THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2017

LỄ TIỆC LY

1.   Bữa Tiệc Ly được tiên báo trong tiệc Vượt Qua.

Khung cảnh Bữa Tiệc Ly của Chúa theo Tin Mừng Nhất Lãm là khung cảnh của bữa Tiệc Vượt Qua: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát lễ chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Chúa Giêsu : “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” “Chiều đến, Đức Giêsu đến cùng với Nhóm Mười Hai. Đang khi dùng bữa…”. Chính trong bữa tiệc này đã diễn ra Bữa Tiệc Ly của Chúa, và con chiên bị giết chính là Đấng mà Gioan Tiền Hô đã giới thiệu trên bờ sông Giorđan “thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là chiên Thiên Chúa”. Nhưng ở đây Chúa Giêsu, qua việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, đã hiện tại hóa cho đến tận thế sự việc Ngài bị giết vào chính ngày lễ hôm sau.

2.   Ý nghĩa là Tiệc của Lòng Thương Xót Chúa dành cho Dân Người.

a.   Xưa là thịt và máu chiên-dê

Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên.” Và “Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa.” Và “Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi”. Đó là Lòng Thương Xót tha thứ để cứu sống Israel.

b.   Nay là Thịt và Máu của Đức Giêsu Con Thiên Chúa.

Trong Bữa Tiệc Ly như thánh Phao lô thuật lại điều ông nhận được từ chính Chúa Giêsu : “Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con… Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: "Chén này là Tân ước trong Máu Ta”. Thánh Phao lô truyền lại mệnh lệnh ông nhận từ chính Chúa “mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”. Thịt và Máu Chúa đã bị nộp, bị giết là để các môn đệ được thứ tha và được cứu thoát khỏi ách của tội lỗi. Theo Thánh Gioan đó là vì yêu thương các ông và yêu thương cho đến cùng.

3.   Thánh Gioan nhìn vào sâu thẳm Lòng Thương Xót Chúa nhận ra sự thể hiện qua Tình Yêu Hạ Mình Phục Vụ như người tôi tớ.

Thánh Gioan khi suy niệm về Bữa Tiệc Ly của Chúa mới nhận ra được đâu là Tình Yêu đặc thù đích thật mà Thiên Chúa trao ban cho con người khi tạo dựng, Tình Yêu đã bị phá hủy khi con người phạm tội. Thánh nhân thấy khía cạnh đặc thù ấy trong hành vi Rửa Chân cho môn đệ : hành vi hạ mình để trở nên người tôi tớ của môn đệ, cho dù Ngài là Thầy và là Chúa của họ. Vinh quang của Tình Yêu Thiên Chúa chính là Ngài bằng sự hạ mình thẳm sâu như thế để cho con người được sống thật trong sự sống của Ngài. Muốn thế Ngài phải tẩy rửa khỏi con người mọi vết nhơ tội lỗi. Ngài phải mang lấy thân phận tôi đòi của con người, nhưng Ngài phải thuộc về Thiên Chúa, để những ai ở trong Ngài cũng thuộc về Thiên Chúa. Nói theo Thánh Phaolô dù sống hay chết Người đều phải thuộc vể Thiên Chúa. Người khi sống đã học vâng phục và vâng phục cho đến bằng lòng chết, chết trên thập tự để hết lòng yêu thương anh em và đưa họ lên với Người trong sự sống vĩnh cửu. Người truyền dạy môn đệ cũng phải làm như vậy “Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau”.

4.   Còn chúng ta hôm nay thế nào? Từ trong gia đình đến ngoài xã hội rõ ràng chúng ta vẫn cố chấp trong tình yêu đã bị tội lỗi làm hư hoại. Hãy nhờ Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày để làm mới lại Tình Yêu Hạ Mình để Phục Vụ và Thanh Tẩy mang lại sự sống thật cho anh chị em mình.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ A