GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT 28, NĂM A
I.
Để diễn tả niềm vui và hạnh phúc của con người, người ta có thể dùng nhiều hình
ảnh hay biểu tượng. Trong Kinh thánh, bữa tiệc hay tiệc cưới là những hình ảnh
thường hay được sử dụng.
Theo bài đọc I hôm nay, ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa tỏ cho biết ngày
mai tươi sáng sau cảnh Lưu đày khốn khổ ở Babilon. Giữa lúc nhiều người Do thái
đang tuyệt vọng, không dám nghĩ gì đến ngày ra khỏi Babilon, Thiên Chúa đã dùng vị ngôn sứ ấy loan báo Người sẽ tập
họp đoàn dân tản mác của Người lại nơi Núi thánh. Và như thói quen, sau ngày
đại thắng, Người sẽ thết đãi một bữa tiệc linh đình, thực khách sẽ không chỉ là
nguyên Dân Dothái, mà còn là muôn dân.
Sau Isaia mấy trăm năm, như bài Tin Mừng ta vừa nghe, Đức Yêsu cũng
dùng dụ ngôn bữa tiệc. Dụ ngôn Ngài kể
chứa đựng rất nhiều ý nghĩa
1. nó
vừa diễn tả Nước Trời, nghĩa là Đức Yêsu muốn gián tiếp công bố rằng với sự có
mặt của Ngài, ngày vui mà Isaia loan báo nay đã đến
2. nó
vừa là sự nhìn lại, duyệt lại tất cả lịch sử cứu rỗi từ thời Cựu Ước cho đến
thời Ngài hiện nay. Mỗi chi tiết trong dụ ngôn của Chúa đều có ý nghĩa :
-
vua chỉ Thiên Chúa Cha
-
hoàng tử chỉ Chúa Con
-
tiệc đã sẵn, thức ăn la liệt là ơn cứu độ
đã hoàn thành và dư dật nhờ cuộc khổ nạn phục sinh của Đức Yêsu
-
những khách được mời đợt đầu là dân Do
thái
-
khách từ chối lời mời, khiến vua nổi
giận, trừng phạt là sự kiện thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá vào năm 70
-
vua truyền lệnh mời mọi người khác vào dự
tiệc ám chỉ việc Thiên Chúa mở rộng ơn
cứu độ cho muôn dân
-
còn “người dự tiệc không có áo cưới, bị
vua đuổi ra ngoài” có lẽ là một dụ ngôn Chúa nói lúc khác, và được thánh
Matthêu đem nối chung thành một với dụ ngôn tiệc cưới, khiến người đọc khó hiểu
vì sao vua đã cho mời mọi người ngoài đường, bất kể đàng hoàng hay lôi thôi, mà
lại còn đi kiểm tra áo quần khách dự và trừng phạt kẻ không có áo cưới. Theo
một số tác giả áo cưới ở đây ám chỉ việc sống công chính, xứng đáng, giống như
khách ăn cưới phải ăn mặc lịch sự.
II.
Với 2 dụ ngôn này, Chúa Yêsu muốn mô tả tình trạng Ngài thấy xảy ra trong lịch
sử Israel và đang còn tiếp tục xày ra trong chính thời Ngài : dó là vì yêu
thương, Thiên Chúa đeo đuổi chương
trình cứu độ, nhưng con người lại thường không muốn đón nhận. Dựa vào điểm này,
chúng ta suy nghĩ về sự đối chọi giữa màu nhiệm tình thương của Chúa và sự kiện
lòng chai dạ đá của con người.
Như vừa nói, Thiên Chúa là Đấng đeo đuổi từ đời đời một ý định cứu
độ. Có thể nói Thiên Chúa hiện hữu chỉ
để hướng tới một việc duy nhất, là lo cho con cái được hạnh phúc, là lo dẹp đi
những khổ đau, là chuẩn bị cho nhân loại một tương lai tươi sáng. Ý định cứu độ
đó đã được Người thực hiện nơi Đức Kitô, đúng như các lời loan hứa của Người
qua miệng nhiều ngôn sứ thời Cựu ước.
Trong khi đó, con người lại từ khước.
Tại sao người Do thái thời Chúa Yêsu từ khước, không chịu tin nhận Đức
Yêsu và không chịu đi vào kế hoạch cứu rỗi , đúng vào lúc kế hoạch cứu rỗi của
Thiên Chúa được thức hiện ?
·
họ không thể nói mình không tin Đức Yêsu,
lấy cớ là thấy Đức Yêsu không đáng tin, do gốc gác nhà quê của Ngài, do lối
sống khác người hoặc nhiều lần Ngài vi phạm lề luật, bởi vì các lời Ngài rao
giảng làm chứng về Ngài, các phép lạ của Ngài làm chứng về Ngài, cả đời sống
Ngài là một mac khải hết sức rõ ràng, một câu hỏi lớn, khiến họ phải suy nghĩ,
nếu họ chịu mở mắt mở trí ra.
·
họ không tin, chỉ tại họ cố tình khép
lòng lại, tức là như Đức Yêsu nói, họ phạm tội chống lại Chúa Thánh Thần
·
họ không tin, chính vì họ kiêu ngạo, độc
tôn, không cho ai hơn mình, chỉ vì họ ghen tức với Đức Yêsu
Dĩ nhiên Thiên Chúa đã tôn trọng tự do và lập trường của con
người, thậm chí có thể nói Thiên Chúa
đành chịu thua, không thi thố tình thương của Người được, nhưng phía con
người tự mãn chắc chắn rơi vào tình trạng nghèo nàn, nguy khốn, giống như cành
cây cố quyết tự tách rời khỏi thân cây thông chuyển sự sống cho nó.
III.
Hiểu như thế, Lời Chúa hôm nay là một phán quyết đối với người Do thái : tất cả
những người Do thái nào không tin nhận Đức Yêsu, Đấng được Thiên Chúa sai đến, đều đã là những kẻ lỡ mất dịp may
độc nhất và hụt mất bữa tiệc của Nước Trời. Lời Chúa cũng là một lời cảnh cáo
chúng ta là các Kitô hữu. Chúa muốn
nhắc nhở đừng ai trong chúng ta để đức tin mình sa sút, để lòng mình ngày càng
ra chai đá và ra ơ hờ với Chúa, do bởi bận tâm với những chuyện thứ yếu, hoặc
lý luận suy tưởng theo kiểu thế gian – cũng đừng ai ung dung, tự mãn sau khi đã
vào Đạo, mà lại sống xoàng xĩnh bất xứng, giống như kẻ dự tiệc cưới mà không ăn
mặc chỉnh tề.
Ta hãy nhớ : chỉ những ai
khiêm tốn chân thành tin mến Đức Yêsu, đón nhận và thực thi Tin Mừng Ngài, mới
xứng với tình thương cứu độ của Thiên Chúa
- chỉ những ai có lòng với Thiên Chúa , như trường hợp giáo hữu
Philipphê có lòng với thánh Phaolô, quảng đại giúp đỡ Người khi Người túng
thiếu, chỉ những kẻ có lòng mới được Thiên Chúa chúc phúc, đổ đầy ơn lành và bù đắp lại cách dư dật cho phần họ
đã cho đi vì tình mến.
Khởi đầu năm “sống Lời Chúa” theo thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt
Nam, trong tuần này, mỗi người chúng ta cần xét lại thái độ mình đối với Chúa,
và giảm bớt tình trạng hững hờ đối với việc đọc và sống lời Chúa, tình trạng
khô khan ươn lười đối với các việc đạo đức, mà lý do chính có lẽ là mình bắt
đầu coi thường Chúa, bắt đầu để tâm vào những chuyện thế gian nhiều hơn.
Antôn Trần thế Phiệt (5.10.2005)