CHÚA NHẬT 23 TN 2020
Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay nói đến một trách
nhiệm tuy rất khó, nhất là trong hoàn cảnh xã hội hôm nay cho các bậc làm cha mẹ,
huynh trưởng, thầy cô, và cả cho các mục tử : đó là trách nhiệm giáo dục, cách
riêng là trách nhiệm sửa dạy những con người lỗi phạm dù họ chai lỳ trong sự
gian ác.
Trước hết Lời Chúa trong sách tiên tri Ezekiel dạy rằng
đó là trách nhiệm buộc phải thi hành vì nó liên hệ đến chính số phận của bản
thân họ đã vậy mà còn liên hệ đến số phận của cả xã hội, họ được đặt lên là “người
lính canh nhà Israel”. Chúa nói thật rõ ràng “nếu ngươi không chịu nói để
kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của
nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi”. Phương chi nếu họ lại thỏa hiệp với
sự gian ác là họ lại kéo cả xã hội vào con đường bị diệt vong. Ezekiel từng có
những lời kết án rất nặng nề cho những mục tử như thế.
Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng tuy nói nhẹ nhàng hơn nhưng
cũng đòi hỏi mục tử phải kiên trì trong trách nhiệm này “Nếu anh em ngươi lỗi
phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi
đã lợi được người anh em.”.
Trách nhiệm là thế, nhưng cách thi hành trách nhiệm có những
khác biệt từ thời Cựu Ước sang thời Tân Ước, là điều chúng ta cần nhiều suy
nghĩ hơn.
Vào thời Cựu Ước thường thấy các tiên tri luôn dùng những
lời răn đe kèm theo lời báo về những tai ương sẽ ập tới nếu người ta không hoán
cải.
Với Đức Giêsu những người không nghe lời để sám hối, thì
“ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế” để phó thác
họ cho sự xét xử của Thiên Chúa ngày cánh chung. Tuy nhiên Người cũng ban quyền
cho các Tông Đồ “những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm
buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ”.
Người cũng cho thấy các mục tử sẽ gặp nhiều khó khăn vượt quá khả năng, nên Người
hứa “nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều
gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó.” Và các ngài cần
hiểu rõ hiệu năng của sự cầu nguyện túy vào tính cách hiệp thông cộng đồng. Vì
“ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người
ấy” để cầu thay nguyện giúp cho họ.
Với Thánh Phaolô việc thi hành nhiệm vụ này phải đặt nền
tảng trên TÌNH YÊU. Đó là điều Ngài học được từ chính Chúa Giêsu trong nhiệm vụ
đào tạo, sửa dạy các môn đệ. Chúa Giêsu không coi các ông như là các tôi tớ, mà
coi các ông như là bạn hữu. Và Ngài đã trao cho các ông tất cả những gì Ngài có
từ Chúa Cha, và còn phó nộp cả mạng sống cho các ông, để các ông cảm nhận và sống
trong TÌNH YÊU của Ngài.
Sống trong một xã hội như xã hội hôm nay, khi mà sự xấu,
sự ác, sự tội được bao che bởi bao học thuyết và cơ chế không nhìn nhận Thiên
Chúa, con em chúng ta hầu như không còn thời gian và sức lực đến với Giáo Huấn
của Chúa và các lương thực bồi bổ tâm linh, thì các bậc cha mẹ, huynh trưởng,
thầy cô hầu như cảm thấy sự bất lực của họ trước những tội phạm. Thì thánh
Phaolô để lại cho các ngài một cách thức sẽ giúp các ngài vẫn có thể thi hành
trách nhiệm cách hiệu quả : cách thức đó là họ phải PHÓ THÁC CON CÁI MÌNH cho
Thiên Chúa, và đồng thời cũng LÀM GƯƠNG SÁNG TÌNH YÊU và NIỀM TIN của các ngài
nơi Chúa trong mọi sinh hoạt gia đình theo gương của chính Chúa Giêsu.
Lm.
Giuse Nguyễn Hữu Duyên