Thứ Hai Tuần Thánh

21.03.05

 

Trong ngày Thứ Hai Tuần Thánh, Giáo hội dùng Bài ca thứ nhất về Người tôi tớ đau khổ của Giavê, trích từ sách tiên tri Isaia (42,1-7) để nói với chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng cứu thế hiền lành “không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói”,  nhưng cũng là Đấng cứu thế đầy cương nghị “không buồn phiền nao núng” trước những nghịch cảnh và quyết tâm thực hiện đến cùng sứ mạng Chúa Cha đã trao phó. Hôm nay chúng ta cùng suy nghĩ về sự cương nghị của Ngài trong việc thực thi sứ mạng Chúa Cha trao phó.

 

Khi nói về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta thường nghĩ đến cảnh Chúa hấp hối trong vườn Cây Dầu, với mồ hôi máu chảy ra nhỏ xuống đất và lời cầu nguyện hết sức thiết tha : “Lạy Cha nếu có thể, thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha”. Ghi khắc trong tâm hồn mình hình ảnh Chúa Giêsu trong giờ phút bi tráng đó là điều cần thiết, nhưng cũng nên hiểu rằng các sách Tin mừng Nhất lãm đã tóm kết lại trong một cảnh duy nhất, cuộc chiến đấu nội tâm mà Chúa Giêsu đã sống nhiều ngày nhiều tháng trước đó.

 

Thực vậy, Chúa Giêsu đã gặp nhiều chống đối trong cuộc đời và trong những tháng cuối cùng, Ngài phải đối diện với thái độ hết sức thù địch của người Do thái. Ngay từ đầu chương 7 của sách tin mừng theo thánh Gioan, thánh ký đã nói rằng Chúa Giêsu chỉ có thể đi lại ở vùng Galilêa, không thể lên Giuđêa được vì ở đó người ta tìm cách giết Chúa. Đến nỗi vào dịp Lễ Lều, là dịp mà những người DoThái trưởng thành đều phải hành hương lên Giêrusalem để thờ phượng Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu cũng chỉ có thể lên Giêrusalem để chu toàn bổn phận trong đời sống đạo của Ngài một cách rất kín đáo, như thể lén lút vậy ! Rồi sau khi Chúa làm phép lạ cho Lazarô  sống lại, thì giới lãnh đạo Do thái chính thức ra quyết định giết Chúa, và ra lệnh là bất cứ ai biết Ngài ở đâu thì phải báo để họ bắt Ngài. Vì vậy, theo lời Thánh Gioan kể lại, thì Chúa Giêsu phải lui về ẩn náu ở vùng giáp giới sa mạc để có thêm thời giờ huấn luyện môn đệ.

 

Vâng, trước khi bị giết chết cách bất công, Chúa Giêsu đã bị chính đồng bào của mình truy lùng, săn đuổi, đến nỗi phải trốn tránh, phải tìm cách sống để có thể thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó. Suy nghĩ về những khó khăn Chúa Giêsu đã gặp và cách ứng xử của Chúa, chúng ta thấm thía Chúa đã thực sự chia sẻ thân phận con người chúng ta đến mức nào. Đó cũng là lời mời gọi những ai đang gặp khó khăn trong cuộc sống nói chung và cuộc sống kitô hữu nói riêng, hãy can đảm nhìn lên Chúa Giêsu.

 

Đứng trước sự thù ghét ngày càng tăng của người Do thái, vốn là người rất sáng suốt, Chúa Giêsu hiểu rằng một kết cục bi đát cho cuộc đời và sứ mạng của Ngài là điều khó tránh khỏi. Chính trong hoàn cảnh đó mà Chúa Giêsu đã trải qua cuộc chiến đấu nội tâm rất sâu xa để đi đến cùng sự hiến thân cho con người và cho Chúa Cha. Giống như mọi người, khi biết những ngày cuối cùng của mình đã điểm, Chúa Giêsu đã suy nghĩ về cuộc đời mình, về những gì đã làm và đã sống, về tình yêu và sự tín nhiệm của Chúa Cha cũng như sứ mạng Cha ủy thác, về những người đau khổ và tội lỗi mà Chúa rất mực yêu thương. Chúa đã suy nghĩ về điều còn phải làm, về tương lai của sứ mạng, về những người môn đệ tuy đã được Chúa dày công đào luyện nhưng vẫn còn rất mong manh và chưa thật đáng tin cậy.

 

Trong những ngày tháng cận kề cái chết đó, Chúa Giêsu cũng phải đối diện với những câu hỏi đầy dằn vặt : tại sao lại như vậy ? Tại sao một cuộc đời chỉ là yêu thương và yêu thương lại gặt hái sự bất công như thế? Có lẽ nào bao nhiêu chuẩn bị suốt hơn ba muơi năm trường và biết bao hy sinh và cố gắng giờ đây lại kết thúc như thế? Trong những ngày đêm suy nghĩ và cầu nguyện đó, Chúa hẳn đã nghe vọng lại trong lòng mình tâm tình của các tiên tri và các người công chính bị bách hại trong Cựu uớc : “Tôi đã vất vả luống công vô ích, đã vất vả phí sức mà chỉ là trống rỗng hư không” (Is 49,4). Và còn thấm thía hơn nữa là lời Thánh Vịnh : “Kẻ thù gióng tiếng và phường bất nhân la ó, kìa chúng bỏ vạ cho tôi điều quái ác, chúng hằm hằm cáo tội tôi. Tim tôi phập phồng thổn thức trong tôi, những hãi hùng giờ chết sập đè trên tôi. Ập đến kinh hoàng và run sợ, khiếp đảm trùm lấy tôi” (Tv 54,3-6). Những lời Kinh Thánh hẳn giúp Chúa Giêsu nhận ra số phận của Ngài sẽ không khác gì số phận của những người công chính bị bách hại trong lịch sử dân Chúa và giúp Chúa can đảm nhìn vào tương lai của mình.

 

Nếu đã có những lần trong đời sống đức tin, chúng ta cảm nhận cố gắng của mình sao vô vọng quá và tự hỏi chẳng biết bao nhiêu nỗ lực cố gắng theo Chúa rồi sẽ mang lại điều gì, thì hãy biết rằng Chúa Giêsu cũng đã sống điều đó như chúng ta. Và nếu có lần chúng ta trăn trở trước khổ đau và mất mát : “Lạy Chúa, tại sao lại như thế?”,  thì xin nhớ chính Chúa Giêsu cũng đã trăn trở và dằn vặt như chúng ta. Vâng, Chúa Giêsu đã thực sự trải qua đau khổ như chúng ta. Thư Do Thái làm chứng rằng “những ngày còn ở trong thân xác, Ngài đã dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin khẩn nguyện với lớn tiếng kêu van cùng nước mắt” (5,7).

 

Chúa đã trăn trở suy nghĩ và cầu nguyện vì những khổ đau ập xuống cuộc đời Chúa, nhưng nỗi trăn trở lớn nhất của Chúa không phải là lo cho chính bản thân mình với kết thúc bi đát cận kề, mà chính là tương lai sứ mạng Cha trao phó. Cả cuộc đời của Chúa là sự dấn thân tuyệt đối theo con đường Chúa Cha hướng dẫn, giờ đây đứng trước viễn cảnh của một tương lai đen tối, trước thực tế là sự chối từ của người Do thái, Chúa phải chiến đấu rất nhiều để vững tin rằng đường lối của Cha là hoàn toàn đúng và con đường yêu thương Chúa đi nhất định sẽ trổ sinh hoa trái, dù rằng trước mắt chỉ là thất bại. Kinh nghiệm đó của Chúa Giêsu lẽ nào lại không gợi nhớ những phút chúng ta dao động lòng tin, khi thấy đường lối ác nhân thịnh đạt hay khi nhìn tình trạng, cứ tạm gọi là “thoải mái” của những kẻ bất chấp tinh thần Tin mừng ? Có thể lúc đó chúng ta cũng xao động và tự hỏi : Lạy Chúa, con đường Chúa dạy có thật là con đường hạnh phúc, là con đường tốt nhất nên theo ?

 

Trong cuộc chiến đấu nội tâm của mình, Chúa Giêsu được nâng đỡ bằng kinh nghiệm của những người công chính bị bách hại trong kinh thánh và tấm gương trung kiên không lay chuyển của họ đối với Thiên Chúa. Nhưng nhất là Chúa được nâng đỡ bằng chính kinh nghiệm bản thân về tình thương và sự gần gũi của Chúa Cha. Chính điều đó giúp Chúa vững tin và không nao núng, nhưng bình tĩnh đi đến cùng con đường cứu thế. Với niềm xác tín rằng kẻ trông cậy nơi Thiên Chúa sẽ không phải hổ ngươi bẽ mặt, Chúa Giêsu vững bước tiến tới và đối diện với tương lai bằng tất cả sự cương nghị. Ngài biết mình đi đâu, làm gì và sẳn sàng trả giá cho niềm tin của Ngài vào Thiên Chúa Cha và đường lối của Ngài.

 

Chính với sự vững tâm và tín thác đó, mà như bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã có thể bình tĩnh sống những giây phút cuối cùng với những người thân yêu là các môn đệ và gia đình ba chị em Matta, Maria và Lazarô. Chúa bình tĩnh nhận việc xức dầu của bà Maria, dù việc đó gợi nhớ cái chết và việc tẩm liệm Chúa. Chúng ta chiêm ngắm sức mạnh nội tâm của Chúa Giêsu. Dù đau khổ và tương lai rất mực đen tối, Chúa vẫn vững vàng, không phơi bày nỗi đau khổ và âu lo phiền sầu của mình để bắt người khác gánh vác. Một bài học cho chúng ta, những kẻ thường hay phơi bày và quảng cáo nỗi khổ của mình ! Tâm hồn Chúa thật lớn lao nên mới có thể đối diện với Giuđa là kẻ sẽ nộp Chúa với một thái độ không chút thù hằn, nhưng đầy tế nhị, không vội lo lột mặt sự giả hình của Giuđa. Thật là cảm động khi trong lúc cái chết gần kề, Chúa vẫn nghĩ đến và lo lắng cho những người còn ở lại : “Lòng các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Gn 14,27).  Và làm sao quên được, trong lúc cái chết cận kề, Chúa đã chủ động tổ chức bữa ăn sau cùng với môn đệ mình, trong đó Chúa dạy họ bài học mà Chúa tha thiết nhất : “Các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 13,34). 

 

Trong những ngày này, chúng ta chiêm ngắm gương mặt cương nghị của Chúa Giêsu, sự bình tĩnh và tín thác của Chúa vào Chúa Cha trước những đau khổ lớn lao ập xuống cuộc đời Chúa. Chúa mạnh mẽ vì Chúa biết Chúa tin vào ai và Chúa hiểu việc mình làm và biết rõ và tin  vào con đường Chúa đi. Chúa sẵn lòng chấp nhận cái giá phải trả để con đường yêu thương Chúa đi được hoàn tất. Không ai trong chúng ta chối cãi rằng cuộc đời người Kitô hữu có rất nhiều thử thách. Chúa không đòi chúng ta trở thành những siêu nhân vì Chúa biết chúng ta được dựng nên bằng gì, nhưng Chúa muốn chúng ta noi gương Chúa can đảm đối diện với thử thách của cuộc sống cách cương nghị. Chúa muốn chúng ta đối diện với những vấn đề của cuộc sống với tất  cả trí khôn, đức tin và tình yêu để giữ vững niềm tin vào Chúa và đường lối của Chúa. Không ai có thể lớn lên trong đời sống kitô hữu mà không trải qua những cuộc chiến đấu nội tâm. Chúng ta hiểu rằng đời sống Kitô hữu không dành cho những kẻ yếu đuối và phải mạnh mẽ mới có thể theo Chúa, nhưng điều nghịch lý là  ai trong chúng ta ai cũng cảm nhận sự yếu đưối và nao núng của mình. Chúng ta hãy can đảm lên và nhớ đến lời thánh Phao lô : Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi. Hãy can đảm lên, vì như lời thư Do thái nói, Chúa Giêsu,  “ Vị thượng tế mà chúng ta có không phải là người không thể cảm thông với nỗi yếu hèn của chúng ta, song là Đấng đã dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tự, trừ phi là tội. Vậy ta hãy dạn dĩ tiến lại gần ngai ân sủng, hòng được đáp cứu đúng thời” (Hr 4,15). Vâng, ai thấy mình là người yếu đuối và đang bị thử thách, hãy đến với Chúa Giêsu để được Chúa làm cho kiên vững và can trường. 

Muc Luc