LỄ KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN MỒNG HAI TẾT

(Tết Đinh Dậu)

Anh chị em và các bạn trẻ thân mến,

Nhân ngày tết theo truyền thống dân tộc luôn luôn có tập tục kính nhớ ông bà tổ tiên. Có lẽ ngay từ 30 tết thường có thói quen ra mộ cha mẹ, ông bà, sửa sang, thắp nhang, cắm bông, đọc kinh cầu nguyện cho tổ tiên, bắt nguồn từ niềm tin thờ kính tổ tiên là để mời ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu. Người công giáo tuy không có việc mời ông bà về, nhưng việc cầu nguyện cho các ngài vẫn được tôn trọng.

Nhân đó Giáo Hội Việt Nam chọn ngày mồng Hai tết để dâng lễ kính nhớ tổ tiên.

Và trong Thánh Lễ này Giáo Hội muốn đọc lại những bài kinh thánh giúp chúng ta có một quan niệm đầy đủ và sâu sắc về tương quan giữa các thành viên trong gia đình và gia tộc mà có lẽ càng ngày trào lưu văn minh tiên tiến đã đánh mất ý nghĩa và bản chất của các mối tương quan ấy.

Trước hết bài sách Huấn Ca nhấn mạnh đến mỗi cá nhân trong gia đình, trong gia tộc không thể tách rời như là một cá nhân biệt lập, nhưng  là dòng dõi của các vị cha ông “được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con.”. Ngày nay vì quá đề cao tự do cá nhân, người trẻ không còn thấy mối tương quan này là quan trọng. Thậm chí nhiều đôi bạn không còn tha thiết với “lũ cháu đàn con” mà chỉ nghĩ đến những ước mơ của mình ngoài gia đình : tìm một chỗ đứng trong xã hội mới là điều quan trọng. Chỗ đứng về kinh tế, về chính trị… do đó nhiều cha, nhiều mẹ chấp nhận bỏ con cái để chạy theo một hôn nhân khác đảm bảo chỗ đứng kinh tế hay xã hội của họ. Nhiều cha nhiều mẹ trở thành cha hay mẹ đơn thân.

Nhưng điều quan trọng hơn trong việc gầy dựng một dòng dõi đó là phải làm cho “Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.” Và đó mới là “vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.”. Về điểm này hiển nhiên ngày nay không còn là vấn đề đối với nhiều người trẻ, vì chính bản thân họ không còn biết sống trong “các điều giao ước”.

Theo thánh Phaolô có 2 việc phải làm : “hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” và nhất là “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi” và thánh tông đồ nói “Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh”. Tại sao lại phải cầu xin cho toàn thể dân thánh? Ý niệm này ngay cả với người đạo đức nhất trong chúng ta cũng không trả lời được. Thực sự đây là ý nhiệm mầu của Thiên Chúa khi tạo dựng và cứu chuộc con người mà công đồng Vaticanô nói “Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thánh một dân tộc…” Do đó việc giáo dục con cái chỉ có thể đạt tới hiệu quả khi cha mẹ đưa con cái vào sống trong Hội Thánh, và vì thế cũng phải cầu nguyện và làm cho Hội Thánh trở nên ngôi trường của sự hiệp nhất và liên đới. Đây là điều chúng ta thực sự không gặp thấy trong thời đại hôm nay, cách riêng nơi các bạn trẻ. Họ không thấy có sự liên đới nào với Hội Thánh trong cuộc sống.

Đúng theo lời tiên tri Isaia mà Chúa Giêsu nhắc tới trong bài Tin Mừng “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.9 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”. Giáo Hội hôm nay đâu còn vai trò nào trong cuộc sống thường ngày của các gia đình. Vì thế việc họ tôn thờ Thiên Chúa chỉ là bề ngoài, bằng môi bằng miệng. Sự thờ phượng đích thật chính Chúa Giêsu thiết lập là sự thờ phượng để cùng nhau làm nên Dân Thánh.

Sự kính nhớ tổ tiên là điều đòi hỏi chúng ta phải là dòng dõi giự Giao Ước của tổ tiên cùng nhau làm nên một Dân Thánh của Thiên Chúa vậy.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A