GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A
Đức Giêsu nói dụ ngôn về hai người con
với thượng tế và kỳ mục trong dân Do Thái thời Ngài. Như thế, ta có quyền hiểu người
con thứ nhất ám chỉ Dân Ngoại, và người con thứ hai ám chỉ dân Do Thái. Trước ý
muốn của Thiên Chúa, tỏ ra bằng nhiều cách như tiếng lương tâm, lời dạy của các
hiền nhân hoặc của các tin ngưỡng, mời gọi người ta tin nhận và tôn thờ Người,
Dân Ngoại đã không muốn nghe theo. Giống như người con trai thứ nhất trong dụ
ngôn, khi nghe người cha bảo đi làm vườn nho, anh ta đã không đi. Ngược lại, khi
người cha bảo người con thứ hai đi làm, anh ta đã có vẻ ngoan ngoãn và mau mắn
nhận lời, thế nhưng anh ta lại không đi.
Ở đây Đức Giêsu muốn nói đến thái độ
của Dân Ngoại và dân Do Thái. Ban đầu, Dân Ngoại không tin nhận và sống theo
lời mời gọi của Thiên Chúa, nhưng khi Đấng Cứu Thế đến, giới thiệu về Nước Trời,
họ đã chân thành nghe lời Ngài. Cụ thể là nhiều nhóm người gốc Dân Ngoại, những
người không thuộc Dân Riêng của Thiên Chúa, đã đến cùng Đức Giêsu, mở lòng
trước lời rao giảng của Ngài. Nhiều cô gái điếm và người thu thuế là hai hạng
người bị dân Do Thái coi thường và cho là không xứng đáng với Nước Trời, đã có
mặt trong đám người nghe Đức Giêsu và sống theo lời giáo huấn của Ngài. Trong
khi đó, hàng lãnh đạo của Dân Do Thái, như thượng tế, kỳ lão, biệt phái, luật
sĩ lại khinh màng Đức Giêsu cũng như lời rao giảng của Ngài. Đến nỗi Đức Giêsu
thẳng thừng tuyên bố với họ: những người thu thuế và gái điếm vào Nước Thiên
Chúa trước các ông.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn cho
thấy điều có tính cách quyết định, đó là thái độ và lòng tin của người ta đối
với Ngài và Thiên Chúa trong hiện tại. Dân Do Thái thường vênh vang về quá khứ
của mình: họ tự hào vì mình đã là Dân Riêng của Thiên Chúa, vì mình đã thuộc về
Dân Chọn, họ tự hào vì có các tổ phụ và các ngôn sứ. Đức Giêsu cảnh cáo họ về
niềm tự hào tự đắc đó. Ngài cho thấy chính việc tin nhận Ngài hiện nay mới là
điều đáng kể, việc sống theo Ngài trong hiện tại mới là điều có giá trị.
Dụ ngôn của Đức Giêsu cũng có thể được
hiểu theo nghĩa rộng hơn và có thể được áp dụng chung cho mọi trường hợp khác.
Khi đó, trước ý muốn mà Thiên Chúa tỏ ra, ai hành động nghĩa là làm theo mới là
người làm đẹp lòng Thiên Chúa, còn kẻ chỉ nói suông mà không có hành động đi
theo lời nói thì chưa phải là người làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Vẫn đề “nói
mà không làm, hay việc làm ngược lại với lời nói” xảy ra nhan nhãn trong đời
sống thực tế. Đây cũng thường là khuyết điểm của biết bao kẻ tin trong đạo
chúng ta.
Lời Chúa hôm nay gợi ra cho chúng ta
nhiều vấn đề như:
+ như cần tránh thói nói hay, làm dở,
nói nhiều làm ít hay tệ hơn chẳng làm gì cả, như người ta nói “mười voi không
được bát nước xáo”
+ cần tập đức tính hứa là làm, thực
hiện những gì mình đã hứa một cách nghiêm túc.
+ nếu thình thoảng sai phạm, ta khiêm
tốn và chân thành sửa sai vì như ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói trong bài đọc một, Thiên
Chúa sẵn sàng tha thứ cho những kẻ có lỗi mà biết sám hối, Người không sử sự
như con người, nghĩa là thường khó tha thứ, khó nhìn nhận thiện chí của kẻ khác
và thường giữ mãi thành kiến đối với một kẻ có lỗi, nhất là một kẻ xúc phạm đến
mình. Ta đừng quên mỗi người chúng ta có thể thay đổi: khi trước ta là người
con thứ hai, nhưng sau đó ta lại giống như người thứ nhất. Hoặc bây giờ ta là
nguiời con thứ hai, nhưng rồi ta sám hối và lại trở nên giống người con thứ
nhất, tức là người con thi hành ý cha mình và làm đẹp lòng Cha mình.
+ đồng thời ta xin cho mình được có
thái độ và lối sống của chính Đức Giêsu: luôn luôn làm đẹp lòng thiên Chúa Cha,
đến nỗi khiêm hạ thẳm sâu, hủy mình ra không, và chấp nhận chết trên thập giá,
để trọn cả đời Ngài chỉ là sống và làm, chứ không chỉ nói suông hay muốn suông
và để trong suốt đời sống của Ngài, Đức Chúa Cha luôn được đề cao trên hết mọi
sự và là tất cả đối với Ngài.
Lm. Antôn Trần Thế Phiệt, DCCT