GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

    Lịch sử hình thành và phát triển của dân Do Thái bắt đầu với sự kiện Thiên Chúa kêu gọi Abraham rời bỏ quê cha đất tổ ở thành Ua miền Trung đông để đi đến miền đất mà Thiên Chúa sẽ ban cho ông và con cháu. Ý định của Thiên Chúa là gầy tạo giữa nhân loại một dân đặc biệt và thuộc riêng về Người. Như Người muốn, sứ mạng của Dân này là thể hiện thánh ý của Người và chuẩn bị cho Ngày Người sẽ thực hiện kế hoạch cứu độ của Người.

Vì sứ mạng cao cả ấy vào thời đầu của lịch sử dân Do thái, Thiên Chúa dẫn dắt Dân theo một đường lối riêng biệt. Người gần gũi họ hơn là gần gũi các dân khác Người dùng các vị trung gian như Môsê, các thẩm phán và các ngôn sứ để dạy dỗ họ, để ban giao ước và giới răn của Người cho họ. Và để giữ cho họ luôn trung thành với Người, không bị lây nhiễm lối sống của các dân khác mà họ gặp, nhiều lúc Thiên Chúa truyền lệnh cho họ tiêu diệt những người thuộc các dân khác, là những dân có niềm tin và lối sống khác, có thể làm cho dân của Người rơi vào những sai lạc và tội lỗi, như thờ tà thần, sụp lại trước các ngẫu tượng, giết con mình hoặc giết người để cúng tế v.v.v. Khi đưa họ vào Đất Hứa, Người giúp họ chiến thắng và sua đuổi các dân đang có mặt tại địa phương. Từ đó, giữa dân Do thái và nhiều dân khác, luôn có sự đối chọi, đố kỵ nhau. Và tình trạng này còn tiếp tục mãi đến thời Đức Giêsu. Cụ thể như tình trạng thù ghét giữa dân Do thái và dân Samari. Thậm chí, như một số lần trong các sách Tin Mừng, Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa Cha sai Ngài đến, chủ yếu là để phục vụ dân Do thái, chứ không phải là để phục vụ dân ngoại. Bởi đó, khi người phụ nữ Canaan xin Ngài trừ quỷ cho đứa con gái của bà, phản ứng đầu tiên của Ngài là cứng cỏi và từ khước, không thương xót. Thế nhưng, thấy thái độ kiên trì nài nẵng và sự mạnh tin của bà, Ngài mới nhận lời và có thể nói, đành ra ngoài lệnh truyền mà Ngài đã nhận từ Chúa Cha.

    Thế nhưng vào chính thời Ngài, khi Ngài đại diện Chúa Cha đến đích thân rao giảng về Nước Trời, một tình trạng đắng cay xảy ra, đó là chính người Do thái đồng hương của Ngài không muốn tin Ngài, không muốn đón nhận sứ điệp của Ngài. Tệ hơn nữa, sau khi Đức Giêsu Phục Sinh và về trời, nghĩa là vào giai đoạn của các Tông đồ và nhất là thánh Phaolô, Dân Ngoại đông đảo đã gia nhập Hội Thánh mới xuất hiện.

    Sự mâu thuẫn này, như thánh Phaolô tâm sự đã trở thành nỗi đau đớn sâu xa cho Người. Có lần Người nói Người sẵn sàng chấp nhận mọi nỗi khổ cực, miễn là có thể giúp cho đồng hương Do thái của Người quay về với Đức Kitô. Trong nỗi đắng cay tuyệt vọng, Người chỉ biết cúi đầu trước kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa và cố nhìn ra khía cạnh tích cực của sự kiện dân ngoại nườm nượp gia nhập Hội Thánh, còn chính Dân chọn của Chúa lại cứng lòng tin và bỏ Hội Thánh mà ra đi. Người suy nghĩ là sự kiện dân ngoại từ bỏ tà thần, tin vào Đức Kitô đã là niềm vui lớn lao cho Chúa và Hội Thánh, thì sự kiện dân Do thái sám hối, quay về với Tin Mừng, thế nào rồi cũng có ngày xảy ra và sự kiện đó chắc chắn sẽ là niềm vui vĩ đại hơn sự kiện Dân Ngoại sám hối và đón nhận đức tin. Và từ đó, Thánh Tông đồ nghĩ đến lòng thương xót kỳ diệu của Thiên Chúa: vì là Đấng yêu thương và có lẽ chỉ vui khi tha thứ, nên chính khi con người ở trong tội lỗi, Thiên Chúa mới được thi thố lòng thường xót của mình và mới cảm nghiệm một niềm vui sâu xa. Đến nỗi thánh Phaolô thấy rằng trước mặt Thiên Chúa, mọi người kẻ trước người sau đều là tội nhân, cần được tha thứ, thậm chí theo thánh nhân, Thiên Chúa đã để Dân Ngoại sống trong tội, để Người có thể tha thứ cho họ và Người được sung sướng chính vì đã được tha thứ cho họ. Cũng thế chính Thiên Chúa đã như dồn dân Do thái vào đàng tội và sự cứng tin, để ngày nào đó họ sám hối trở về, Người cũng lại tha thứ và được hân hoan, giống như người cha đón đứa con hoàng đang trở về và chính lúc đó cảm nghiệm niềm sung sướng đánh tan nỗi đắng cay khi thấy nó bỏ nhà ra đi.

    Phần chúng ta là người gốc Dân Ngoại. Chúng ta đã được hưởng tình thương của Thiên Chúa và nay đã là phần tử trong Hội Thánh, đã là những người con của Thiên Chúa, nhưng người em của Đức Kitô. Khi chịu phép rửa, chúng ta đã là niềm vui lớn lao cho Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn sức, để tuy sống giữa thế gian với biết bao cám dỗ, chúng ta không bao giờ phản bội Chúa, trái lại luôn là những người con bền đỗ trong đức tin và luôn là niềm tự hào cho Chúa và Hội Thánh.

    Antôn Trần Thế Phiệt