây không lâu, một nhà buôn bên Pháp
qua đời. Ông giầu lắm. Đời ông chỉ sống để kiếm lợi, vui chơi. Đến khi bệnh
nặng thành câm, ông luôn thở dài chán nán, rồi trước khi chết, bảo đem lại một
mảnh giấy, để viết câu cho người ta khắc nơi cửa mộ ông :
“Đây là mộ của một người dại dột, đã
sống mà không biết tại sao mình sống.
Ở những người còn sống, chớ gì sự vô phúc của kẻ
khác mở mắt các ông”.
(Nguyễn
hài Đồng, Tự điển câu truyện, tr 136)
Còn Đức
Giáo hoàng Gioan 23 lâm bệnh lần cuối, không biết vì lý do gì mà các bác sĩ
muốn giấu nhẹm sự nguy kịch của căn bệnh, họ bảo ngài chị bị chứng lở bao
tử. Nhưng Đức Gioan 23 biết rõ bệnh
tình của mình hơn ai hết, vì thế ngài nói :”Tôi
đã dọn sẵn hành trang”.
Những người đã dọn sẵn hành trang thì sẽ bình tĩnh trước giờ chết vì đối
với họ, chết chỉ là cuộc vượt qua vào cuộc sống mới tràn đầy hạnh phúc..
Không những
người Công giáo tin vào cuộc sống mai hậu, phải chuẩn bị hành trang cho cuộc
sống đó, mà ngay những người ngoại giáo họ cũng có ý tưởng đó. Trong băng nhạc “50 năm đời vẫn hát” của
Khánh Ly, người giới thiệu bài hát đầu tiên là nhạc sĩ Trịnh công Sơn. Ông nói tới sự quan trọng của việc “sống tử tế với nhau” bằng một “tấm
lòng tốt” đó. Theo ông thì nếu không có lòng tốt đó, ông đã không
tồn tại đến nay. Bài hát kết thúc băng
nhạc là bài “Những gì đem theo vào cõi chết” của nhạc sĩ Phạm Duy. Bài này có
nội dung như sau :
Rồi mai đây tôi sẽ chết,
trên
đường về nơi cõi hết,
tôi
sẽ đem theo với tôi những gì đây ?
Rồi
mai đây, tôi hóa kiếp,
trong
lòng còn luyến tiếc,
tôi
sẽ đem theo với tôi những gì đây ?
Tôi không đem theo với tôi
được
tiền tài hay danh vọng.
Tôi
không đem theo với tôi
được
gái đẹp hay rượu nồng.
Tôi
không đem theo với tôi
được
lầu vàng hay gác tía.
Tôi
không đem theo với tôi
mộng
giầu sang phú quí.
Tôi
xin đem theo với tôi
một
nụ cười không nghi ngại.
Tôi
xin đem theo với tôi
đôi
mắt trẻ thơ đẹp ngời...
(Thanh Thủy, Con đường tình yêu, tr 163)
Ngạn ngữ
Anh quốc có câu :
Điều tôi tiêu đi thì tôi có.
Điều
tôi giữ lại thì tôi mất,
Điều
tôi cho đi thì tôi được.
Câu ngạn
ngữ này nhắc cho chúng ta biết làm phúc bố thí vì giúp đỡ người khác là giúp đỡ
chính mình. Đó cũng là khuôn vàng thước ngọc của Chúa Giêsu :”Cho thì có phúc
hơn nhận lãnh”. Bởi vì cho người tức là trao tặng cho chính mình.
Ngoài ra
chúng ta còn một câu khác được khắc trên một mộ bia, tư tưởng cũng giống như
câu ngạn ngữ Anh quốc nhưng rõ ràng hơn :
Cái gì tôi đã tiêu xài, bây giờ không còn nữa,
Cái
gì tôi đã mua sắm, bây giờ tôi phải để lại cho người khác,
Chỉ
cái gì tôi đã cho đi là còn thuộc về tôi.
KẾT LUẬN
Đây là một
chân lý : kẻ trước người sau chúng ta sẽ phải ra đi khỏi trần gian này để về
đời sau. Cuộc hành trình trên trần thế
chấm dứt, nhưng phải có hành trang về đời sau. Tương lai nằm trong hiện tại,
đời sau đã tiềm ẩn trong đời này. Nếu
người ta nói :”sống sao thác vậy” thì chúng ta cũng có thể nói là “đời này thế
nào, đời sau cũng vậy”.
Để kết
luận, chúng ta nên suy nghĩ câ nói đầy kinh nghiệm của Stephan Leacock để chuẩn
bị cho tương lai đang gần dđến :
“Lạ lùng thay cái chuỗi đời người. Còn nhỏ thì ước
được lớn lên. Lớn lên rồi, ước đến tuổi trưởng thành. Đến tuổi trưởng thành
rồi, ước được một tổ ấm. Được tổ ấm
rồi, ước làm ông nội nghỉ ngơi. Được nghỉ ngơi rồi lại nuối tiếc quãng đời quá khứ và cảm thấy một luồng gió lạnh đang rì rầm thổi tới. Nhưng khi ý
thức được rằng đời sống chính là ở hiện tại, ở trong ngày hôm nay, thì đã quá
muộn rồi”.
Rõ ràng là
:
Quá hiền nên vụng tính,
Tôi
đã phá đời tôi !
Điên
rồi khi vụt tỉnh,
Hạnh
phúc đi xa rồi.
(Huy Cận)
Tôi sẽ ra
đi, vâng tôi sẽ ra đi, dù muốn dù không . Nhưng người khôn ngoan trước khi lên
đường phải sắm sẵn hành trang. Làm một cuộc hành trình dài hạn mà không sắm sẵn
hành trang là một người điên dại. Tôi sẽ ra đi, nhưng tôi sẽ đem theo những gì
? Đó là câu hỏi chúng ta phải trả lời. Hãy nhớ lời cảnh báo của thánh Phaolô
tông đồ :”Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Kitô, để
mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi
còn ở trong thân xác” (2 Cr 5.10).
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt.