GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A
Năm 1981, khi Đức Gioan Phaolô II đang
đứng trên xe mui trần và duyệt qua các hàng giáo dân trong quảng trường Rôma, một
thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ đã ám sát Ngài, khiến Ngài gục xuống. Sau khi được cấp
cứu trong bệnh viện và vượt qua cơn hiểm nghèo, Ngài đã đích thân đến nơi anh
thanh niên kia đang bị giam giữ và âu yếm ôm anh, tha thứ cho anh. Hành động
cao thượng ấy của Ngài đã được cả thế giới khen ngợi. Chắc chắn hành động ấy
cũng đã mang lại cho Ngài một niềm vui sâu xa, vì Ngài đã thể hiện được lòng
thương xót của Thiên Chúa.
Nói theo tác giả sách Huấn ca, sự tha
thứ là việc đạo đức giúp cho kẻ biết tha thứ nhận được nhiều hậu quả tốt lành
như tội lỗi của chính kẻ ấy dễ được Thiên Chúa bỏ qua, lời cầu nguyện của kẻ ấy
dễ được Thiên Chúa đoái nghe. Thế nhưng, ai trong chúng ta cũng thấy rằng tha
thứ cho kẻ xúc phạm đến mình hoặc làm hại mình là một điều rất khó thực hiện.
Trái lại, người ta thường nhớ mãi sự lỗi của kẻ khác và không sẵn lòng bỏ qua,
hoặc người ta sẽ tìm cách trả thù, nhiều khi trả thù cách tàn bạo và dã man,
như nhiều sự kiện trong nhân loại minh chứng.
Để có thể tha thứ, người ta phải có
nhiều cố gắng và vượt nhiều càn trở. Trước hết người ta cần nhớ đến lòng khoan
dung của Thiên Chúa, nhớ đến lời dạy và gương sáng của Đức Giêsu. Lịch sử Cựu
Ước đã minh chứng rằng nhiều lần Thiên Chúa đã nhắm mắt làm ngơ trước lỗi phạm
của con người và để cho họ được tiếp tục sống trên đời, thay vì chấp nhất tội
lỗi của họ và tiêu diệt họ. Đến Đức Giêsu, chẳng những Người dạy các môn đệ
biết tha thứ, tha thứ luôn luôn, cho dù người khác xúc phạm đến mình nhiều lần,
thậm chí phải tha thứ đến 70 lần 7, mà chính Người cũng tha thứ cho những kẻ
xúc phạm đến mình. Cụ thể là Người đã tha thứ cho chính những kẻ đã hành hạ
Người, dẫn Người lên núi Sọ và đóng đinh Người vào thập giá.
Đồng thời, chúng ta cũng hãy nhớ chính
mình là kẻ tội lỗi, kẻ xúc phạm đến Thiên Chúa, giống như mắc nợ với Thiên Chúa,
không phải một món nợ nhỏ, mà là một món nợ khổng lồ, không thể lấy gì mà đền
trả được. Nhất nữa là mỗi chúng ta chỉ là thụ tạo thấp hèn, mà lại giám xúc
phạm đến Thiên Chúa. Một sự xúc phạm rất nhỏ bé phía ta đã đáng bị coi là một
sự xúc phạm tầy đình, vì đây là trường hợp thụ tạo làm mất lòng tạo hóa cao cả,
một bầy tôi thấp hèn xúc phạm một vị Vua cao cả. Một lỗi phạm nhỏ của ta đã như
thế huống nữa những lỗi phạm quan trọng hơn, những vi phạm lớn hơn đối với
những giới răn của Chúa.
Một điều kiện khác giúp ta dễ có lòng
tha thứ hơn, đó là nhớ rằng sẽ có ngày ta phải từ giả cõi thế và trình diện
trước tòa phán xét của Chúa, nơi mọi lỗi phạm lớn nhỏ của ta sẽ bị phơi bầy,
nơi mọi hành vi lớn nhỏ sẽ bị xét xử một cách công minh, trong khi thời gian
hối lỗi và sửa mình không còn nữa. Thiên Chúa sẽ khoan dung đối với kẻ cố gắng
sống một đời đạo hạnh, tránh xa những lỗi phạm đối với người và đối với tha
nhân. Người cũng căn cứ vào cách cư xử của ta đối với tha nhân và lòng quảng
đại đối với tha nhân.
Vậy thời gian chúng ta sống trên đời,
chính là thời gian chúng ta đang thuộc về Đức Kitô. Nói như thánh Phaolô, dù
sống dù chết, lúc nào ta cũng đang quy hướng về Đức Kitô. Quãng thời gian sống
trên đời cũng là thời gian ta chuẩn bị cho mình một tương lai an bình sáng tươi
hay đau khổ và đắng cay, tùy cách sống hiện tại, biết thực thi thánh ý và giới
răn của Chúa, biết sống yêu thương bác ái đối với mọi người và biết chân thành
tha thứ cho tha nhân hay không.
Antôn Trần Thế Phiệt