CHÚA NHẬT MÙA THƯỜNG NIÊN THỨ XXV NĂM A

Quan sát hay suy nghĩ, ta thấy vũ trụ có muôn ngàn màu sắc, tinh tú có muôn ngàn dáng vẻ, nhân loại có hàng trăm ngôn ngữ tiếng nói khác nhau và đời sống con người cũng có rất nhiều lãnh vực khác nhau. Bởi đó việc nhận định hay đánh giá về một vấn đề cũng khác biệt từ lãnh vực này sang lãnh vực khác. Cụ thể là để đánh giá một người là tốt hay xấu, người ta phải biết mình đang căn cứ vào tiêu chuẩn nào.

Trong việc đối xử với kẻ khác hoặc đánh giá về kẻ khác, thường người ta hay dựa vào số lượng hoặc mức hy sinh: ta coi một người cho ta nhiều tiền là tốt hơn một người cho ta ít tiền, ta quý một người làm việc nhiều giờ cho ta hơn một người chỉ làm một ít giờ. Trong lãnh vực lao động, một người cày cuốc khu vườn của ta từ sáng đến chiều thì đáng khen hơn là một người chỉ lao động cho ta được 1 , 2 giờ. Dĩ nhiên có thứ người ta cân đo đong đến được và những thứ không tính toán hay so sánh nhiều với ít. Ví dụ không khí, ánh sáng, nước biển là những thứ mọi người được hưởng chung, ai muốn sử dụng bao nhiêu thì sử dụng, không thể nói người này thở không khí nhiều hơn người kia, hưởng ánh sáng nhiều hơn người kia. Khác với số lượng, diện tích, trọng lượng chẳng hạn là những thứ cân đo tính toán được.

Dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng hôm nay có thể được áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau: một là việc làm thuê cho một ông chủ vườn nho, như thường thấy trong xã hội Do Thái, nơi người ta sống bằng nghê trồng nho. Chắc chắn rất hiếm khi, thậm chí không bao giờ có ông chủ nào lại trả lương cho người vào làm vườn của ông lúc xế chiều bằng với người đã vào làm từ ban sáng. Ở đây Chúa Giêsu muốn nói về tình thương và lòng quảng đại kỳ lạ của Thiên Chúa Cha.

           Hai là dụ ngôn cũng có thể áp dụng cho vấn đề lãnh nhận ơn Cứu độ, lãnh nhận Nước Trời. Những người vào làm vườn nho từ sáng sớm hoặc lúc 6 giờ có thể được hiểu là dân Do Thái, tức là những người đã được biết và tôn thờ Thiên Chúa ngay từ thời Cựu ước, trước Dân ngoại trong thời Tân ước. Những người Dân ngoại này giống như nhóm thợ mãi lúc quá trưa hoặc gần 5 giờ chiều mới vào vườn nho, nghĩa là những người biết Thiên Chúa và phục vụ Người một cách muộn màng. Tuy vậy, Dân ngoại cũng được hưởng tình thương Thiên Chúa và lãnh nhận ơn cứu độ giống như Dân Do Thái.

          Chính đây là điều chứng tỏ Thiên Chúa suy nghĩ và cư xử với con người khác với ngờ tưởng và thói quen của con người. Đối với con người, nhất là nhóm Biệt phái và Luậ sĩ thời Chúa Giêsu, Dân Do Thái được kể là hạng có công và đáng khen đáng thưởng hơn các Dân ngoại đã tin theo Đức Giêsu. Họ không chấp nhận cách cư xử đó của Thiên Chúa, họ khó chịu và phản đối như nhóm thợ thứ nhất trong dụ ngôn đã phản đối ông chủ vườn nho.

          Thế nhưng, nếu suy nghĩ, ta thấy biết bao lần Thiên Chúa đã cư sử một cách lạ đời và khác với nghĩ tưởng của con người, vì Người là Đấng yêu thương và đại lượng, chỉ muốn chứng tỏ tấm lòng dạt dào yêu thương của Người, chứ không căn cứ vào công nghiệp lớn hay nhỏ, sự phấn đấu hy sinh nhiều hay ít để khen hoặc chê.

Đối với chính bản thân mỗi người trong chúng ta, biết bao lần ta cũng được hưởng tình thương lạ lùng của Người, nhờ đó ta được tha thứ, được bình an, chứ không bị loại bỏ hoặc chết tươi và mất Nước Trời đời đời. Có lẽ đến ngày ta qua đời, khi mắt linh hồn mở ra, ta sẽ thấy mình được phần thưởng quá lớn lao, vượt xa công nghiệp và mức đạo đức của ta, giống như nhiều cá nhân cả một đời tội lỗi mà có một thời gian ngắn sám hối, quay về với Chúa, hoặc cả đời là một kẻ ngoại giáo, đến ngày sau cùng hoặc ít giờ phút cuối đời mới trở lại đạo và được rửa tội, trở thành con Chúa trong Hội Thánh. Đọc dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay nhiều lúc ta lấy làm lạ và khó tin, vì trong thực tế ta ít thấy cách đối xử giống như cách trả lương của ông chủ trong dụ ngôn. Thế nhưng thực sự Thiên Chúa đã và đang đối xử với ta như vậy, nghĩa là trong biết bao trường hợp, công nghiệp của ta chẳng có gì đáng kể, nhưng Thiên Chúa lại ban thưởng hậu hỷ, mức hy sinh của ta thật ít ỏi, mà Thiên Chúa dành cho ta một phần thưởng lớn lao. Thậm chí mọi lúc ta chỉ là con người tội lỗi và bất xứng, đáng bị trừng phạt, nhưng lúc nào Thiên Chúa cũng đang tiếp tục tốt lành đối với ta và hết lòng yêu thương ta.

Ta hãy chân thành cảm tạ tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa và can đảm từ bỏ tội lỗi để trở về với Người cũng như thiết tha đền đáp Người, Đấng chẳng những tạo dựng ta để ta hiện hữu trên đời, mà còn thương ban ơn cứu độ và Nước Trời, bất kể ta là người con đạo đức hay bất xứng, sống đẹp lòng Người hay xúc phạm đến Người. Như nhóm thợ cuối cùng đã ngạc nhiên và hân hoan khi nhận được tiền lương ông chủ vườn phát cho, hơn cả ngờ tưởng của mình, ta cũng hân hoan và ca khen cách đối xử đầy tình thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Antôn Trần Thế Phiệt

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A