GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

          Dân Do Thái là dân sống bằng nghê nuôi chiên nuôi cừu và trồng nho. Tùy theo khả năng tài chánh, mỗi gia đình có một vườn nho lớn hoặc nhỏ. Nếu là vườn nho lớn, người chủ vườn thường phải thuê một số thợ làm công hoặc trao cho một tá điền phụ trách, chính người này sẽ lo thuê nhân công, hướng dẫn việc chăm sóc và sau khi thu hoạch, sẽ nộp tô cho người chủ theo thỏa thuận.

Lời Chúa hôm nay nói đến hai vườn nho, mỗi vườn tạo ra cho người chủ một nỗi buồn khác nhau. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, vườn nho thường được dùng để chỉ Dân Do Thái. Đó là theo nghĩa quen thuộc. Với bài đọc một, ta gặp trường hợp một vườn nho không sinh hoa trái theo mong muốn của người chủ. Đây là hình ảnh Dân Chọn của Thiên Chúa. Giống như đối với một vườn nho, Thiên Chúa đã dành sự ưu ái cho Dân của Người: Người đã kén chọn họ giữa muôn dân, đã quan tâm đến họ, đã săn sóc và tạo mọi điều kiện thuận lợi, với mong muốn họ sẽ thành một Dân đạo đức thánh thiện, giúp Người thực hiện kế hoạch cứu độ. Thế nhưng Người đã phải thất vọng vì Dân của mình. Đến nỗi Người sẽ bỏ mặc họ và để xảy ra cho họ nhiều tai họa, như bị mất nước, bị lưu đầy, phải tản mác lưu lạc nơi đất khách quê người, và quê hương của họ trở nên hoang tàn.

Bài Tin Mừng thì nói đến thái độ phản trắc của bọn tá điền, tức là của hàng lãnh đạo mà Thiên Chúa đã chọn để cai trị và hưởng dẫn Dân của Người. Giống như bọn tá điền đầy ác tâm và mưu đồ, hàng lãnh đạo trong dân đã bắt bớ giết hại các đại diện của Thiên Chúa là các ngôn sứ, các kinh sư đạo đức, thậm chí cuối cùng còn giết hại chính Con Một của Người là Đấng Thiên Sai. Hậu quả dành cho hàng lãnh đạo này và cả Dân Do Thái là họ bị gạt ra khỏi Nước Trời, bị tan hoang một lần nữa, nhất là Đền Thờ Giêrusalem bị tàn phá năm 70 sau công nguyên và một lần nữa, Dân Do Thái tản mác đi nhiều quốc gia trên thế giới.

Như vừa nói, đó là nghĩa quen thuộc. Nhưng ta còn có thể hiểu dụ ngôn về vườn nho theo nghĩa rộng hơn. Ví dụ hiểu vườn nho là đời sống hay linh hồn của mỗi cá nhân: mỗi người chúng ta được Chúa coi như một tá điền và Chúa trao cho chúng ta một đời sống, một linh hồn riêng tư để ta phụ trách. Với tư cách là đại diện của Chúa, mỗi cá nhân có nhiệm vụ săn sóc, bảo quản, phát triển chính bản thân mình. Hoặc vườn nho có thể được hiểu là gia đình của mỗi người: người chồng hay người vợ trong mỗi gia đình sẽ giống như tá điền, có bổn phận bảo vệ, săn sóc gia đình mình và phát huy những thói quen tốt khử trừ những tiêu cực, xua đuổi những ảnh hưởng xấu giống như kẻ cướp hay thú dữ đột nhập phá hoại vườn nho tức là gia đình của mình. Ta cũng có thể hiểu vườn nho là những khả năng hay tai cán mà Thiên Chúa trao ban cho ta và ta có nhiệm vụ sử dụng theo mong muốn của Người, giống như sử dụng nén bạc mà Chúa trao. Chúng ta sẽ là những người lười biếng, không làm lợi các nén bạc đó, hay ích kỷ giữ riêng cho mình, hoặc chúng ta sẽ là những người ngày càng làm lợi các nén bạc đã nhận từ Chúa và chia sẻ cho những người khác nữa.

Vậy Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta về nhiều loại hồng ân quý giá Chúa ban cho mỗi người: như sự sống, linh hồn, các khả năng, và nhiệm vụ của chúng ta là sử dụng phát huy sao cho đúng những hồng ân mình đã lãnh nhận. Để đến lúc phải tính sổ trước mặt Chúa, ta sẽ được Chúa khen thưởng vì đã chu toàn nhiệm vụ của mình, đã làm vui lòng Chúa hoặc bị khiển trách loại trừ, vì đã thiếu sót trong bổn phận của mình hoặc đã làm cho Chúa phải thất vọng về mình.

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ A