Chúa Nhật Tuần XXXI TN 2021
Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay đều đề cập đến việc
phải hiểu thế nào về “các giới răn” mà Thiên Chúa đã ban cho Dân Ngài qua Môsê, cũng là
giúp chúng ta hiểu thế nào về Giáo Lý của Hội Thánh.
Trước hết các Giới Răn hay Giáo Lý Hội Thánh là điều
mà Dân Chúa phải “tuân giữ mọi ngày trong đời sống” để “được sống
lâu dài… được phần phúc và sinh sản ra nhiều”. Thế nhưng phải hiểu và sống
như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Người luật sỹ trong bài Tin Mừng đã bày
tỏ Ý KIẾN KHÔN NGOAN “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên
Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết
lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ
vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Và có lẽ không ít người tín hữu hôm nay cũng có sự
hiểu biết sâu sắc và phong phú về GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH. Và không ít người
trong số họ đã có thể thưa với Chúa như một luật sỹ đã từng thưa với Người rằng
anh đã giữ những điều ấy ngay từ thuở nhỏ.
Nhưng như thế đã đủ để có thể vào NƯỚC THIÊN CHÚA
chưa?
Câu trả lời của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay thật
đã làm cho người luật sỹ phải ngạc nhiên, và đang để chúng ta phải suy nghĩ “Ông
không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”, vì tuy “không còn xa” nhưng vẫn chưa vào được “Nước
Thiên Chúa”.
Lý do là vì CÁC GIỚI RĂN hay GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH hay
nói cách khác MỌI LỀ LUẬT dù trong thời Cựu Ước hay trong thời Tân Ước không chỉ
là bàn về một lối sống, nhưng trước hết là nói “về ĐỨC GIÊSU KITÔ”, ĐẤNG CỪU ĐỘ,
cũng là chính NƯỚC THIÊN CHÚA “đã ở gần” và sẽ được kiện toàn trong ngày cánh
chung. Thánh Phaolô đã viết trong thư gởi tính hữu Epheso tất cả đều “là kế
hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời
gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.”
Ngay cả một cơ chế có thể nói được tôn kính nhất trong
Dân Chúa trong thời Cựu Ước cũng như trong thời Tân Ước đó là CƠ CHẾ CÁC TƯ TẾ
thì thư Do Thái cũng vừa nói “có nhiều người làm tư tế , vì lẽ
sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Đức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời,
nên Người có một chức tư tế hằng hữu” và do đó “Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn
những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa”.
Vì không hiểu mọi Lề Luật, mọi Giáo Lý là phải đưa con
người đến GẶP ĐỨC KITÔ và ĐI THEO NGƯỜI mà luật sỹ, tư tế, hay cả chúng ta nữa
cũng sẽ còn Ở NGOÀI Nước Thiên Chúa.
Để gặp được Đức Giêsu và đi theo Người, chúng ta cần
biết Người là Ai, và NGƯỜI ĐÃ SỐNG thế nào? Lời thư Do Thái có hai cụm từ mà
các Tin Mừng đều khai triển cặn kẽ : Người là “NGƯỜI CON HOÀN HẢO” và đã “HIẾN
DÂNG CHÍNH MÌNH” làm CỦA LỄ dâng lên Thiên Chúa để “đền tội lỗi
dân chúng”. Nói cách
khác Người là Đấng đã đến để kiện toàn mọi Lề Luật trong một TÌNH YÊU TUYỆT ĐỐI
đối với Thiên Chúa và đối với loài người.
Và đó chính là sự khác biệt hoàn toàn về sự hiểu biết
và sống Lề Luật hay Giáo Lý giữa Chúa Giêsu và các luật sỹ, và có lẽ cũng khác
biệt với đa số chúng ta hôm nay. Với luật sỹ và chúng ta thì Lề Luật là những
gì khống chế tư tưởng, lời nói, việc làm, còn nơi Đức Giêsu đó là TÌNH YÊU SỐNG
trong TÌNH YÊU THIÊN CHÚA.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên