CHÚA
NHẬT 18 A– LỄ CHÚA HIỂN DUNG
Anh chị em và các bạn trẻ thân mến,
Trong năm chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn
nhân và gia đình thì biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor có điều gì để
nói với chúng ta hay không? Tôi nghĩ là có nhiều điều liên quan mật thiết của
biến cố này với đời sống hôn nhân và gia đình, nhưng chúng ta chỉ dừng lại
trong một điểm đó là SỰ BIẾN ĐỔI của mỗi con người trong cộng đồng đời sống hôn
nhân, cũng như trong mọi cộng đồng xã hội hay giáo hội.
Khi Thiên Chúa thiết lập hôn nhân đầu tiên cho nhân loại
theo sách Sáng Thế thì đã xảy ra SỰ BIẾN ĐỔI kỳ diệu con người Ađam từ một người
trong tâm trạng buồn rầu trở nên con người reo ca trong NIỀM VUI.
Và mỗi lần phải can thiệp vào gia đình nhân loại là mỗi lần
Thiên Chúa đến gặp gỡ một gia đình : như gia đình Noe, gia đình Abraham, gia
đình Môsê, gia đình Đavid, gia đình Giacaria, gia đình Đức Maria… và Ngài thực
hiện SỰ BIẾN ĐỔI các gia đình đó thành NIỀM VUI cho cả dân tộc và nhân loại.
Và hôm nay nữa trong GIA ĐÌNH HỘI THÁNH Thiên Chúa tiếp tục
can dự vào lịch sử thế giới bằng SỰ BIẾN ĐỔI mỗi thành phần Dân Chúa trở thành
chứng tá cho NIỀM VUI mà Chúa muốn ban tặng cho nhân loại : NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ.
Lịch sử mỗi hôn nhân và mỗi gia đình, kể cả gia đình nhân
loại và Giáo Hội đều là lịch sử của một sự biến đổi từng ngày. Nhưng lại là lịch
sử biến đổi tùy theo ý muốn và ý chí cá nhân của những con người được đặt lên
cách này hay cách khác làm kẻ đứng đầu và cai quản. Do đó cũng là lịch sử của
máu và nước mắt, của chiến tranh và chết chóc. Điều này vẫn tồn tại ngay cả
trong cộng đoàn Dân Chúa.
Hôm nay theo truyền thuyết tin nhận Núi Tabor là nơi Chúa
hiển dung, núi trong lịch sử Israel là ngọn núi chiến lược quyết định sự thành
bại của những cuộc chiến thành công hay thất bại. Lần đầu tiên trong Kinh Thánh
nói tới ngọn núi này là cuộc chiến mà chính Nữ Thẩm Phán Deborah theo lệnh Chúa
đã chọn núi này là điểm chiến lược để Israel toàn thắng quân xâm lược đông gấp
nhiều lần để bảo vệ đất hứa. Chắc chắn khi chọn Núi Tabor để hiển dung, Chúa
Giêsu cách nào đó cũng đưa ra một chiến lược để bảo vệ các môn đệ đứng trước mọi
thử thách kể cả thử thách do sự chết của Người gần kề.
Chiến lược bao gồm mấy điểm quan trọng này :
1. Nhận thức sự yếu đuối mỏng dòn của các môn đệ cần phải được
nâng đỡ bằng chính Tình yêu của Người khi chấp nhận đi vào cái chết vì họ. Sự
nâng đỡ được gói gọn trong một lời đầy cảm thông và khích lệ “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Thật đáng buồn và hổ thẹn biết bao khi những người được
đặt lên cai quản gia đình hôm nay không nhận thức được và không cảm thông được
với những yếu hèn mỏng dòn của những con người thuộc quyền, đã không có lời cảm
thông và khích lệ, lại còn đay nghiến và loại trừ.
2. SỰ BIẾN ĐỔI chỉ có thể đem lại NIỀM VUI nhờ ánh sáng “mặt Người chiếu sáng như mặt trời”,
khuôn mặt sáng chói giữa hai khuôn mặt tiêu biểu của Dân Chúa là Môsê và Elia,
tất cả được chính Thiên Chúa xác nhận nét đặc trưng không thể tìm thấy nơi loài
người : khuôn mặt là hay đại diện cho LỜI THIÊN CHÚA. Vì thế có Lời Chúa dạy “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta,
các ngươi hãy nghe lời Người”. Nói
cách khác SỰ BIẾN ĐỔI chỉ có thể đem lại NIỀM VUI cho cộng đồng sự sống khi nó
được chiếu sáng bởi LỜI CHÚA. Chính vì thế trong cuộc canh tân Phụng Vụ Giáo Hội
đã nhấn mạnh việc giảng trong Thánh Lễ phải xuất phát từ lòng yêu mến và trung
tín với Lời Chúa, và không được biến thành sự áp đặt những quan niệm cá nhân của
mình cho người nghe. Đáng buồn và hổ thẹn khi có những mục tử lợi dụng tòa giảng
để củng cố quyền uy của mình. Chớ chi họ nghe được lời thánh Phêrô “anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn
đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong
lòng anh em”.
3. Dầu vậy chiến lược từ núi Tabor chỉ đem lại NIỀM VUI khi
người môn đệ biết chờ đợi “Các
con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống
lại”. Người môn đệ sau này hiểu rằng
chiến lược này đòi hỏi họ như Phêrô nói “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều
này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”.
Và việc làm chứng này chỉ hoàn mỹ bằng chính cái chết của người môn đệ vì Đức
Giêsu. Đó là cốt yếu của chiến lược BIẾN ĐỔI ĐEM LẠI NIỀM VUI cho mọi cộng đồng
sự sống từ gia đình đến toàn xã hội vậy. Mọi chiến lược
khác chỉ đem lại sự đau khổ và sự chết ai oán.
Lm. Giuse Nguyễn
Hữu Duyên