GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA HIỂN DUNG NĂM A
Biến cố Chúa hiển dung (cũng gọi là
Chúa biến hình) có hai mục địch chính: mạc khải thân thế đích thực của Đức
Giêsu và trấn an khích lệ các tông đồ trước cuộc khổ nạn của Ngài.
Trong ba năm hoạt động công khai, kể
từ khi kén chọn Nhóm Mười Hai và cho nhóm ấy chung sống bên mình, Chúa Giêsu đã vừa sống trước mặt các
ông như một người thường, vừa tỏ lộ dần dần về bản thân Ngài. Một mặt, các Tông
đồ thấy Ngài cũng giống mọi người khác về nhiều điểm, như ăn uống, ngủ nghỉ trò
truyện. Các ông nhớ Ngài là một người xuất thân từ làng Nazaret, một làng quê
nhỏ bé. Nhưng mặt khác, các ông lại thấy nơi Ngài có nhiều điểm khác thường:
Ngài rao giảng về Nước Trời là đề tài mọi người trong dân Do Thái của Ngài từng
nôn nao chờ đợi từ rất lâu, Ngài có quyền năng phi thường, thể hiện qua việc
chữa lành mọi kẻ tật nguyện bệnh hoạn, xua trừ ma quỷ khỏi nhiều nạn nhân bị nó
làm khổ, Ngài có một liên hệ đặc biệt đối với Thiên Chúa vô hình mà Ngài gọi là
Cha một cách thân mật, cũng như sống nên một người Con chí hiếu và nồng nàn mến
yêu. Ngài có nhiều quan niệm mới mẻ và mở ra một lối sống có nhiều điểm khác lạ,
thậm chí đối chọi với lối sống người ta đã quen. Lối sống đó và lời rao giảng
của Ngài ngày càng trở nên khó chịu đối với hàng lãnh đạo Do Thái và nhóm biệt
phái luật sĩ. Những người này càng lúc càng khó chấp nhận Ngài và coi Ngài như
một đối thủ.
Dưới con mắt của Nhóm Mười Hai, Đức
Giêsu Thầy của họ càng ngày càng bị chống đối và căm ghét do nhóm đối thủ của
Ngài. Theo suy nghĩ của Nhóm Mười Hai, Thầy của họ chắc chắn sắp phải đối diện
với những đe dọa và nguy hiểm. Đúng lúc đó Đức Giêsu đã loan báo về một tương
lai khiến các ông phải thắc mắc và run sợ: Ngài cho biết Ngài sắp bị bắt, bị
kết án và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại. Tuy Đức Giêsu có nói đến
sống lại, nhưng những sự kiện đen tối Ngài nói đến trước đó vẫn khiến họ hết
sức hoang mang. Và theo các sách Tin Mừng, 6 ngày sau khi Đức Giêsu loan báo
như thế, biến cố Biến Hình đã xảy ra. Ngài chọn riêng ba Tông đồ, dẫn họ lên
núi và tại đây, ba Tông đồ đã đối diện với một vị Thầy khác với vị Thầy họ vẫn
sống kề cận hằng ngày. Tin Mừng Mat-thêu kể rằng “dung nhan Ngài chói lọi như
mặt trời, y phục Ngài, trở nên trắng tinh như ánh sáng, rồi có ông Môsê và ông
Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài. Cuối cùng, có đám mây che phủ các Ngài và có
tiếng phán: đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy nghe
lời Người”. Qua biến cố biến hình này, Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha muốn mạc
khải rằng Đức Giêsu không chỉ là một người thường, thuộc làng Nazaret, mà còn
là Đấng thuộc cõi trời, là chính Con yêu dấu của Thiên Chúa, từng được toàn bộ
Cựu ước nói đến trước. Môsê chính là vị thủ lãnh của
Vậy biến cố biến hình mạc khải về
cương vị hay thân thế đích thực của Đức Giêsu. Biến cố ấy cũng là biến cố trấn
an các tông đồ trước cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Các ông thấy Thầy của mình có
vẻ càng ngày càng bị chống đối và bị yếu thế trước các đối thủ. Khi Đức Giêsu
chia tay các ông, rồi bị bắt, bị xử án, các ông dễ cho là Thầy của mình bất lực
và thua bại trước thế lực của các đối thủ. Thế nhưng những gì các ông chứng
kiến trên núi biến hình chứng tỏ Thầy của mình là Con Thiên Chúa, là Đấng mạnh
sức hơn mọi thế lực khác và sở dĩ Ngài bị bắt bị kết án và bị chết, chính vì
Ngài tự nguyện thực hiện kế hoạch của Cha Ngài và chỉ muốn làm đẹp lòng Cha
Ngài bằng thái độ vâng phục tuyệt đối. Chính hiểu biết này giúp các tông đồ
hiểu ra cuộc khổ nạn đưa Đức Giêsu, không phải là đến thảm bại, mà là đến chiến
thắng, đến Phục Sinh vẻ vang.
Vậy biến cố biến hình đã mang lại cho
ba Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan diễm phúc được chứng kiến một mầu nhiệm lạ
lùng cao siêu, giống như thị kiến mà ngày trước ngôn sứ Đaniel đã có, để ông
được nhìn thấy cảnh tượng trên cõi trời vô hình. Biến cố biến hình mời gọi các
Tông đồ và các kẻ tin vững vàng hơn trong đức tin và can đảm bước theo Đức
Giêsu, để trong mọi hoàn cảnh đời sống, dù là đen tối nhất họ vẫn an tâm vì
biết rằng Thiên Chúa đang quan tâm đến họ, đang an bài và đưa dẫn mọi sự đến
kết cuộc sáng tươi và tốt đẹp. Biến cố biến hình đã mang lại một hy vọng sâu xa
cho các tông đồ, đã trấn an tâm hồn chao đảo của các ông, thì cũng luôn là biến
cố giúp kẻ tin chúng ta được bình tâm, lạc quan và tin tưởng trong mọi biến cố
xảy đến cho mình, dù là những biến cố bi đát hay đau thương nhất.
Antôn
Trần Thế Phiệt