GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT THƯỜNG NIÊN TUẦN XXIX NĂM A
Lời
Chúa hôm nay gợi đến hai vấn đề khá quan trọng:
một là phân định lãnh vực chính trị
với lãnh vực tôn giáo
hai là vấn đề liên quan đến cái nhìn
đức tin và cái nhìn trần tục.
Ta biết Hội Thánh thời Cựu Ước cũng
như Hội Thánh thời Tân Ước là một cộng đoàn sống giữa xã hội. Đời sống của Hội
Thánh đối diện với nhiều sự chi phối, trong đó sự chi phối bởi Thiên Chúa và sự
chi phối bởi xã hội trần thế là hai sự chi phối quan trọng nhất. Có những giai
đoạn Hội Thánh được tự do khỏi sự chi phối của xã hội trần thế hay của chính
trị, trái lại có những giai đoạn trong đó ảnh hưởng của yếu tố đức tin trổi
vượt trên yếu tố trần tục. Cách diễn tả cụ thể là lãnh vực của Thiên Chúa và
lãnh vực của hoàng đế hay nhà nước.
Đoạn
Tin Mừng nhắc lại lần các đại diện của nhóm Pharisêu cùng đi với một số đại
diện của nhóm Hê-rô-đê đến gặp Đức Giêsu và đặt ra cho Ngài một thắc mắc, có ý
gài bẫy Ngài. Họ hỏi Ngài: có được phép nộp thuế cho Xê-da, hoàng đế Rô-ma
không? Đây là thời kỳ đế quốc Rô-ma đang cai trị nhiều quốc gia miền Địa Trung
Hải. Công dân các nước bị đô hộ đều có bổn phận nộp thuế cho Rô-ma, ngoài việc
đóng thuế riêng trong nội bộ tôn giáo của mình. Cụ thể là người Do Thái vừa
phải đóng thuế cho Đền Thờ vừa phải đóng thuế cho Rô-ma, với tư cách là công
dân của đế quốc. Đức Giêsu thấu biết thâm ý của họ, nên Ngài đòi xem một đồng
bạc của đế quốc và khi thấy hình hoàng đế Rô-ma trên đồng tiền, Ngài trả lời:
cái gì của Xê-da thì trả về cho Xê-da,
cái gì của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa. Với câu trả lời ấy, Ngài thoát
khỏi cái bẫy của họ, khiến họ không làm gì được Ngài.
Như vừa nói, rất nhiều khi, lãnh vực xã hội lấn
lướt trên các yếu tố khác trong đời sống tôn giáo. Những lúc này, Hoàng Đế vượt
trên Thiên Chúa, yếu tố chính trị bao trùm yếu tố tôn giáo và đức tin. Để tránh
sự lẫn lộn hay sự nhập nhằng này, dần dần người ta đã tách riêng lãnh vực tôn
giáo ra khỏi lãnh vực chính trị. Sự xác định giữa hai lãnh vực này đã rõ hơn
vào thế kỷ XX, khác với thời Trung Cổ chẳng hạn, có lúc tôn giáo hoàn toàn chi
phối chính trị, đến nỗi Đức Giáo Hoàng trở thành như một Vị Vua đầy uy thế,
người bổ nhiệm các Vị Vua và các quan chức. Ngược lại, có lúc chính quyền trấn
áp tôn giáo và Hội Thánh bằng quyền bính của mình. Ngày nay, tình trạng như thế
ít xảy ra và người công giáo được tự do trong việc sống đức tin của mình. Cũng
như các công dân khác trong một quốc gia, họ vừa phụng thờ Chúa và tuân giữ các
bổn phận của mình với tư cách là người công giáo, vừa tùng phục kính trọng chính
quyền, với tư cách một công dân. Giữa hai lãnh vực và hai bổn phận, không có sự
tranh chấp gay gắt, đến nỗi phải bỏ đức tin để sống tư cách công dân, hoặc
ngược lại phải chống đối chính quyền để trung thành với đức tin của mình.
Một
vấn đề nữa mà Lời Chúa hôm nay gợi đến, đó là cái nhìn đức tin và cái nhìn trần
tục. Đây là trường hợp của sách ngôn sứ I-sai-a đối với vua Ky-rô. Một đàng,
người ta chỉ thấy vua Ky-rô là vị vua giấy lên ở miền Trung Đông vào thời đế
quốc Babilon. Vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, đế quốc ấy đã tung hoành và
đánh bại nhiều quốc gia chung quanh, cũng như bắt nhiều thành phần dân chúng
tại các quốc gia bại trận, đưa về Babilon để làm tù nhân hoặc nô lệ. Từ giữa
thế kỷ thứ 6 vua Ky-rô tiến đánh Babilon và đã toàn thắng. Vua này có đường lối
cai trị nhân đạo hơn và ra lệnh phóng thích những người bại trận đang bị giam
cầm ở Babilon. Đối riêng với người Do Thái, vua còn tạo điều kiện bằng cách cấp
vàng bạc để họ về tái thiết Đền thờ Giêrusalem đã bị đế quốc Babilon tàn phá.
Đây thật là một sự kiện quá bất ngờ và lạ lùng. Ngôn sứ I-sai-a nhìn thấy đó là
sự can thiệp nhãn tiền của Thiên Chúa và nhìn vua Ky-rô như vị vua được sức dầu
và là con cưng của Thiên Chúa. Nói như thế về vua Ky-rô là nhìn vấn đề bằng con
mắt đức tin, khác với cái nhìn trần tục và lịch sử.
Có lẽ
nhiều người khó chấp nhận một cái nhìn như thế, vì muốn cho rằng việc vua Ky-rô
chiến thắng Babilon chỉ là việc do tài cán của vua ấy, chứ chẳng do Thiên Chúa
hổ trợ gì cả. Tuy vậy, theo đức tin, người ta có quyền nói rằng mọi sự mà con
người thực hiện đều là do Thiên Chúa, như có chỗ Đức Giêsu quả quyết một sợi
tóc trên đầu người ta rơi xuống cũng do ý Thiên Chúa. Tuy vậy có lẽ ta nên nói
một cách chính xác hơn, đó là mọi hành vi tốt lành ta thực hiện được đều bởi
tác động và ơn ban của Thiên Chúa. Chỉ có những gì là xấu xa tội lỗi là do con
người, chứ không phải do Thiên Chúa, khi đó nếu Thiên Chúa muốn, người có thể
sửa chữa những sai lỗi của ta, tiêu diệt nó, thậm chí biến những khuyết điểm ta
mắc phải trở nên hữu ích cho phần rỗi của ta.
Vậy
với tư cách là kẻ tin và là con cái của Cha trên trời, Đấng cầm nắm cuộc đời
của ta và cả lịch sử nhân loại, ta được mời gọi đề cao Thiên Chúa trên hết mọi
sự, phụng sự Thiên Chúa hơn mọi kẻ khác và nếu cần hy sinh đến cả mạng sống để
trung thành với Thiên Chúa, chứ không chối bỏ Thiên Chúa để lụy phục hay đề cao
người đời và thế gian. Ta cũng cố gắng tránh xa tội lỗi và ngoan ngoãn sống
theo sự soi sáng hướng dẫn của Thiên Chúa, với xác tín là những khi ta làm đúng,
làm những việc lành là khi Thiên Chúa đang ở với chúng ta, đang cùng hành động
với chúng ta.
Antôn
Trần Thế Phiệt