GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA HIỂN LINH

          Hiển linh là tỏ mình “chữ hiển linh” theo nghĩa chính xác và riêng biệt, được dùng để chỉ chính ngày lễ hôm nay. Thế nhưng nếu hiểu “hiển linh” là tỏ mình theo nghĩa rộng thì có thể nói có nhiều lần “hiển linh”, nhiều lần tỏ mình của Thiên Chúa. Ví dụ: Thiên Chúa tỏ mình một cách gián tiếp qua công trình tạo dựng của Người qua sự hiện hữu của vũ trụ bao la với triệu triệu tinh tú vĩ đại trên bầu trời hoặc muôn loài lớn nhỏ trên trái đất. Rồi Thiên Chúa tỏ mình nơi việc tạo dựng nhân loại. Người cũng tỏ mình qua việc gầy dựng, dìu dắt, bảo vệ dân Israel ngày xưa. Hoặc Người tỏ mình nơi Ngôi Hai nhập thể làm người, nơi Hội Thánh là cộng đoàn các kẻ tin. Người tỏ mình qua muôn ngàn sự kiện hay biến cố trong lịch sử cũng như trong đời sống mỗi cá nhân.

Nhưng hiểu cho chính xác, cuộc hiển linh được thể hiện nơi đức Giêsu Kitô. Cuộc hiển linh này gồm hai giai đoạn: đầu tiên là cuộc hiển linh của Con Thiên Chúa nhập thể cho dân Israel, khi Ngài chào đời, như Hội Thánh chúng ta mới tưởng niệm và mừng kính hôm lễ  Giáng Sinh. Trong lần hiển linh đó, những kẻ được gặp Con Thiên Chúa làm người chính là những người thuộc Số Sót trong Israel, cụ thể là Đức Maria và thánh Giuse. Rồi các người chăn chiên được Thiên Thần đến báo tin vui để họ đi bái thờ Hài Nhi nơi hang đá Bêlem. Những người này là hình ảnh báo trước về cộng đoàn những kẻ tin nhận đức Giêsu và gia nhập Hội Thánh của Ngài.

          Giai đoạn thứ hai chính là sự kiện Con Thiên Chúa nhập thể tỏ mình cho Dân Ngoại. Hội Thánh chúng ta tưởng niệm biến cố này vào ngày lễ hôm nay. Lễ này có hai tên gọi: lễ hiển linh tức là Chúa tỏ mình, và lễ ba vua. Ngày nay, người ta ít gọi là lễ ba vua, vì trong thực tế có thể nói là có nhiều người, chứ không phải chỉ có ba người. Họ cũng không hẳn là vua, nhưng là ba nhà đạo sĩ hoặc ba nhà chiêm tinh. Thánh Matthêô nói đến đoàn ba vua, từ phương Đông tiến về Giêrusalem, cùng với nhiều tùy tùng và nhiều lạc đà chở các món quà quý giá như vàng, nhũ hương, mộc dược. Thánh Matthêô viết như thế dựa theo nhiều loan báo khi trước trong Cựu ước và nói đến ba lễ vật cũng là để báo trước về tư cách hoặc số phận của Hài Nhi Giêsu: vàng có ý nói Hài Nhi Giêsu có tư cách là một vị Vua, nhũ hương ám chỉ rằng Hài Nhi không phải là một trẻ thường nhưng là một vị Thiên Chúa, mang thần tính và đáng được tôn thờ bằng nhũ hương, như người ta vẫn xông hương trong các lễ nghi ở Đền thờ, mộc dược báo trước về cái chết và cách an táng của Ngài, Ngài là một vị Vua, nên khi liệm xác, người ta dùng đến mộc dược để ướp xác cho thơm. Sự kiện các đạo sĩ này trong thấy một Ngôi Sao lạ trên bầu trời phía tây tức là phía nước Israel, có lẽ có nghĩa là Dân Ngoại nhận biết Thiên Chúa qua thiên nhiên, trong khi dân Do Thái nhận biết Thiên Chúa qua Kinh Thánh. Ngôi sao lạ ở đây vừa ám chỉ việc Dân Ngoại nhận biết Thiên Chúa và sự tỏ mình của Người qua vũ trụ và tinh tú trên trời, vừa phù hợp với một lời tiên báo trong Cựu ước là một ngôi sao sẽ mọc lên trên nhà Giacóp tức là Israel.

          Vì chúng ta là những người thuộc Dân Ngoại, nên lễ này cũng là lễ đặc biệt của chúng ta. Các giáo hội Đông Phương mừng lễ Hiển Linh này long trọng hơn lễ Giáng Sinh. Lễ này nhắc đến diễm phúc chúng ta đã nhận được, đó là tuy mình là Dân Ngoại, Thiên Chúa vẫn cho ta biết kế hoạch ân sủng của Người, cho ta được cùng  thưa kế gia nghiệp và mọi lời hứa của Thiên Chúa giống như người Do Thái ( bài đọc 2). Đồng thời, lễ này cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy tin nhận Đấng Cứu Thế, hãy đến bái thờ Ngài và dâng chính tâm hồn, chính đời sống mình như những món quà quý. Ngoài ra, chúng ta hãy nhớ đến sứ mạng loan báo Tin Mừng cho những anh chị em chưa nhận biệt Đức Kitô. Loan báo bằng cách làm cho lối sống và hành động của mình nên giống như những vì sao lạ, lôi kéo sự chú ý, và sự thán phục của những người gặp gỡ chúng ta, khiến họ dễ mến đạo và tin nhận Đức Kitô.

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ A