GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT MÙA THƯỜNG NIÊNTHỨ XXVIII NĂM A

       Lời Chúa hôm nay đề cập đến nhiều bữa tiệc:

+ Trước hết, bài đọc một nói dến bữa tiệc Thiên Chúa thết đãi trên núi Sion: một bữa tiệc đầy thịt béo rượu ngon, với khách mời là muôn dân muôn nước. Bữa tiệc này gợi đến cuộc giải phóng Thiên Chúa thực hiện cho dân của Người bị lưu đầy tại Babilon. Từ khi họ phải rời bỏ quê nhà và bị dẫn về Babilon như một đoàn tù nhân, núi Sion nơi họ cư ngụ từ thế hệ này qua thế hệ khác kể như vị Thiên Chúa bỏ mặc, Cánh Tay của Người không còn bảo vệ, và tình thương người dành cho Dân chọn của Người kể như đã cạn nay Người lại tha thứ và nhìn đến họ. Ngày họ được ra khỏi Babilon, trở về quê cũ, trở thành một ngày hân hoan vui mừng, bắt đầu một cuộc sống no đủ và bình an, không còn phải đói khát hay bị áp bức.

+ Bữa tiệc mà bài Tin Mừng nói là do Nhà Vua tổ chức để làm tiệc cưới cho hoàng tử. Trong Kinh Thánh cách nói này gợi đến bữa tiệc cánh chung, nghĩa là bữa tiệc được Thiên Chúa tổ chức vào thời thế mạt vào thời của Nước Trời. Đây là bữa tiệc vĩ đại, vượt trên mọi bữa tiệc được tổ chức trong nhân loại. Chỉ có bữa tiệc này mới mang lại niềm hân hoan trọn vẹn mà cuộc giải phóng khỏi Babilon chỉ là hình ảnh báo trước. Bởi vì khác với những tiên báo của ngôn sứ I-sai-a, tuy cuộc lưu đầy Babilon chấm dứt thật, đoàn dân tha hương được lên đường về lại Sion và quê hương cũ thật sự, nhưng niềm vui mà họ trải nghiệm đã không kéo dài như họ tưởng khi nghe những loan báo của ngôn sứ: họ không được thưởng thức cao lương mỹ vị, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế hết ngày này qua ngày khác, trái lại không bao lâu, đời sống họ lại vất vả thiếu thốn. Chiếc khăn tang, tượng trưng cho mãnh lực sự chết bao trùm trên Dân Chọn và muôn nước, không được cất bỏ vĩnh viễn, trái lại, người ta lại nối tiếp nhau đụng đầu với đau khổ, sự chết và nước mắt. Người ta có thể nói niềm vui trọn vẹn và mọi diễm phúc mà vị ngôn sứ loan báo, như được dự một bữa tiệc linh đình, được cởi bỏ khăn tang, được cười vui vì được sống lại và vĩnh viễn thoát khỏi đau khổ và sự chết, sẽ chỉ có trong thời thế mạt, thời Nước Trời ngự trị.

+ Như dụ ngôn của Đức Giêsu trong Tin Mừng cũng chứa đựng những chi tiết gợi đến đời sống trong Hội Thánh và bí tích Thánh Thể.

Thật vậy đời sống của kẻ tin trong Hội Thánh cũng có phần giống với một phòng tiệc. Bước vào Hội Thánh khác nào bước vào một phòng tiệc cưới, nghĩa là khi vào. Khách dự phải có áo cưới và ăn mặc tươm tất cùng với tư cách xứng đáng. Đây là những điều tượng trưng cho bí tích Thánh Tẩy, cho tâm hồn trong sách và các nhân đức Kitô giáo. Nếu không lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và nếu có một đời sống bất xứng, người ta có thể bị người chủ tiệc cưới là Thiên Chúa loại khỏi Hội Thánh.

Cuối cùng, dụ ngôn còn ám chỉ đến bí tích Thánh  Thể: đây là một bữa tiệc Nước Trời diễn ra dưới thế, trong thời hiện tại của Hội Thánh. Bữa tiệc này cung cấp cho khách dự thứ lương thực thần thiêng, thứ rượu thơm ngon nhưng vô hình. Bữa tiệc này, tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự Phục Sinh của Đức Giêsu, cũng làm cho ảnh hưởng của sự chết và sự sống lại của Đức Kitô ngày một chi phối đời sống kẻ tin và đẩy lùi ảnh hưởng của tội lỗi và sự chết, để đưa kẻ tin vào sự sống vĩnh cửu.

Vậy khi gia nhập Hội Thánh, lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và bước đến bàn tiệc Thánh Thể, kẻ tin chúng ta vừa chưa có mọi hồng ân của Nước Trời một cách trọn vẹn, vừa bắt đầu nếm biết những hồng ân ấy rồi, ngay trong hiện tại hôm nay. Chúng ta tạ ơn Chúa và cố gắng sống xứng đáng với tình thương của Chúa, với những diễm phúc và thời đại Nước Trời mà Chúa đã mang đến cho ta. Để ta không bị xua đuổi ra khỏi Tiệc vui, trái lại ngày càng được no đầy và mãn nguyện.

  Lm. Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ A