GỢI Ý GIẢNG LỄ GIÁNG SINH TỐI 24 THÁNG 12

(Thánh lễ Ban Tối)

Chúng ta vừa nghe bài Tin Mừng tường thuật về thời điểm Đức Giêsu chào đời. Cộng đoàn chúng ta cùng nhau suy nghĩ về ba sự kiện quan trọng, cũng là ba mầu nhiệm: mầu nhiệm Hài Nhi Giêsu là Con Thiên Chúa, mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, mầu nhiệm Thiên Chúa đi vào lịch sử và thay đổi số phận nhân loại.

1.         Theo sự tường thuật của tác giả Luca nhiều sự xui xẻo trục trặc đã ấp đến đúng vào thời điểm Đức Giêsu chào đời. Do sắc chỉ của hoàng đế Rôma về việc kiểm tra dân số trong toàn đế quốc, dân chúng bị đảo lộn trong đời sống. Rất nhiều người phải di chuyển về quê gốc. Đức Maria và thánh Giuse đang sống tại Nagiaret ở phía Bắc nước Do Thái, phải khăn gói lên đường về Bêlem ở phía Nam,  cách xa hàng mấy trăm cây số. Giữa lúc đó, ngày nở nhụy khai hoa của Đức Maria lại cận kề. Cũng giữa lúc đó, người từ nhiều nơi tràn ngập Bêlem, khiến thị trấn nhỏ này đầy áp người. Thánh Giuse dẫn bạn mình từ nhà này sang nhà khác, ao ước tìm được một chỗ trọ, dù là rất chật hẹp, nhưng cũng không sao tìm được, vì nhà nào cũng từ chối. Hai ông bà chỉ còn một nơi duy nhất, đó là dẫn nhau ra cánh đồng giữa đêm tối và gió lạnh. Họ đành phải vào một hang đá thường là chỗ cho chiên bò trú đêm. Tại đây Hài Nhi Giêsu đã chào đời. Chào đời trong cảnh thiếu thốn mọi sự, từ khăn tả đến cái nôi ấm êm. Đức Maria phải ôm con trong lòng hoặc đặt vào máng đựng cỏ cho súc vật. Theo một số bài hát hay chuyện kể, Hài Nhi Giêsu phải nhờ đến hơi thở và hơi ấm của bò lừa để bớt bị lạnh run do cái giá rét của đêm đông. Có thể nói ít có hài nhi nào sinh ra trong hoàn cảnh bi đát đến thế, đến mức còn thua nhiều em bé nhà nghèo. Thế nhưng Hài Nhi do Đức Maria sinh ra và được đặt nằm trong máng cỏ lại chính là Con Thiên Chúa tối cao. Ở cuối bài tường thuật, tất cả chúng ta nghe thấy câu “ bỗng có đạo binh đông đảo từ trời xuống cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng vinh danh Thiên Chúa trên trời, binh an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Toàn cả Hội Thánh Kitô giáo suốt 20 thế kỷ qua đã sống bằng niềm tin rằng: Hài Nhi sinh tại Bêlem chính là con Thiên Chúa và cũng chính là Thiên Chúa. Và đó là lý do có lễ mừng tưng bừng cùng với niềm vui lớn lao hôm nay. Đó cũng là lý do khiến đêm Noel được gọi là đêm thánh.

2.         Mầu nhiệm thứ hai chúng ta dừng lại suy niệm là Hài Nhi Giêsu chính là Thiên Chúa trở nên người phàm và sống trọn kiếp người. Đời Ngài bắt đầu từ lúc thành thai trong cung lòng Đức Maria, rồi chào đời như một bế thơ và sẽ kết thúc nơi lúc chết trên thập giá. Ngay cái máng cỏ lúc đầu đời, được ghép bởi năm sáu miếng ván đã là hình ảnh báo trước về thập giá. Quãng thời gian dài 30 năm sống âm thầm ở làng Nazaret rồi ba năm hoạt động công khai chính là quãng thời gian Con Thiên Chúa nhận lấy và ôm trọn kiếp người. Ngài sẽ trải qua mọi giai đoạn của đời người: từ thành thai trong lòng mẹ, sinh ra thành ấu nhi, rồi lớn lên thành thiếu niên, thanh niên, cuối cùng thành người trưởng thành. Ngài sẽ trải qua mọi cảnh huống trong đời người: từ mệt khỏe, vui buồn, đói no, sướng khổ đến tình trạng có kẻ thương mến và có kẻ thù ghét. Ngài gặp gỡ, tiếp xúc với mọi hạng người: từ trẻ em đến người lớn, từ người nghèo đến người giàu, từ người tốt đến kẻ xấu. Đến nỗi không một ai có thể nói Thiên Chúa ở xa tôi, không quan tâm đến tôi, không yêu thương tôi. Trái lại, bất cứ người ta là ai và là người thế nào, Ngài cũng yêu thương, nhất là cứu độ, không một ai trong thời của Ngài cũng như trong thời chúng ta hiện nay lại có thể nghĩ mình nằm ngoài ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa, hay là không được sự quan tâm của Thiên Chúa hướng đến, không được mời gọi lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa bởi vì tất cả mọi người, không trừ một ai đều là đối tượng của tình thương Thiên Chúa. Kể cả những con người tội lỗi, xấu xa và đáng bị xã hội kết án ghét bỏ nhất.

3.          Mầu nhiệm thứ ba chúng ta suy niệm tối nay, đó là nơi Hài Nhi Giêsu bé bỏng, chính Thiên Chúa tối cao đã đi vào trần gian, đã dẫn thân vào lịch sử nhân loại và đã đổi thay phận kiếp cho nhân loại. Kiếp người chúng ta là một kiếp hèn mạt và hiện hữu để đi dần đến sự chết và cõi hư vô, sẽ đổi thay thành phận làm con cái của Thiên Chúa và được hiện hữu đời đời. Kiếp người chúng ta là một kiếp nô lệ, không phải là nô lệ hoặc bị giam hãm trong sự khống chế của con người, như của đế quốc Rôma đang cai trị nước Do Thái, vì đế quốc ấy chỉ là hình ảnh về một đế quốc hung ác gấp nhiều lần hơn, đó là vương quốc vô hình của ma quỷ với sự khống chế và xiêng xích vô cùng tàn bạo, khiến nhân loại khi rơi vào tay ma quỷ thì không còn một hy vọng thoát khỏi nào. Đời người chúng ta là một đời hoàn toàn tăm tối, vì ở trong cõi chết và sự thống trị của ma quỷ vô hình. So với cảnh tối tăm đó, thì đêm Bêlem không trăng không sao, chỉ mới là sự tượng trưng không đáng sợ.

Thế nhưng sự xuất hiện của Con Thiên Chúa sẽ thay đổi tất cả phận kiếp nhân loại chúng ta. Nhờ công cuộc cứu độ của Thiên Chúa phận người chúng ta sẽ thoát khỏi bế tắc, thoát khỏi đêm đen, để bước vào giai đoạn hân hoan sáng tươi và hy vọng. Từ thân phận nô lệ ma quỷ nhân loại chúng ta sẽ được giải thoát và bước vào đời sống tự do. Từ cõi chết tuyệt vọng, nhân loại chúng ta sẽ bước vào cõi sống an bình và hân hoan. Từ tình cảnh vô vọng, chúng ta sẽ chứa chan hy vọng.

Đó là những lý do khiến đêm nay trở thành đêm thật vui mừng đối với các Kitô hữu, khiến nơi nơi các Kitô hữu hòa tiếng cùng nhau và cùng các đạo binh thiên quốc, ca vang ngợi khen tình thương và kỳ công của Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa Hài Đồng tuôn đổ muôn phúc lành trên mỗi người chúng ta và củng cố đức tin cho chúng ta, để chúng ta xứng đáng lãnh nhận mọi hậu quả tốt lành của mầu nhiệm Giáng Sinh.

Một trong những mục đích hàng đầu của việc Hội Thánh Kitô giáo cử hành lễ Giáng Sinh hàng năm là để nhắc nhớ lại biến cố trọng đại Con Thiên Chúa mang lấy xác phàm và làm người như chúng ta, để Hội Thánh thẳm sâu ca tạ Tình thương Thiên Chúa, đồng thời để mầu nhiệm Giáng Sinh ngày càng nên hiện thực hơn trong tâm hồn và đời sống mỗi kẻ tin, chứ không chỉ là một sự kiện hời hợt bề ngoài, chỉ tưng bừng hoành tráng trong ít ngày, rồi qua đi, không để lại một ảnh hưởng tốt lành nào. Mọi Kitô hữu chúng ta hãy làm cho Con Thiên Chúa được sinh ra nghĩa là hiện diện trong chính cõi lòng mình, chứ đừng để cho Ngài phải sinh ra ở ngoài, giống như đêm xưa, Ngài không được chờ đón bên trong thành Bêlem, mà phải chào đời trong hang lưa máng cỏ ngoài đồng vắng.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ A