GIẢNG
LỄ THỨ SÁU TUẦN THÁNH
(tiếp
chủ đề năm 2011 : “ Đức Yêsu, Đấng siêu đẳng…”)
Bầu khí Phụng vụ giờ đây thật trang trọng. Nó
đưa ta về một Ngày rất trang trọng trong lịch sử : đó là Ngày thứ sáu dịp lễ
Vượt Qua xưa kia của người Do thái, cũng là Ngày Đức Yêsu chết treo trên thập
giá.
Ngày thứ sáu ấy rất trang trọng bởi vì đó là
Ngày diễn ra một sự kiện chưa từng có và sẽ ảnh hưởng đến toàn cả nhân loại :
một phạm nhân bị đủ mọi hạng người vây kín, bị giong đi và hành hạ từ nơi này
sang nơi khác, bị điệu đến trước mặt các thượng tế Cai-pha, Anna, rồi đến trước
mặt tổng trấn Philatô. Phạm nhân đó là Đức Yêsu Nagiaret
Cảnh ngộ của Ngài đúng từng chữ với những điều
ngôn sứ Ysaya đã báo trước về Người Tôi Tớ Thống Khổ : “mặt mày Ngài phải tan
nát chẳng ra người – Ngài sẽ bị đời khinh khi ruồng rẫy – Ngài sẽ như kẻ mà ai
thấy cũng che mặt không nhìn – sẽ bị ngược đãi, sẽ như chiên bị đem đi làm
thịt, như cừu sắp bị xén lông”,
Thế nhưng phạm nhân Yêsu ấy chính là Con Một
của Thiên Chúa, vừa là hiện thân của Thiên Chúa vừa là Đấng đại diện cho nhân
loại trước mặt Thiên Chúa và là Đấng liên kết mật thiết với con người.
+ với tư cách hiện thân Thiên Chúa, Ngài sắp
thực hiện công cuộc cứu thế, giải phóng nhân loại khỏi ma quỷ và cảnh đọa đầy
muôn kiếp.
+ với tư cách con người, Ngài đại diện cả nhân
loại để đón nhận và thực thi thánh ý Chúa Cha. Thánh ý hay đường lối Chúa Cha
chính là để cứu thế, Con Một của Người phải đi con đường hẹp, phải mang lấy
phận Người Tôi Tớ thống khổ, do đó Đức Yêsu chấp nhận trải qua muôn ngàn đau khổ. Ngài
cũng liên kết mật thiết với con người qua việc chia sẻ thân phận của con người,
qua việc sống kiếp phàm nhân, như lời thư Do thái, dù cho phải âu lo trước cái
chết, đến “phải lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin
Thiên Chúa cứu thoát” nhất là mang lấy những bệnh tật, những tội lỗi và gánh lấy những đau khổ của chúng ta, đến
nỗi trở thành như Con chiên Vượt Qua chết thay cho nhân loại là đoàn dân bị
khốn đốn, để nhân loại – như dân Israel ngày trước - được lên đường bình an.
Vậy chính lúc mang dáng vẻ một phạm nhân thất
thế và thảm hại lại là lúc Đức Yêsu vẫn là đích thân Thiên Chúa và đang chứng
tỏ một tình thương tột mức cho nhân loại, qua việc đại diện nhân loại, đáp trả
trọn vẹn tình thương và mong muốn của Đức Chúa Cha, qua việc gắn kết đến cùng
với thân phận và cảnh ngộ của con người.
Một bằng chứng và cũng là một biểu tượng của Tình
thương tột mức đó của Ngài sẽ là sự kiện Trái Tim Ngài bị đâm thâu vả chảy đến
giọt nước giọt máu cuối cùng.
Điều xót xa là cũng chính vào hôm Ngài yêu
thương nhân loại hết mức như thế, Ngài không được mấy ai hiểu cho và Ngài hoàn
toàn cô thế cô thân.
Chúng ta vừa nghe bài Tin Mừng kể lại cuộc
Thương Khó của Ngài. Ngài trở thành y hệt con chiên nhỏ bé yếu ớt đứng giữa một bầy sói dữ. Tất cả đều
hùa tập với nhau khủng bố, trấn áp, đe dọa Ngài. Từ hàng lãnh đạo Do thái, đến
chính quyền, đến lính tráng và dân chúng. Tất cả những người nghĩa thiết – như các tông đồ và
những kẻ từng có cảm tình với Ngài - cũng tránh xa và bỏ mặc Ngài. Thậm chí
Yuđa, một tông đồ, còn bán Ngài cho các đối thủ của Ngài và hướng dẫn chúng đến
bắt Thầy nữa. Đứng trên thềm cao ở tiền đường Dinh tổng trấn Philatô nhìn
xuống, Ngài thấy rõ : cả một đám đông nhiều vô kể, đột nhiên một lòng một ý với
nhau, cùng chống lại một mình Ngài. Đối diện với tình thương của Ngài là cả một
mãnh lực Sự Dữ và Sự Tội. Dĩ nhiên đàng sau tất cả mãnh lực đó là Ma quỷ vô
hình, đàng sau tất cả những con người căm thù và hung ác kia là Satan, như
thánh Gioan từng viết về Yuđa lúc y ra khỏi phòng Tiệc Ly để đi bán Thầy : “Đức
Yêsu chấm một miếng bánh, trao cho Yuđa. Y vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền
nhập vào y…Y liền đi ra. Lúc đó trời đã tối.” (Ga 13, 26-30). Đúng lúc Ngài bị
đè bẹp bởi cả một khối nặng của sự dữ như thế thì bên cạnh Ngài, dưới chân thập
giá, chỉ còn Đức Maria với người môn đệ được Ngài thương mến và vài ba phụ nữ.
Thật là chua xót đắng cay cho một vị Thiên Chúa
Tình Yêu. Chưa bao giờ bằng Ngày thứ sáu ấy , Ngài chứng tỏ cho nhân loại thấy
tất cả tình thương siêu đẳng của Ngài –
nhưng cũng chưa bao giờ bằng hôm ấy, số người phản bội Ngài, khinh khi
Ngài là đại đa số, trong khi số người
đáp lại tình thương của Ngài quá ít ỏi. Số người quay lưng lại cho Ngài nhiều
vô kể, còn số người dấn thân vì Ngài chỉ là con số quá nhỏ nhoi.
Mà đó không chỉ là chuyện của một hôm thứ sáu
ngày xưa, nhưng còn là chuyện của cả lịch sử nhân loại và của chính chúng ta
hôm nay. Ai trong chúng ta cũng được Chúa yêu thương tha thiết điên cuồng,
nhưng biết bao lần chúng ta đã từng hờ hững với tình thương ấy, thậm chí còn
hất hủi phản bội.
Chính vì thế giờ đây chúng ta hãy nhìn lên Đức
Yêsu, chân thành sám hối, thực tâm đoan hứa sẽ đền đáp Ngài nhiều hơn. Xin Ngài
thương kéo tất cả chúng ta lên với Ngài, như Ngài từng hứa “Và Ta, một khi Ta
được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (Ga 12,32). Và lát
nữa, khi cúi mình hôn kính Thánh giá, chúng ta cùng nhau dành cho Ngài một tình
mến và một lòng biết ơn sâu xa, vì Ngài đã đành mất mọi sự, kể cả mạng sống, để
cứu chuộc chúng ta và thay đổi thân phận đen tối cho chúng ta.
Antôn Trần thế Phiệt
18.04.2011