GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM A
Trước công nguyên mấy thế kỷ một số
ngôn sứ được linh ứng đã nói đến ngày Giavê, Nước Trời và Đấng Thiên sai. Những
loan báo đó có ảnh hưởng khá sâu đậm trên tâm trí dân Do thái và hun đúc niềm
chờ mong nơi họ. Từ đó, có thể nói lịch sử Cựu ước là một sự chờ đợi liên lỉ.
Mở đầu thời Tân Ước Gioan tẩy giả xuất
hiện, kêu gọi mọi người sám hối và chuẩn bị tâm hồn, vì Đấng Thiên sai sắp đến.
Nhìn vào con người của ông và nghe những lời ông loan báo, toàn dân hết sức
phấn khởi hân hoan. Nối tiếp ông, nhất là sau khi ông bị vua Hêrôđê chém đầu, Đức
Giêsu cũng loan báo Nước Trời đã gần đến và kêu gọi người ta sửa lỗi đời sống.
Thế nhưng Nước Trời là một thực tại vô hình và phong phú, không thể mô tả bằng
một số câu ngắn gọn. Bởi đó, lấy lại phương pháp giảng dạy của các kinh sư Do
thái thời Ngài, Đức Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh vừa để giới thiệu về Nước
Trời, vừa để giúp người nghe thuộc đủ mọi thành phần và đủ mọi mức độ kiến
thức, có thể suy nghĩ và hiểu biết phần nào về Nước Trời.
Cụ thể theo đoạn Tin Mừng ta vừa nghe, Đức
Giêsu giới thiệu Nước Trời bằng ba hình ảnh, cho thấy Nước Trời có ba khía cạnh
khác nhau. Theo dụ ngôn thứ nhất, nói về sự xen lẫn giữa lúa tốt và cỏ lùng Đức
Giêsu muốn nói đến một thực trạng của Nước Trời trong hiện tại, đó là sự tốt
lành ở cạnh sự xấu. Sự xấu nói đây có thể gợi đến rất nhiều thực tế: chẳng hạn
ảnh hưởng xấu của thế gian, những gương xấu đủ loại, những cá nhân hay nhóm
người thiếu đạo đức, sống ngược với những đòi hỏi của Tin Mừng, và trên hết, đó
là sự tung hoành phá rối của ma quỷ, với
ý đồ làm thất bại chương trình của Thiên Chúa và ngăn cản quyền năng của Nước
Trời. Thực tế này khiến Hội Thánh và nhiều tín hữu cảm thấy sốt ruột, cũng như
các tông đồ khi gặp một trường hợp khó chịu, chỉ muốn phản ứng cấp kỳ. Trong
khi đó, Thiên Chúa luôn nhẫn nại và chịu đựng. Giống như người nhà nông chấp
nhận cho cỏ lùng cùng lớn lên với lúa tốt, Thiên Chúa biết rõ người sẽ có cách
loại trừ cỏ lùng, đó là đến ngày tận thế, người sẽ tách riêng lúa tốt với cỏ
lùng và khi đó, cỏ lùng sẽ không còn làm hại lúa tốt được nữa. Nói như tác giả
sách Khôn Ngoan, Thiên Chúa là Đấng quyền năng, lúc nào Người cũng có thể chứng
tỏ quyền năng và ý muốn của Người cũng chính vì thế Người lại dịu dàng nhân ái
và kiên nhẫn, chứ không dùng sức mạnh của Người để đè bẹp hay tiêu diệt mọi sự
đối kháng.
Với hai dụ ngôn kế tiếp, Chúa Giêsu
cũng muốn giới thiệu về Cha Ngài với tư cách một Đấng nắm chắc phần thành công
trong tay mình và cũng kiên trì, không nóng lòng đòi thành công ngay lập tức. Vì giống như hạt cải
hay nắm men, ban đầu rất nhỏ bé, nhưng với thời gian chắc chắn hạt cải sẽ lớn
lên thành cây to lớn và nắm men sẽ làm dậy cả thúng bột. Nghĩa là sự lớn mạnh
của Nước Trời và sự thành công của Thiên Chúa kể như chắc chắn và đương nhiên
sẽ có. Trong hiện tại Nước Trời có vẻ chìm khuất như không có, thực ra Nước
Trời đang phát triển, mặc dù rất nhẹ nhàng chậm rãi. Hội Thánh Đức Kitô là một
minh chứng cụ thể: ban đầu chỉ có các tông đồ là một nhóm nhỏ, không có thế giá
và ảnh hưởng nhãn tiền, thế mà hiện nay, sau 20 thế kỷ tồn tại, Hội Thánh đã
phát triển rộng khắp trên toàn thế giới.
Trên đây, ta đã nghĩ đến Nước Trời như
một thực tại được Đức Giêsu thiết lập và đặt vào giữa thế gian, giữa xã hội
loài người. Bên cạnh phương diện đó, ta còn có thể nghĩ đến Nước Trời trong
chính đời sống riêng tư hay nội tâm của mỗi người. Và trong trường hợp này
chuyện lúa tốt và cỏ lùng cũng như chuyện hạt cải và nắm men lại diễn ra nơi
tâm hồn mỗi cá nhân chúng ta. Như chuyện lúa tốt và cỏ lùng, đời sống chúng ta
vừa có những điểm tích cực và tốt lành, vừa có những điểm tiêu cực và đáng chê.
Rồi có lúc nơi ta phần lúa tốt nhiều hơn phần cỏ lùng, lúc khác, tình cảnh lại
đảo ngược. Có lúc nhìn chúng ta, nhìn Nước Trời được đặt vào trong ta, Thiên
Chúa lạc quan vì thấy mình đang thành công, có lúc người lại phải lo âu và sợ
thất bại, vì con người có tự do, và chúng ta nhiều lúc dựa vào sự tự do của
mình để chống chọi với công việc và ước mong của Thiên Chúa. Chuyện hạt cải và
nắm men cũng được áp dụng cho tâm hồn riêng tư của chúng ta: đây là chuyện chứa
đựng nhiều hy vọng và niềm lạc quan hơn, vì hai chuyện đó ám chỉ sự thành công
chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai, giống như hạt cải chắc chắn sẽ thành cây
lớn, nắm men chắc chắn sẽ làm dậy cả
thúng bột.
Dĩ nhiên chúng ta là những con người
có đây hèn yếu, lại đối diện với đủ thứ ảnh hưởng xấu của môi trường, mưu chước
đọc hại của ma quỷ, đe dọa sự phát triển của Nước Trời. Nhưng những lúc như thế
chúng ta vẫn có quyền an tâm, bởi vì có sự đỡ đần và chuyển cầu của Chúa Thánh
Thần mọi lúc đang đồng hành với chúng ta. Vẫn đề là ta có kiên trì và thực tâm
cầu nguyện với Người hay không. Vẫn đề là ta có biết tận dụng sự tự do Thiên
Chúa ban để đón nhận ơn huệ của Người và phục vụ chương trình mà Người đang ôm
ấp cho ta hay không.
Antôn Trần Thế Phiệt