CHÚA
NHẬT 15 TN-A
Anh chị em và các bạn trẻ thân mến,
Một khía cạnh có tầm mức ảnh hưởng quan trọng trong đời sống
hôn nhân và gia đình : đó là khía cạnh lời nói trong giao tiếp hằng ngày giữa
các thành viên. Chúng ta có thể rút ra được những đặc tính và ảnh hưởng của lời
trong Lời Chúa hôm nay.
1. Trước hết như tiên tri Isaia nói “lời từ miệng … không trở lại … mà
không sinh kết quả” nó “như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở
lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm”.
Mặc dù trong túi khôn loài người, cái khôn của một nhân loại đã bị ra hư hoại bởi
tội lỗi, khi trong tục ngữ của nhiều dân tộc cho rằng “lời nói như gió thoảng mây bay”. Khiến cho biết bao người không
quan tâm đến lời nói của mình, từ đó còn có lời rằng “vạ bởi miệng mà ra”. Chúng ta không xét khía cạnh vật lý của lời đã
tạo ra sóng âm lan truyền vào vũ trụ đến nỗi không ít khoa học gia có khát vọng
bắt được những sóng âm này bằng những kỹ thuật tân tiến, cho dù đến nay họ vẫn
chưa đạt tới mục đích theo đuổi, nhưng ít ra họ xác nhận có sóng âm đó tồn tại
trong vũ trụ. Lời Chúa chỉ muốn dừng lại trong ý nghĩa của ngôn từ : một hồng
ân dành riêng cho con người để gieo vào lòng người những mầm sinh hoa trái.
Nhưng nếu lời làm cho lòng con người trở nên mảnh đất phì nhiêu của sự thiêng
thánh thì ngược lại lời cũng có thể làm cho lòng người lại trở thành môi trường
của mọi sự dữ. Điều này chính chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm rồi. Bao nhiêu
hôn nhân càng ngày càng thấm đượm sự ngọt ngào nhờ những lời có sức mạnh của sự
bình an, và cũng biết bao hôn nhân trở nên khô cằn và tan vỡ chỉ vì quá nhiều lời
mâu thuẫn, ngỗ nghịch và loại trừ, độc ác.
2. Chúng ta hãy xem những đặc tính của Lời Thiên Chúa nói với
chúng ta có gì giúp chúng ta cải thiện ngôn từ của mình trong hôn nhân và gia
đình không? Qua dụ ngôn “người gieo giống”,
chính Chúa Giêsu cho thấy đặc tính căn bản của Lời Chúa là sự tôn trọng quyết định tự do của con người.
Lời có thể bị “khô héo” vì rơi vào đá sỏi, có thể bị “chết nghẹt” vì rơi vào bụi
gai, và Lời chỉ có thể “sinh hoa kết quả” vì được rơi vào đất
tốt. Lời chỉ là một mời gọi “ai có tai thì hãy nghe”. Cho đến tận
hôm nay, mặc dù có thể nói Thiên Chúa đã “cạn
tầu ráo máng” khi nói Lời Cuối Cùng của Ngài qua cuộc đời, sự sống, sự chết
và sống lại của Con Một Yêu Dấu, nhưng vẫn tôn trọng quyết định tự do của mỗi
người chúng ta, nhưng phần lớn nhân loại như Chúa nói “lòng dân này đã ra chai đá, họ đã
bịt tai nhắm mắt lại” chỉ còn một thiểu số môn đệ “hiểu được” điều mắt thấy
tai nghe nên “sinh hoa kết quả”, có nghĩa như thánh Phaolô nói là “được
thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa”, cũng là “ơn đầu
mùa của Thánh Thần” nhờ Đức Giêsu. Để tôn trọng quyết định tự do của
nhân loại, thì về chính bản thân Lời Thiên Chúa ngỏ với chúng ta đã phải chấp
nhận sự mục rữa trong Tình Yêu kiên nhẫn và hạ mình đến tột cùng trong mầu nhiệm
chết và sống lại của Người Con Một.
3. Chớ gì mọi ngôn từ trong hôn nhân và gia đình thực sự là dung mạo của Lời Thiên
Chúa, cũng biết tôn trọng sự Tự Do của các thành viên khác trong gia
đình. Là lời mang “ơn đầu mùa của Thánh Thần” hầu khơi dậy nơi mọi người niềm hy vọng
“được
thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa”
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên