BÀI GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2004

 

(Lúc đầu lễ có thể nói : Lễ Giáng sinh năm nay diễn ra trong Năm Thánh Thể. Ta biết Đức Giáo hoàng đã mở đầu tông thư về Năm Thánh Thể bằng câu : “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con “. Dựa theo đó, năm nay nhiều nơi có lẽ cũng chọn chủ đề “Emmanuel. Thiên Chúa –ở-cùng-chúng-ta” và chúng ta cũng sẽ suy niệm đặc biệt về khía cạnh Thiên Chúa - ở-cùng-chúng-ta)

 

          Giờ phút này , ai trong chúng ta cũng đang sốt sắng và rộn vui trong lòng. Bầu khi trang trọng của thánh lễ, ánh sáng rực rỡ trong nhà thờ, vẻ đẹp của những  chiếc đèn ngôi sao, của những bình hoa sặc sỡ, tiếng ca êm đềm du dương, tất cả đều như làm chúng ta chìm ngập trong niềm vui dạt dào. Thế nhưng đây chính là lúc ta cần định tâm để đi tìm lý do của niềm vui, để tự hỏi tại sao chúng ta lại rộn vui.

      Dĩ nhiên chúng ta rộn vui một phần vì bầu khí rộn ràng tưng bừng chung quanh. Nhưng đó chưa phải là lý do chính . Lý do sâu xa khiến Hội thánh chúng ta và người công giáo chúng ta hân hoan vỡ lở chính là vì đêm nay chúng ta đang tưởng niệm biến cố Chúa đến – đến ở cùng chúng ta – đến cứu độ thân phận đen tối của nhân loại.

 

I. Phải, nguyên nhân sâu xa nhất làm cho có niềm vui đêm nay, chính là vì chính Thiên Chúa  đến, chính Con Một Thiên Chúa , hiện hữu từ đời đời, bây giờ thực sự đến với nhân loại. Ai trong chúng ta cũng đang trông thấy tượng Chúa Hài Đồng trong hang đá. Có nhà thờ có tượng to, có nhà thờ có tượng bé. Có nơi sắm tượng thật mới, có nơi vẫn dùng lại tượng cũ. Nhưng dù to hay nhỏ, cũ hay mới, bức tượng trong hang đá vẫn là biểu tượng của Hài Đồng Yêsu, mà Hài Đồng Yêsu  chính là Con Thiên Chúa  và chính là Thiên Chúa . Giờ phút này cộng doàn chúng ta không quây quần chung quanh một tượng em bé sơ sinh, không tung hô hát mừng một bức tượng, mà đang tưởng niệm Con Thiên Chúa  giáng trần, đang hát mừng Con Thiên Chúa . Đó là nguyên nhân thứ nhất khiến chúng ta hân hoan vui sướng.

 

II. Lý do thứ hai mang lại niềm vui cho chúng ta là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Mầu nhiêm Giáng sinh không phải là mầu nhiệm Con Thiên Chúa  đến một chốc lát rồi ra đi, nhưng là mầu nhiện Con Thiên Chúa  mãi mãi ở giữa nhân loại chúng ta, ở cùng kíêp người chúng ta

- ở cùng không phải theo nghĩa llà ở bên cạnh,, giống như hai cục đá ở bên nhau, hai con người dửng dưng lạnh lùng ở bên nhau

- ở cùng không phải theo nghĩa là ở bên cạnh mà gây khó chịu, mà thù ghét làm hại nhau, khiến bên kia không muốn trông thấy mặt

- ở cùng đây là mang lại niềm vui, sự an ủi, là xua tan nỗi cô đơn, giảm bớt nỗi âu lo phiền muộn

- ở cùng đây là bảo vệ, là che chở, là cứu thoát

Ta hãy nhớ lại bài đọc I lúc nãy để thấy rõ niềm vui do việc Thiên Chúa   đến ở cùng. Bài đọc ấy kể lại cuộc giải phóng mà Thiên Chúa  thực hiện cho dân bị lưu đầy. Họ là những người mất hết sản nghiệp, phải xa quê hương, phải mang ách nặng nề quân thù đặt trên vai, phải chịu mọi thứ áp bức. Giữa tình cảnh đó, bỗng dưng Thiên Chúa  can thiệp, bỗng dưng họ được thấy chẳng mấy chốc nữa, mình được giải thoát, được chiến thắng vẻ vang, được hồi hương. Ta đoán họ phấn khởi, hân hoan như thế nào. Ta đoán họ phải tung tăng reo hò như khi quân đội Israel đang thất thế trong trận chiến mà trông thấy Hòm Bia Yavê xuất hiện từ xa. Họ reo hò vang trời vì Thiên Chúa  đến, vì Thiên Chúa  cùng đánh trận với họ, vì Thiên Chúa  sắp giúp họ đập tan quân thù hùng mạnh.

 

III. Đến đây ta còn phải nói thêm nữa về sự ở cùng và sự cứu độ của Thiên Chúa . Màu nhiệm Nhập Thể Giáng sinh cho ta thấy Thiên Chúa  ở cùng chúng ta là thế nào.

- đó là Thiên Chúa  hoà mình với chúng ta , sống theo hoàn cảnh của ta, chấp nhận những điều kiện của cuộc sống chúng ta. Có thể nói, ngay từ khi còn là một thai nhi, Con Thiên Chúa  đã chấp nhận cuộc sống của con người , đã phải lên đường cùng người mẹ và cha nuôi về Bêlem để thi hành lệnh kiểm tra dân số.

- chẳng những thế, chính khi Nhập thể, Con Thiên Chúa  đã mang lấy nhân tính của ta, đã nên con người bằng xương bằng thịt, đã nên một với nhân loại chúng ta suốt đời

- và hơn nữa, Ngài sẽ còn mang lấy tội lỗi của chúng ta , sẽ còn chết trên thập giá vì chúng ta. Thiên Chúa  ở cùng chúng ta đến mức ấy.

Nếu như Con Thiên Chúa  chỉ  ở cùng chúng ta như vậy thì đã là quí lắm. Đàng này Ngài còn yêu thương hơn nữa. Vì màu nhiệm Giáng sinh nhập thể còn cho ta thấy ơn cứu độ Chúa mang đến cho ta và ơn ấy quí giá thê nào.

- nói cứu độ đây không  phải chỉ là cứu khỏi một sự nguy kịch về phần xác, về chính trị hay quân sự như cứu dân Do thái xưa sắp bị thua trận trước quân thù

- mà cứu độ đây là cứu khỏi tay Satan, cứu khỏi tội, tức là nỗi nguy còn khủng khiếp hơn nhiều , vì kéo dài đời đời và khiến cho cả linh hồn lẫn thể xác chúng ta đau khổ muôn kiếp

- cứu độ đây là xót thương thân phận của ta, không chỉ đen tối lâm nguy một thời gian, mà đen tối nguy khốn đời đời.

 

oXo

 

Phụng vụ đêm nay, qua các bài Kinh thánh, qua bấu khí trang trọng đang diễn tả với chúng ta những điều đó :

- đêm khuya Bêlem, lúc Hài nhi Yêsu chào đời, chính là hình ảnh kiếp người đen tối, nguy khốn, tuyệt vọng

-  thề nhưng giữa đêm đen ấy, Con Thiên Chúa  đã đến như bình minh loé rạng, như hy vọng khởi đầu, như ân sủng  cao quí thay đổi lịch sử loài người  và thân phận mỗi người

- đó chính là biến cố và Tin Mừng vĩ đại đáng cho các thiên thần ca vang chúc tụng Thiên Chúa  và không thể không loan báo cho mục đồng, tượng trưng cho con người hèn hạ, hư không vừa có diễm phúc được xót thương , quan tâm và cứu độ.

Phụng vụ đêm nay đang muốn chuyển đến chúng ta Tin Mừng cứu độ ấy và nhắc chúng ta nhớ rằng Con Thiên Chúa  đã đến ở cùng chúng ta , đã đến vì chúng ta, đến để đưa ta vào một thân phận mới mẻ, sáng tươi. Con Thiên Chúa  cũng tiếp tục ở cùng chúng ta và cứu độ chúng ta nơi bí tích Thánh Thể. Thái độ của ta thế nào ?

- hân hoan sung sướng vì nhận ra Chúa đến cho chính tôi ?

- nỗ lực và thiết thực đổi mới đời sống , bước sang một khúc quặt mới tốt đẹp hơn

- hay là hờ hững như dân thành Bêlem và vẫn chỉ muốn kéo dài một thân phận đen tối, mịt mờ, không có ngày mai như đêm dài Bêlem ?

Chúa Hài Đồng đang đặt những câu hỏi ấy cho mỗi người chúng ta.

 

Antôn Trần thế Phiệt

21.12.2004


Muc Luc