BÀI GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH (BÀI 2)

(giảng về lễ Giáng sinh trong liên hệ với Bí tích Thánh Thể)

 

Lễ Giáng sinh năm nay được cử hành vào Năm Hội thánh dành riêng để tôn sùng bí tích Thánh Thể. Nếu tìm hiểu ta sẽ thấy giữa màu nhiệm Giáng sinh và bí tích Thánh Thể có một mối tương quan rất gần gũi, rất chặt chẽ. Ta có thể suy niệm về màu nhiệm Giáng sinh trong nhãn giới của màu nhiệm Thánh Thể .

 

Giờ phút này , cảnh sắc trong nhà thờ đang thật huy hoàng rực rỡ,bầu khí đang thật tưng bừng hân hoan. Chúng ta mừng vì Niềm vui Giáng sinh được diễn tả ngày một khởi sắc hơn. Dĩ nhiên ta chẳng nên bắt phải im đi mọi tiếng đàn tiếng hát râmran, bắt phải tắt đi mọi ngọn đèn chói loà. Nhưng đúng là ta phải định tâm lại, phải để cho hồn mình lắng đọng mới dễ đi vào ý nghĩa sâu thẳm của thánh lễ đêm nay.

Ta tự hỏi do đâu mà có trình thuật Giáng sinh ? Lời hát nào diễn tả đúng sự kiện Giáng sinh nhất ?

 

I.Theo nhiều nhà chú giải Kinh thánh thì mọi sự bắt đầu với cộng doàn tín hữu tiên khởi. Chuyện xảy ra sau sự kiện Đức Yêsu chết trên thập giá, phục sinh, hiện ra cho các tông đồ rồi vinh hiển về trời. Sau khi Thầy khuất bóng, sai gởi Thánh Thần đến, nhóm tín hữu này hàng tuần tụ họp nhau lại để cử hành Tiệc Bẻ Bánh, để tưởng nhớ đến Thầy, để gặp Thầy, nghe lại Lời Thầy

-         lúc bấy giờ, Thánh Thể Chúa ở giữa, còn họ ngồi hay quỳ chung quanh

-         lúc bấy giờ họ là một nhóm nhỏ,  một thiểu số trong dân thành Yêrusalem, rất yếu thế, bị người Dothái khinh thường, hù doạ

-         nhưng họ chính là những người đã biết Đức Yêsu , đã đi theo Ngài, đã chứng kiến lúc Ngài chịu khổ nạn, đã được nghe các tông đồ kể lại việc Ngài sống lại

-         họ chính là nhóm nhỏ bây giờ nhận ra Đức Yêsu đó là Chúa, là Con Một Thiên Chúa , là Đấng Thiên sai, Đấng Cứu Thế, đã làm ứng nghiệm mọi lời báo trước của các ngôn sứ, đã thay đổi số phận họ bây giờ, đưa họ vào giai đoạn sáng tươi của thời cứu rỗi

-         họ chính là nhóm người hân hoan vỡ lở, khi họp nhau thì  chỉ cất tiếng ca khen cảm tạ, khi ra về thì đổi mới đời sống , trở thành những con người mới và hăng say làm chứng cho Thầy Yêsu và Nước Trời . Họ  toàn là những người phận nhỏ, nhưng đã biết được một Tin Mừng lớn lao và không sao im lặng được , phải cao rao khắp cõi Tin Mừng cứu độ ấy. Có điều là tất cả những sự kiện ấy diễn ra trong êm ả, bình dị.

 

II. Chính từ cảnh ấy mà có cảnh Giáng sinh . Các tác giả Tin Mừng , nhất là thánh Luca đã sống cảnh ấy và đã dùng cảnh ấy kể lại về lúc Đức Yêsu chào đời. Do đó vào mỗi dịp lễ Giáng sinh , khi nghe lại bài Tin Mừng tường thuật về biến cố Giáng sinh , chúng ta lại thấy

-         lúc Chúa chào đời , lại cũng là cảnh âm thầm, êm ả: Hài Nhi Yêsu sinh ra ngoài đồng vắng, giữa một đâm khuya, trong hình hài một em thơ nhi, trong một máng cỏ của bò lừa

-         lúc Chúa chào đời, cũng chỉ có một nhóm nhỏ những mục đồng nằm giữ đàn chiên nghe biết và đến bái chào

-         lúc Chúa chào đời, cả Bêlem ngon giấc, sinh hoạt ở các nơi bình thương như mọi ngày, nhưng đây là lúc một Tin Mừng vĩ đại được ban cho nhân loại, Tin Mừng về Thiên Chúa  làm người, đi vào lịch sử , khởi công cứu thế – Tin Mừng khiến các thiên thần ca vang,và các mục đồng phấn chấn vì biết số phận mình đã được đổi thay

 

Vậy cảnh hang đá Bêlem chính là hình ảnh của các bữa tiệc Bẻ Bánh ngày xưa và của các thánh lễ ta cử hành ngày nay. Nói thế nghĩa là giữa 3 nơi : hang đá Bêlem, tiệc Bẻ bánh và thánh lễ, có những điểm y hệt như nhau – giữa màu nhiệm Giáng sinh và bí tích Thánh Thể , có những điểm rất giống nhau. Vì ở cả 3 nơi, đèu là cùng một sự kiện đang diễn ra

-         ở cả 3 nơi, đều có Đức Yêsu hiện diện ở giữa như trung tâm, như nền tảng

-         ở cả 3 nơi, đều có những con người phận nhỏ – nghèo, yếu thế, hèn hạ, tội lỗi…- đang quây quần bên nhau và cùng nhìn vào Đức Yêsu

-         ở cả 3 nơi, đều vang lên Tin Mừng vĩ đại là Thiên Chúa  thực sự đang có đây, thực sự đang ở vơi con người , đang đồng hành, đang hoà mình, đang an ủi, đang bảo vệ và đang cứu độ, như Yavê đối với Isrel ngày trước

-         ở cả 3 nơi, đều có triều thần thiên quốc hát vang lời ngợi khen Thiên Chúa  , và nhân loại thốt lên tiếng reo mừng vì mình được xót thương, được giải phóng, được đổi đời.

 

Hiểu như thế, chúng ta phải nói rằng bầu khí tưng bừng bên ngoài của đêm nay vừa diễn tả Niềm Vui vĩ đại do Màu nhiệm Chúa nhập thể mang đến, mà vừa có thể che khuất ý nghĩa thâm thuý của màu nhiệm Giáng sinh (màu nhiệm được diễn tả bằng lời ca rất đúng : Đem đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…nằm trong hang đá nơi máng lừa). Bởi đó, ta có quyền đi vào bầu khí tưng bừng ấy, ta có quyền chìm đắm trong cảnh rực rỡ huy hoàng chung quanh, nhưng phải nhớ là đừng để mất điều cốt yếu nhất, đó là

-         hãy tin thật chính Chúa đã đến với nhân loại, tuy cuộc ngự đến của Ngài quá âm thầm kín ẩn

-         hãy tin thật hiện nay, cảnh Giáng sinh đang diễn lại nơi bí tích Thánh Thể  hằng ngày nơi các bàn thờ , nơi mọi nhà tạm

-         hãy chiêm ngắm Chúa Hài Đồng và sau mùa Giáng sinh , tiếp tục đến với thánh lễ và nhà tạm để gặp Chúa, nghe Chúa, rờ đụng Chúa. Để ở bên Chúa, ta nghe lại Tin Mừng vĩ đại, ta hân hoan vui sướng như các tín hữu thời đầu – để khi tạm biệt Chúa, ra khỏi nhà thờ, ta đổi mới các hành vi và cả nếp sống – và khi sống giữa xã hội , ta làm những chứng nhân loan báo về Chúa cho mọi người .

xOx

Ta hãy mừng lễ Giáng sinh với những tâm tình như thế. Ta hãy lắng nghe Chúa Hài Đồng đang hỏi mỗi người chúng ta : con có tin thật không – có đon nhận Tin Mừng về Thiên Chúa  đich thân đến cứu độ, đến giải phóng con không – có thay đổi dđêi sống và có làm chứng cho Tin Mừng không – hay là con sẽ hững hờ và từ khước như dân thành Bêlem – và lại vẫn muốn đời con tăm tối, mịt mù, vô vọng như đêm dài Bêlem ?

 

Antôn Trần thế Phiệt

22.12.2004

 

 


Muc Luc