THÁNH LỄ TRONG
THỜI GIAN ĐẠI DỊCH
Bài đọc I Ac 3,
17-26
Bài đọc II Rm 8, 31b-39
Tin Mừng Mc
4, 35-41
Hôm nay ngày Chúa Nhật 17 tháng 10 Giáo Hội
Việt Nam muốn dành “là NGÀY TOÀN QUỐC
XIN ƠN CHỮA LÀNH MÙA ĐẠI DỊCH” với Thánh Lễ riêng. Chúng ta cùng hợp ý
qua các bài đọc để nâng cao tâm tình cầu nguyện xứng với Lòng Thương Xót của
Chúa.
Trước hết theo bài sách Ai Ca sự cầu nguyện
phải khởi đi từ nhận thức về những thực tại của thân phận mỏng dòn đã đánh mất
bình an và niềm hạnh phúc, mất cả “Vinh dự và hy vọng … ở nơi Chúa”, chỉ vì
chúng ta rơi vào cảnh “nghèo khổ, lang thang phiêu bạt và những nỗi cay
đắng”, hay nói theo thánh Phaolô chúng ta thực sự rơi vào một trong những hoàn
cảnh “gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay bắt bớ,
gươm giáo”. Và chính bài Tin Mừng cũng muốn nói lên sự thật của cuộc sống của
chúng ta giống như con thuyền các môn đệ đang vật lộn với giông bão “đến nỗi
thuyền đầy nước” hầu như muốn vùi chết tất cả. Chỉ khi thấy thực sự nỗi
khốn cùng của mình, sự cầu nguyện của chúng ta mới có thể tha thiết và thành
tâm.
Tuy nhiên trong mỗi hoàn cảnh bi thương như
thế ngay sách Ai Ca cũng thốt lên được một lời “Chúa là gia nghiệp của
tôi, nên tôi luôn trông cậy nơi Người”. Đó là NIỀM TIN của tác giả
muốn mời gọi chúng ta. Niềm Tin vào “lòng Chúa thương xót không hề chấm dứt, và
lòng từ bi Chúa không bao giờ vơi cạn, nhưng vẫn mới hoài vào mỗi sáng ngày, và
đức thành tín của Người vô cùng cao cả”. Chắc chắn rằng NIỀM TIN của ông đến từ
những chứng từ Kinh Thánh về lịch sử Dân Chúa cho thấy khi dân ông bội bạc,
phạm tội nghịch cùng Chúa đã kéo đến những tai họa và khốn cùng, nhưng khi dân
Chúa sám hối quay về với Lòng Thương Xót Chúa, họ được bình an trước mọi tai
họa.
Trong bài Tin Mừng chính Chúa nói “Sao các con
nhát sợ thế? Các con chưa có đức tin sao?”. Ngài có ý nói họ không TIN vào sự
hiện diện của Người, khi thấy “Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ” và “không
quan tâm đến” nguy cơ sắp chết của các ông. Thực sự ĐỨC TIN của các môn đệ chỉ
có thể mạnh mẽ và kiên vững khi Thánh Thần ngự xuống, khi đó các ông nhận ra
như Phaolô đã nhận ra Tình Yêu của Thiên Chúa “Người không dung tha chính Con
của Người, nhưng đã trao nộp Con vì tất cả chúng ta, lẽ nào Người lại
chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao?”. Từ đó các môn
đệ mới có thể khẳng định “chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, …. dù
hiện tại, tương lai hay bất cứ quyền lực nào, dù chiều cao, … cũng không thể
tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta.”.
Do đó lẽ ra càng trong những cơn hoạn nạn
chúng ta càng phải thấy Chúa đang hiện diện và đang khiến cho “cả gió lẫn biển
đều vâng lệnh Người”. Thực tế trong cơn đại dịch hôm nay còn được mấy ai, mấy
gia đình thực sự quan tâm tìm hiểu xem Chúa có hiện diện với họ để đưa họ được
tới bến bờ bình an?
Cho dù không được tụ tập, không có Thánh Lễ,
nhưng có ai cấm chúng ta mỗi cá nhân hay gia đình đến với Chúa một cách âm thầm
và kín đáo đâu. Có thể gia đình chúng ta vẫn có bình an, nhưng còn biết bao gia
đình đang quằn quại trong mất mát và đau thương cần sự cầu nguyện của chúng ta.
Chớ gì lời cầu nguyện trong bài sách Ai Ca
luôn vang lên trong tâm hồn và trên môi miệng chúng ta “Chúa đối xử tốt lành
với những kẻ trông cậy Chúa, với những tâm hồn luôn kiếm tìm Người.”