THỨ TƯ TUẦN THÁNH

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta hai khuôn mặt hoàn toàn trái ngược. Một bên là Giuđa mà theo lời mô tả của thánh sử Matthêu, đã phản bội Chúa một cách đầy tính toán và lạnh lùng. Còn bên kia là hình ảnh người tôi tớ, trung kiên với Thiên Chúa bất chấp mọi nghịch cảnh. Sau khi đã suy niệm về sự cương nghị và hiền lành của Chúa Kitô trong sứ vụ cứu thế, cũng như về sự yếu đuối tội lỗi của con người trong hai ngày vừa qua, hôm nay chúng ta cùng nhắc nhở cho nhau về lòng trung thành mà chúng ta phải có đối với Thiên Chúa là Cha và với Đức Kitô, Chúa chúng ta.

 

Hiện nay, trong lời giáo huấn của mình, Giáo hội nhấn mạnh rất nhiều về tình yêu thương lân mẫn của Thiên Chúa, về tấm lòng bao dung hay tha thứ của Ngài và đồng thời cũng đề cao rất nhiều sự đáp trả tự do của con người trước lời mời gọi của Chúa. Nhấn mạnh những điều đó là đúng và cần thiết vì quả thực Thiên Chúa, như lời Đức Thánh cha Gioan Phaolô II nói, là Đấng giầu lòng thương xót, Ngài muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ, nên con người không thể đem hy lễ bên ngoài để thay thế cho tình yêu của mình. Chính vì Thiên Chúa giầu tình yêu thương tha thứ nên mới có Mầu nhiệm Tử nạn – Phục sinh của Chúa Giêsu mà  chúng ta sắp cử hành. Cũng chính trong tinh thần đó mà chiều hôm qua chúng ta đã cùng nhau suy niệm về sự hiền lành dung thứ của Chúa Giêsu. Nhưng việc nhấn mạnh đến tình yêu bao dung của Chúa và sự tự do đáp trả của con người, không nên làm chúng ta quên đi một điều thiết yếu khác trong đời sống đức tin : Thiên Chúa là Chúa và là chủ tể cuộc đời chúng ta và chúng ta có bổn phận phải tôn thờ, tuân phục và trung thành với Chúa.

 

Đối diện với nền văn hóa hiện tại đề cao tự do cá nhân một cách gần như tuyệt đối mà lại nói rằng chúng ta phải tôn thờ Chúa, phải tuân phục và phụng sự Ngài, có thể sẽ làm cho một số người dị ứng và chướng tai. Nhưng dù Thiên Chúa có yêu thương và cảm thông với nỗi yếu hèn của chúng ta đến thế nào, thì Ngài vẫn là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng nên chúng ta ; và chúng ta, trong tư thế là một tạo vật, phải suy phục Ngài. Chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, và Ngài quả thực là Cha, nhưng Ngài đồng thời là Thiên Chúa của chúng ta. Việc suy giảm ý thức về sự lớn lao cao cả của Thiên Chúa sẽ dễ dàng dẫn đến việc mất ý thức về tội, về điều lành điều dữ, mà hậu quả trong đời sống con người không ai đo lường hết nổi. 

 

Hẳn nhiên chúng ta không có ý trở về với thái độ sống đạo đã chi phối đời sống của người Kitô hữu trong một thời gian rất lâu dài, một thái độ mà nhiều người gọi cách mỉa mai là nền mục vụ xây trên sự sợ hãi. Theo đó, người ta nhấn mạnh thật nhiều đến sự công thẳng của Thiên Chúa, Đấng thưởng người lành và thẳng tay trừng phạt kẻ dữ. Người tín hữu vì thế sống trong niềm nơm nớp lo sợ : sợ tội, sợ bị Chúa phạt, sợ hỏa ngục…và rất ít khi được cảm nếm sự tự do của con cái Chúa. Không, chúng ta không muốn điều đó nhưng cũng không thể tự cho phép mình, trong tư cách là người Kitô hữu, xem thường Chúa và sự cao cả của Ngài. Suy giảm sự nhạy bén về sự cao cả của Thiên Chúa sẽ dẫn đến việc chúng ta có thể xem nhẹ lề luật của Ngài và không còn thực lòng muốn cố gắng để trung thành với Chúa nữa.

 

Để chuẩn bị lòng mình mừng cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đấng cứu độ nhân loại, chúng ta hãy nhìn lại và chăm lo cho lòng trung thành  của chúng ta đối với Thiên Chúa. Cha ông chúng ta, các vị thánh tử đạo, đã thà chết chứ không bỏ Chúa hay phản Chúa. Còn chúng ta, con cái các ngài thì sao? Một người Kitô hữu chân chính luôn xây dựng đời mình tùy theo cuộc sống đức tin, nhưng nếu không nỗ lực, chúng ta sẽ xây dựng đời sống đức tin tùy theo cuộc đời của mình. Đây cũng là điều mà các bậc làm cha mẹ khi chăm lo cho tương lai con cái mình rất cần phải lưu tâm. Những ngày vừa qua chúng ta đã cùng nhau suy niệm về sự cương nghị của Chúa Giêsu trong việc thực thi đến cùng ý muốn của Thiên Chúa. Bài đọc I hôm nay nhắc lại ý tưởng đó và trình bày Chúa Giêsu như người tôi trung kiên gan trước nghịch cảnh, không sợ bị đánh đập, lăng nhục, người tôi trung trơ mặt chai như đá trước những kẻ chống đối, không hổ thẹn vì Chúa, vì biết rằng Chúa nâng đỡ mình. Có lẽ ít ai trong chúng ta phải chịu những thử thách đến như vậy vì Chúa. Dường như trở ngại lớn nhất làm cho chúng ta không trung thành với Chúa là chính bản thân mình. Tin mừng dạy chúng ta không được quên sự yếu đuối của chính mình, nhưng nếu với tất cả quyết tâm mà còn chưa trung thành được với Chúa thì đời sống đức tin của chúng ta sẽ ra sao nếu không có quyết tâm ???

 

Thưa anh chị em,

 

Chúng ta phải trung thành với Chúa, nhưng Chúa không muốn một lòng trung thành chỉ có ở bên ngoài và đầy tính lề luật. Chúa chờ đợi chúng ta trung thành với Chúa đến tận  thâm sâu cõi lòng chúng ta. Lòng trung thành đó cốt yếu hệ tại việc đặt lòng tin và lòng mến tuyệt đối nơi Chúa và để cho lòng tin và lòng mến đó soi sáng, hướng dẫn suy nghĩ và tâm tư của chúng ta. Bài trích sách Isaia mà chúng ta vừa nghe, đã cụ thể hóa sự trung thành có tính nội tâm đó bằng một hình ảnh rất cụ thể và sống động : “Mỗi sáng người đánh thức tai tôi để nghe lời người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai  tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng tháo lui”. Vì lòng tin và tình yêu đối với Chúa, chúng ta hãy chuyên cần học với Chúa, khiêm tốn để cho Chúa giáo huấn mình, bằng Lời của Chúa và bằng chính những biến cố trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chỉ nhờ được Chúa giáo huấn, chúng ta mới có thể thấm nhuần tâm tư và đường lối của Chúa.

 

Chúng ta tin rằng lời Giáo huấn của Chúa có sức biến đổi và thánh hóa chúng ta, nhưng chúng ta cũng hiểu rằng không phải bài học nào của Chúa cũng dễ nghe, dễ học. Xin Chúa ban cho chúng ta được ơn không cưỡng lại và không tháo lui khi Chúa dạy dỗ chúng ta, vì trong thực tế, chúng ta cưỡng lại và tháo lui trước lời giáo huấn của Chúa nhiều hơn chúng ta tưởng. Trong ánh sáng đức tin, chúng ta biết rằng trung thành với Thiên Chúa có nghĩa là trung thành với Chúa Giêsu và đường lối của Ngài ; và trung thành với Chúa Giêsu chính là trung thành với cung cách làm con của Chúa. Xin Chúa Giêsu, nhờ Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta sẽ lãnh nhận, cho chúng ta được thấm nhuần và chia sẻ tâm tình con thảo của Ngài đối với Chúa Cha, và nhờ cuộc Vượt Qua của Chúa, chúng ta sẽ biết sống cuộc đời làm con Thiên Chúa cách mới mẻ hơn.

 

Muc Luc