GỢI Ý GIẢNG LỄ GIÁNG SINH, SÁNG 25 THÁNG 12

(Thánh lễ Rạng Đông)

Con Thiên Chúa Giáng sinh là mầu nhiệm vừa đắp lại chờ mong của Dân Israel vừa mở ra một kỷ nguyên mới. Ta biết rằng suốt nhiều thế kỷ, Dân Cựu Ước đã luôn hướng về tương lai và ôm ấp một niềm hy vọng cháy bỏng. Lịch sử của họ trải qua nhiều giai đoạn gian khó. Đất nước họ không mấy khi được thái bình, vì là một nước nhược tiểu và thường xuyên bị các dân tộc chung quanh hùng mạnh hơn đe dọa hoặc tấn công. Họ giống như một dân bị ruồng bỏ hay một cô gái không ai đoái hoài. Giai đoạn bi đát nhất trong lịch sử của họ là 50 năm lưu đầy bên Babilon. Nhiều năm trước thời kỳ lưu đầy, đất nước họ rối ren hoảng loạn. Họ đối diện với một tương lai mịt mù, khiến họ lo âu và tuyệt vọng. Đây là lúc Thiên Chúa của họ đã phái đến nhiều ngôn sứ để trấn an và mang lại cho họ những hứa hẹn tốt đẹp. Lời rao giảng của các ngôn sứ khiến họ nức lòng phấn khởi và tràn trề hy vọng. Họ hướng nhìn về tương lai, mong chờ Thiên Chúa đến bảo vệ, giúp họ thoát khỏi quân thù, giúp được cứu chuộc và trở nên Dân thánh như lời Thiên Chúa đã hứa. Thế rồi, đế quốc Babilon đến xâm lược và cuộc lưu đầy đau khổ vẫn xảy ra. Trong những năm dài khốn đốn tại Babilon càng ngày họ càng trông chờ Thiên Chúa. Và đúng như loan hứa, Thiên Chúa đã chứng tỏ tình thương: một cách bất ngờ và lạ lùng, đế quốc Babilon súp đổ trước sự tấn công của vua Kirô và Dân Chọn được hân hoan trở về quê hương.

Thế nhưng số phận họ vẫn tiếp tục bị hẩm hiu. Những thế kỷ tiếp theo sau đó vẫn là quãng thời gian đầy loạn ly và khó khăn. Hết đế quốc này lại đến đế quốc kia nhòm ngó, đe dọa. Họ nhận ra là cuộc giải phóng khỏi Babilon chưa giúp họ có một lịch sử hoàn toàn tươi sáng như họ nghĩ. Họ lại tiếp tục mong chờ những sự can thiệp khác của Thiên Chúa. Càng về cuối thời Cựu ước, lòng họ càng hướng về Ngày Giavê tức là lúc Đấng Thiên Sai ngự đến. Thời gian mong mỏi quá lâu khiến rất nhiều người đâm ra chán nản ngã lòng, ngược lại vẫn có một Số Sót tiếp tục hy vọng, vì được nhắc đi nhắc lại nhiều tiên báo xa xưa của các ngôn sứ. Nhất là mỗi khi suốt hiện một con người hoặc một phong trào đạo đức, kêu gọi người ta sám hối, lòng họ lại được hâm nóng và phấn khởi. Họ giống như đoàn người sống trong đêm tối mịt mù, nhiều lúc tưởng chừng không bao giờ còn trông thấy rạng đông của một ngày mới, nhưng không khi nào họ mất hẳn niềm hy vọng. Nhìn lại quá khứ, họ thấy tất cả lịch sử dân tộc họ là một lịch sử triền miên đậy chờ và có thể nói chỉ sống cho Ngày Vui Thiên Chúa đến.

Bởi đó, họ luôn mong chờ lúc được nghe lại lời ngôn sứ I-sai-a công bố: “đây là lời Thiên Chúa loàn truyền cho khắp cùng cõi đất: hãy nói với thiếu nữ Xi-on: kìa ơn cứu độ ngươi đang tới”. Đó là tin vui họ rạo rực chờ đợi nhất.

Đối với chúng ta là kẻ tin đang sống trong thời Tân Ước mầu nhiệm Giáng Sinh đã là lời loan báo vui mừng đó. Bởi vì chính biến cố Con Thiên Chúa ra đời đánh dấu lúc thời cứu rỗi bắt đầu. Mầu nhiệm Giáng Sinh kết thúc giai đoạn chờ đợi của Cựu Ước và thỏa nỗi niềm chờ mong của Dân Chọn suốt nhiều thế kỷ.

Theo cái nhìn đức tin, Giáng Sinh là thời điểm vô cùng trọng đại, khiến con tim muôn người phải vỡ tung vì quá sung sướng, giống như một đoàn tử tù  nghe loan báo là mình được tha chết. Thế nhưng đường lối của Thiên Chúa bao giờ cũng lạ lùng và bất ngờ. Thay vì làm cho Ngày Người đến huy hoàng như đèn pha giữa đêm đen, làm cho lúc Người ban ơn cứu độ lộ hiện bề ngoài như nhiều đoàn từ thiện phân phát quà tặng, người lại ngự đến và cứu độ một cách kín đáo. Đồng thời đối tượng nhận lãnh tình thương của Người lại chính là những con người quê mùa hèn mọn. Bài Tin Mừng cho thấy những kẻ đầu tiên được thiên sứ cho biết tin vui lại chính là những người chăn chiên đang nghỉ ngơi giữa đồng vắng. Họ đã hối hả sang Bêlem để chứng kiến sự việc mà thiên sứ vừa cho họ biết và đã gặp Hài Nhi mới sinh. Theo một số nhà chú giải Kinh Thánh, các người chăn chiên này tượng trưng cho các Kitô hữu và việc các người chăn chiên này quây quần chung quanh máng cỏ là hình ảnh các Kitô hữu quy tụ chung quanh Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Kitô hữu, giống các người chăn chiên, thường là những người nghèo khó tầm thường, nhất là có tâm hồn khiêm hạ, mở ra đón nhận Thiên Chúa và bằng việc lãnh nhận phép rửa (bài đọc 2) họ từ bỏ nơi chốn cũ, nghĩa là từ bỏ tội lỗi và nếp sống thế gian, đi sang một nếp sống mới.

Vậy qua Lời Chúa trong thánh lễ này, Thiên Chúa muốn loan báo cho tất cả chúng ta đang hiện diện một Tin Mừng vĩ đại: đó là Đấng Thiên Sai đã đến, Ngài đến vì chúng ta và cho chúng ta, đồng thời chúng ta cũng chính là những người được diễm phúc lãnh nhận ơn cứu độ Ngài mang đến. Cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta đã nên dân mới của Thiên Chúa, đã được đưa vào thời cứu rỗi. Trong tâm tình hân hoan, chúng ta thiết tha cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, thẳm sâu kính yêu Chúa Cứu thế đã Giáng Sinh làm Hài Nhi bé nhỏ, đồng thời cùng với mọi anh chị em trong Hộ Thánh, chúng ta ra đi loan báo Tin Mừng vĩ đại cho những người chưa biết, để cũng như chúng ta, họ nhận được diễm phúc và Ơn cứu độ Thiên Chúa muốn ban tặng cho mọi tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ và cởi mở.

Antôn Trần Thế Phiệt

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A