THỨ NĂM THÁNH: MỘT BUỔI CHIỀU TÌNH YÊU
Ga 13,1-15
Ngồi suy nghĩ lại một lúc nào đó trong cuộc đời. Người Kitô
hữu không thể nào quên được cử chỉ của Thầy Chí Thánh Giêsu. Nói cho cùng Chúa
Giêsu đã làm một việc rất ý nghĩa, rất ấn tượng, đó là việc bầy tỏ sự yêu
thương của Ngài.: Yêu liên lỉ và Chết không ngừng.
MỘT CÁI CHẾT LIÊN LỈ
: Thương yêu là hy sinh, tận hiến và giúp đỡ lẫn nhau. Khi hai người thương
nhau họ luôn muốn ở gần nhau để trò chuyện, nâng đỡ, để ý đến nhau. Chúa Giêsu
đã thực hiện trọn đầy ý nghĩa đó. Chúa Giêsu có thể thực hiện tình yêu như một
vị Chúa nghĩa là truyền lệnh và theo cách của một vị Chúa. Nhưng không, Ngài đã
chết vì nhân loại, vì tất cả mọi người Ngài hằng yêu mến:” Không có tình yêu
nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,
13 ). Yêu như vậy đối với Chúa vẫn chưa đủ, vì Ngài yêu thương con người không
vô bến vô bờ. Ngài cũng chỉ có một cuộc sống và chết một lần. Đối với Ngài như
thế chưa đủ. Do đó, để biểu hiệu tình yêu thương nhân loại, Ngài đã muốn chết
đi chết lại,muốn nên của ăn của uống cho con người qua muôn thế hệ. Và chiều
nay thứ năm thánh chúng ta càng hiểu rõ ý nghĩa này hơn.
Chiều nay, cách đây hơn hai ngàn năm, ngày thứ năm trong
tuần lễ ăn bánh không men của người Do Thái. Ngày hôm nay là ngày rất đặc biệt,
khi trời đã về chiều, Chúa Giêsu và các môn đệ tới dùng tiệc trong một căn
phòng rộng rãi mà Phêrô và Gioan đã mượn được của một gia đình có thế giá ở
Giêrusalem. Trong bữa tiệc này, Chúa Giêsu và các tông đồ làm đùng thủ tục lề
luật đề ra : rượu, bánh, rau cùng với nhữg món ăn cổ truyền trong xã hội Do
Thái, cùng với những bài thánh vịnh. Đang khi ăn và giữa bữa tiệc Chúa Giêsu đã
bộc bạch hết tâm sự của Ngài với các môn đệ vì đây là lần cuối cùng Chúa dùng
lễ Vượt Qua với các môn đệ ở trần gian. Chúa Giêsu muốn thực hiện một cử chỉ
hết sức yêu thương. Ngài dậy dỗ các môn đệ, dậy họ yêu thương nhau và yêu thương
như Chúa đã yêu thương họ. Dậy dỗ xong, Chúa đứng lên, cởi áo choàng, thắt
lưng, lấy nước rửa chân cho từng môn đệ trước sự hết sức ngỡ ngàng của các ông.
Rửa chân là việc làm của nô lệ rửa chân cho chủ. Chúa Giêsu không những đã rửa
chân cho mọi môn đệ và lại còn rửa chân cho người sắp phản bội mình. Ngài làm
thế là để dậy cho các môn đệ bài học khiêm nhường, yêu thương và phục vụ nhau
trong mọi công việc hết sức tầm thường. Chúa rửa chân xong lại nhắc nhở các môn
đệ hãy yêu nhau,phục vụ lẫn nhau không bằng đầu môi chóp lưỡi, mà phải yêu
thương nhau thật tình.
CÁI CHẾT THIỆT TÌNH,
CHẾT MÃI MÃI : Trước khi ra đi, biệt ly, Chúa muốn trao cho các môn đệ một
kỷ vật muôn vàn quí hóa. Kỷ vật này, các môn đệ sẽ lập lại hằng ngày để nuôi
dưỡng nhân lọai, nuôi dưỡng nhân trần. Nếu cuộc đời, con người sống nhờ cơm gạo
thì về mặt thiêng liêng, con người phải được Chúa nuôi dưỡng. Vàng, bạc, của
cải thật tầm thường không nói lên được tất cả ý nghĩa cuộc đời của Ngài. Ngài
muốn để lại một điều quí hóa nhất, đó là Thịt Máu Ngài, vì thế đang lúc ăn,
Chúa trao bánh cho các môn đệ và nói:” Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy “…Rồi,
Ngài cũng trao rượu và nói các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”. Đây là
mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm đức tin. Khi nói lên điều đó, Chúa ban chức linh
mục thừa tác cho các tông đồ và chức giám mục cho các Ngài, và từ các Ngài
nhiều người sẽ được tuyển lựa, cắt nhắc để thực hiện công cuộc cứu chuộc và
thực hiện tình yêu của Chúa.
Chiều nay khi chúng ta làm lại việc Chúa Giêsu xưa đã làm,
chúng ta cảm tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương ta và qua đó chúng ta kính thờ,
yêu mến Bí Tích Thánh Thể và yêu thương các linh mục của Chúa.
Vâng, Chúa để lại cho nhân lọai, cho mỗi người chúng ta một
gia tài lớn lao quí báu không tiền của nào có thể mua được: đó là Tình Yêu dâng
hiến, Tình Yêu khiêm hạ và để lại chính Mình và Máu của Ngài để nuôi dưỡng
chúng ta. Amen.
(Antôn Trần thế Phiệt, DCCT)