CHÚA NHẬT 19 TN.A

Anh chị em và các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta thường nghe nhắc nhở GIÁO XỨ cũng như mỗi GIA ĐÌNH phải là MỘT CỘNG ĐOÀN ĐỨC TIN, nhưng thực tế cũng là cộng đoàn luôn gặp muôn vàn thử thách, vì thế Thiên Chúa giầu lòng thương xót luôn hiện diện và can dự vào cuộc sống chúng ta để nâng đỡ nhờ các tôi tớ Người là các tổ phụ, các tiên tri, các MỤC TỬ.

Bài sách các vua đã kể đến thời đại của tiên tri Êlia : đây là thời đại mà mọi thành phần Dân Chúa đã chạy theo các Baal, quay lưng lại với Thiên Chúa. Elia đơn thân ở giữa 400 tiên tri của Baal để bênh vực đạo Thánh. Dù chiến thắng, nhưng ông bị hoàng hậu Zezeen truy đuổi phải trốn chạy về núi Horeb để gặp Thiên Chúa. Nhưng như bài đọc sách các vua chúng ta vừa nghe thì “Chúa không ở trong gió bão” “không ở trong cơn động đất” “không ở trong lửa” mà ở trong “tiếng gió hiu hiu”. Đây là điều chúng ta cần thấu hiểu thái độ của ÊLIA khi ông “đi ra đứng ở cửa hang” để được ở trong làn “gió hiu hiu” ấy để được Chúa bảo vệ. Tất cả các tiên tri, các tổ phụ, các người có tâm lãnh đạo Dân Chúa đều đã phải “đi ra” khỏi các khung an toàn của bản thân, của cơ chế, của mọi tiện nghi, trở nên những con người khiêm tốn chỉ sống tín thác vào sự yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Sứ điệp của mọi tôi tớ Chúa đều có nội dung cơ bản là phải ra khỏi sự chở che của Quyền Lực, của Tiền Tài, của Danh Vọng để trở thành người nghèo của Thiên Chúa. Nhưng cũng vì thế mà mọi tiên tri, mọi tôi tớ chân chính của Chúa đều không được thế gian tin tưởng và tất cả đều bị giết. Và cho đến hôm nay, cũng còn biết bao tín hữu của Chúa bị phân biệt đối xử, bị ghép cho những án tù, án tử chỉ vì đức tin không thể đồng thuận với thế gian. Nhưng chính nhờ các gương lành của tổ tiên đã “đi ra đứng ở cửa hang” để được ở trong làn “gió hiu hiu” như Êlia, mà Giáo Hội luôn tồn tại và phát triển.

Thánh Phaolô có thể nói là người môn đệ tiêu biểu của Dân Mới đã đề cập đến một thứ khung an toàn mà chúng ta cần phải nghĩ đến nhiều hơn : đó là cái khung tôn giáo đã thấy nơi Dân Cũ. Người viết “Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Đức Kitô sinh ra phần xác”. Chúng ta hôm nay cũng thấy nhiều anh chị em của mình cũng có danh kitô hữu, có danh là mục tử, và đều là nghĩa tử của Chúa, có lề luật mới, có Giao Ước mới, có nền phượng tự mới thế nhưng họ không đi ra như Đức KiTô. Họ chạy theo những phản Kitô muốn sống trong các vỏ bọc của Quyền Lực, Tiền Tài, Danh Vọng. Họ muốn thiết lập và củng cố một nền độc tài hưởng thụ và tương đối.

Bài Tin Mừng khẳng định một SỰ THẬT mà chúng ta lại thường không nhận biết : đó là sự hiện diện của Chúa Giêsu ngay trong hoàn cảnh “Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió”. Sự hiện diện nhiều khi bị nhìn lầm là “Ma kìa!”. Sự hiện diện thật của Chúa chỉ có thể nhận biết khi con người đi vào đối thoại mà chính Chúa khởi xướng “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”. Họ cần phải đáp lại như Phêrô “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Một lời đáp thật ý nghĩa xuất phát từ niềm tin và can đảm “đi ra” khỏi con thuyền để đến với Chúa. Tuy nhiên niềm tin thật mỏng manh “Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống”. Và Tin Mừng cho thấy chỉ có Chúa mới có thể làm cho niềm tin nên vững mạnh khi “Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông”. GIÁO XỨ và mỗi GIA ĐÌNH cũng chỉ vượt qua các thử thách nếu để Chúa Giê su nắm tay và kéo vào nơi an bình.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ A