BÀI GIẢNG TRONG LỄ CHÚA NHẬT LỄ LÁ

 

Vì là những con người nặng óc trần tục, nhất là đất nước họ đang bị ngoại bang đô hộ, nên người Do thái thời Chúa Yêsu thường chỉ nghiõ đến sự cứu độ theo nghĩa trần tục : như được khỏi bệnh tật – được thoát những khó khăn trục trặc trong cuộc sống – được giải phóng khỏi ngoại bang…

 

Còn Đức Yêsu thì  nghĩ đến một ơn cúu độ khác. Thánh Matthêu, khi viết cuốn Tin Mừng cho người Do thái, đã nhắm giới thiệu Đức Yêsu chính là Đấng Thiên sai họ từng nghe các ngôn sứ nói đến và từng chờ mong. Thế nhưng Ngài không phải là Đấng Thiên sai đến để thoả mãn những mong muốn trần tục của họ, mà chính là để giúp con người mở lòng cho Thiên Chúa  và đón nhận sự sống của Thiên Chúa .

Vì mục đích ấy, trước hết Ngài giải thoát con người khỏi những trở ngại khép kín con người, ghì giữ con người trong xác thịt, trong thế gian và trong tội lỗi.

Các trở ngại đó thường gồm có

+ khuynh hướng bám víu vào các giá trị thế gian là những giá trị thoả mãn người ta ngay trước mắt, nhưng chúng bấp bênh, không bền vững

+ rồi khuynh hướng không thích hướng lòng lên thế giới cao đẹp, ngại nghe theo lời mời gọi sống thanh thoát cao thượng

+ khuynh hướng phạm tội dưới nhiều hình thức

Trong những năm sống giữa lòng xã hội và trong 3 năm hoạt động công khai, Đức Yêsu đã có dịp trông thấy người ta bị mắc vào nhiều thứ khuyết điểm, lỗi lầm. Cách riêng trong những giờ khắc trải qua cuộc Thương Khó, tự để cho mình trở thành kẻ thất thế bị hành hạ từ nơi này đến nơi khác, Ngài còn thấy rõ hơn nữa những điều đang nô lệ hoá con người, khiến họ không đón nhận được Thiên Chúa  và ơn cứu độ của Người

+ Trước mắt Ngài, nhiều lúc lảng vảng gương mặt của Yuđa, một kẻ được Ngài chọn làm tông đồ và tin tưởng , nhưng đã để lòng hướng về lợi lộc, về tiền bạc, cuối cùng bị ma lực của đồng tiền làm tối con mắt và dẫn đến tội tầy đình. Đàng sau Yuđa, Ngài nhìn thấy biết bao con người bị danh lợi, chức quyền, sự giàu sang, sự dư giả cuốn hút, khiến tâm hồn không còn thấy gì cao hơn mặt đất

+ rồi trước mắt Ngài là nhóm lãnh đạo trong dân – các thượng tế, biệt phái, luật sĩ – bám chặt vào địa vị có nhiều  đặc ân đặc lợi, do đó vừa không để ai đụng đến địa vị mình, làm lung lay chỗ đứng của mình, vừa ngày càng đề cao mình và vùi dập các kẻ họ coi là đối thủ nguy hiểm. Đàng sau họ, hiện ra trước mắt Ngài, biết bao kẻ chỉ lo tìm mọi phương kế, mưu mô để củng cố những vị thế béo bổ ở đời. Vì cá nhân mình, họ không từ khước một thủ đoạn nào

+ Ngồi trên tiền đình dinh Philatô, Ngài thương hại cho tổng trấn Philatô, một kẻ hèn nhát, nhưng cũng chỉ để khỏi mất chức quyền của mình : ông ta biết Ngài vô tội, biết các đối thủ Ngài nộp Ngài chỉ vì tư thù và quyền lợi, nhưng ông không dám hành động theo sự thật, sợ mất địa vị. Cũng thế, Ngài nhìn xuống đám dông đang kêu gào đòi đóng đinh Ngài vào thập giá và Ngài biết họ cũng chỉ có thái độ đó do sợ sệt cho sự yên thân của mình, do hèn nhát không dám đi theo sự thật, đối chọi lại kẻ sai trái.

Đối với Ngài, đó mới là những sợi giây trói cột lòng người, những trở ngại nguy hiểm, vì chúng nô lệ hoá con người, hướng con người xuống cõi thế thấp hèn, khép lòng họ trước tiếng gọi của Thiên Chúa . Ngài biết đó là những cạm bẫy do ma quỉ, xác thịt, thế gian giăng ra để bắt chụp và ghì giữ con người.

Cứu dộ chính là cắt phăng những sợi giây ràng buộc ấy, là giải thoát con người khỏi các trở ngại ấy.

Trong chính cuộc Khổ nạn, bằng sự từ bỏ các giá trị thế tạm (như danh tiếng, địa vị, lợi lộc) bằng thái độ đề cao Thiên Chúa  đến mức hy sinh chính mạng sống, Ngài sẽ ra khỏi thế gian và ma lực của nó, Ngài sẽ chỉ cho con người con đường giải phóng về mặt tâm linh.

Chúng ta được mời gọi soi mình trong những con người góp phần đưa Đức Yêsu vào cuộc Khổ nạn. Chắc chắn chúng ta ít nhiều giống như người này hoặc người nọ. Chúng ta ý thức những khuyết điểm hay những lôi cuốn đang cản bước mình, đang khép kín tâm hồn mình, để thành tâm xin Chúa cứu thoát.

 

Lm. Antôn Trần thế Phiệt, DCCT 

 


Về Trang Mục Lục