GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT II THƯƠNG NIÊN NĂM A

          Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa mà chúng ta mới cử hành đã đưa ta trở lại với Mùa Thương Niên của Năm Phụng Vụ. Mùa Thương Niên gồm 34 tuần lễ là mùa để chúng ta nhắc nhớ và suy niệm về quãng thời gian Đức Giêsu hoạt động công khai, khởi từ lúc Ngài gặp Gioan tẩy giả đến lúc Ngài được đặt làm Vua vũ trụ.

Chúa nhật hôm nay, chúng ta suy nghĩ về cách thức Thiên Chúa Cha thực hiện việc cứu thế. Trước hết, ta phải xác định rằng toàn bộ kế hoạch cứu độ cũng như mọi vấn đề liên quan đến kế hoạch đó đều xuất phát từ Thiên Chúa cha và ý định yêu thương thẳm sâu của Người: từ việc ẩn định thời điểm để thực hiện kế hoạch đó, việc kén chọn những người cộng tác để thực hiện, đến việc ban ơn tác động nơi tâm hồn mỗi cá nhân cần được cứu độ. Tuy việc cứu độ chỉ do một mình Người thực hiện và chỉ một mình Người thực hiện được, không cần đến ai, nhưng Người luôn luôn thực hiện qua nhiều cộng sự viên hay trung gian. Cụ thể là, xa xưa trong thời Cựu Ước, Người đã kén chọn tổ phụ Abraham, rồi Môsê và nhiều ngôn sứ, đại diện của Người. Bài đọc một hôm nay nói đến Isaia. Đây là vị ngôn sứ sống vào thời lưu đầy. Bài đọc hai nói đến thánh Phaolô, còn bài Tin Mừng nói đến Gioan tẩy giả và chính Đức Giêsu, con một của Thiên Chúa. Đó là một số cộng sự viên tiêu biểu mà chúng ta được mời gọi hãy nhớ đến hôm nay.

          Qua những trung gian mà Thiên Chúa kén chọn, ngoại trừ Đức Giêsu là chính hiện thân của Người, việc cứu thế có đặc điểm là một việc cụ thể, vì được thực hiện bởi những con người cụ thể, có tên có tuổi, cũng như được thực hiện vào những thời điểm cụ thể: như Isaia vào thời dân Israel bị lưu đầy, tức là năm sáu trăm năm trước công nguyên, đức Giêsu vào đầu công nguyên và thánh Phaolô vào thời Hội Thánh tiên khởi ở miền tiểu á, thuộc đế quốc Rôma.

          Kế đến, mỗi cộng sự viên được kén chọn lại có một sứ mạng đặc thù mà Thiên Chúa ẩn định. Chẳng hạn Isaia có sứ mạng không chỉ nguyên đồng hành đoàn dân lưu đầy, an ủi và củng cố đức tin họ và có lẽ tiếp tục hiện diện bên họ đến khi về quê cũ mà còn loan truyền ý định yêu thương của Thiên Chúa cho muôn dân và đến tận cùng trái đất. Thánh Phaolô có sứ mạng thiết lập một số giáo đoàn chung quanh bờ Địa Trung Hải, khai tâm, đào sâu giáo lý cho họ và thường xuyên theo dõi, cũng cố đức tin của họ. Còn Chúa Giêsu dĩ nhiên là vị trung gian tối cao của Thiên Chúa, có sứ mạng thực hiện một cách vượt trổi và hoàn hảo toàn bộ ý định cứu độ của Thiên Chúa.

Qua các cộng sự viên là Đức Giêsu con Thiên Chúa nhập thể và những con người cụ thể, việc cứu độ của Thiên Chúa có tính cách rõ định chứ không phải là một chuyện vu vơ, huyền hoặc, không có thật.

Một đặc điểm nữa của việc cứu độ là nó vừa xảy ra trong một thời điểm vừa có tính cách trường tồn, kéo dài đến vô tận trong lịch sử Hội Thánh và lịch sử nhân loại. Ví dụ ngôn sứ Isaia hay thánh Phaolô là những người đã kết thúc công việc của họ, đã là những người thuộc về quá khứ, không còn hiện diện trong hiện tại. Nhưng hết những con người đó, lại đến chính mỗi người chúng ta bây giờ nối tiếp họ, trở nên cộng sự viên của Thiên Chúa và giúp Thiên Chúa thực hiện kế hoạch ngàn đời của Người.

Chiêm ngắm kế hoạch của Thiên Chúa và cách thức Người thực hiện, chúng ta thật sự kinh ngạc và thẳm sâu thán phục, ca ngợi. Xin Người giúp ta xác tín rằng không chỉ có các ngôn sứ, các thánh tông đồ hay người này người kia trong quá khứ được Thiên Chúa tin cậy và kén chọn, nhưng chính chúng ta đang được Người tin tưởng và mời gọi chung tay với Người trong kế hoạch vĩ đại của Người, cho dù ta không phải là chí thánh như Đức Giêsu, không phải là người đạo đức và xứng đáng như nhiều ngôn sứ Cựu Ước, kể cả cho dù ta đã có lúc tội lỗi hoặc đang bất xứng như trường hợp chính tông đồ Phaolô, người khi trước đã chống đối và bắt bớ Hội Thánh của Đức Kitô. Xác tín như thế, để rồi ta trở nên cộng sự viên nhiệt thành của Thiên Chúa, bằng tất cả tình mến, tất cả khả năng có thể là hạn hẹp của mình.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ A