GỢI Ý GIẢNG LỄ CN 24 B
Thông thường con người nào cũng ớn sợ khổ cực, gian khó và ưa thích sự dễ
dãi sung sướng. Đồng thời nhiều kẻ tin Chúa cũng thường thầm mong là đi theo
Chúa, mình sẽ được sung sướng và khó hiểu vì sao theo Chúa mà phải khổ, vì sao
những kẻ được Chúa yêu thương mà phải trải qua nhiều khốn khó.
Bởi đó biết bao người Do thái thời Cựu ước chắc chắn đã không hiểu được
số phận long đong của Người Tôi Tớ Yavê mà sách Ysaya nói đến. Họ vừa không
biết Người Tôi Tớ đó chính xác là ai, vừa không thể chấp nhận một Tôi Tớ của
Yavê, một người được Yavê kén chọn,, quý mến, trao sứ mạng lớn lao mà lại sẽ bị
dập vùi trong hành hạ khổ đau.
Đối với chúng ta là các Kitô hữu, Người Tôi Tớ đó chính là Đức Yêsu, vì
nhiều nét mô tả về Người Tôi Tớ rất đúng cho Đức Yêsu và chỉ hợp cho một mình
Ngài. Ngài cũng phải đau khổ, đến nỗi bị kết án, bị treo trên thập giá. Sớm hay
muộn, Ngài cũng phải tỏ cho con người biết điều đó. Ngài biết việc loan báo sự
thật này là điều rất khó chấp nhận đối với các Tông dồ và người Do thái thời
Ngái. Bởi đó phải chờ đợi một thời gian, kể từ khi Ngài chọn gọi các Tông đồ và
cho cùng chung sống bên Ngài, phải chờ đợi đến khi các ông có một sự hiểu biết
về Ngài dựa vào những lời dạy, những phép lạ và lối sống của Ngài, nhất là chờ
đợi lúc Chúa Cha soi sáng nơi tâm trí các ông, Đức Yêsu mới đặt với các ông câu
hỏi “ Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?”, buộc các ông xác định suy nghĩ và
nhận thức của các ông về con người Ngài. Việc Chúa Yêsu đặt câu hỏi này và
Phêrô trả lời theo hiểu biết của ông là biến cố rất quan trọng, là khúc quặt
lớn trong quá trình các Tông đồ đi theo Chúa. Theo các nhà chú giải, biến cố ấy
nằm chính giữa cuốn Tin Mừng Maccô, phân chia cuốn Tin Mừng Maccô thành hai :
phần đầu là giai đoạn Chúa đào luyện dẫn dắt các Tông đồ để các ông nhận biết
Ngài và có thể trả lời cho câu hỏi của Ngài và tuyên xưng Ngài là Đức Kitô. -
phần thứ hai là giai đoạn Chúa đưa các ông đi sâu vào tinh thần và đường lối
của Ngài, nghĩa là đi sâu vào sự thật Ngài sẽ chịu chết và sống lại.
Dĩ nhiên việc Đức Kitô, nghĩa là Đấng Thiên sai, Đấng được Thiên Chúa xức
dầu mà phải chịu đau khổ mãi mãi là một màu nhiệm đối với trí khôn con người.
Người Do thái đã luôn chờ đợi Ngày Đấng Thiên sai đến, đã luôn nghĩ và mong về
Ngài như một Vị oai hùng, sẽ lên cai trị đất nước, sẽ giải phóng dân tộc và
mang lại một tương lai huy hoàng. Khi lờ mờ đoán biết Ngài là Đấng Thiên sai,
khi nhận thấy Ngài hơn hẳn các ngôn sứ, các kinh sư, họ đã vô cùng phấn khởi.
Nhưng khi Ngài mạc khải sự thật về tương
lai của Ngài, các tông đồ chắc hẳn đã vỡ mộng và thất vọng.
Chúng ta cũng thử đặt vấn đề : Tại sao Đấng Thiên sai phải chịu đau khổ ?
Người ta có thể dựa vào những lý luận như : tại vì đời người là bể khổ, chứ
không phải lúc nào cũng toàn là màu hồng và sung sướng - ở đời, thất bại thường
là mẹ thành công - ở đời, có công mài sắt có ngày nên kim – hạt giống được gieo
xuống đất có thối đi mới sinh nhiều hoa trái…nhưng người ta vẫn cảm thấy căn cứ
vào những thực tế ấy, thắc mắc của mình vẫn chưa dược thỏa mãn. Vấn đề khó hiểu
vẫn còn đó. Tại sao Đức Kitô, Con của Thiên Chúa quyền năng và đầy tình thương
mà lại phải đi xuống mức cùng của đau khổ như thế. Chính tông đồ Phêrô không
hiểu nổi, không chấp nhận được đã phải phản ứng lại mạc khải đó của Chúa.
Có lẽ chúng ta sẽ hiểu được phần nào khi suy nghĩ rằng :
+ sở dĩ Đức Kitô phải chịu đau khổ vì Ngài là Con Đức Chúa Cha, mà là Con
chí hiếu, chỉ luôn làm theo thánh ý Cha hoàn toàn, chỉ muốn được hy sinh mọi sự, kể cả hy sinh đến
mạng sống vì Chúa Cha. Theo kế hoạch và
ý định của Chúa Cha, việc cứu chuộc nhân lọai phải đi qua dau khổ : do đó, Đức
Yêsu tuân theo thánh ý đó của Cha Ngài và sãn lòng thi hành tuyệt đối,
+ sở dĩ Đức Kitô chịu đau khổ - nói như đoạn thư thánh Giacôbê – vì Ngài
đầy tình mến, đầy niềm tin yêu đối với Chúa Cha, và chỉ muốn thể hiện trọn vẹn tình
mến và niềm tin yêu đó. Ngài là Đáng đã có đời sống đi đôi với tâm tình tin
mến, đã có niềm tin được minh chứng bằng việc làm.
xxx
Vậy sau khi nghe mạc khải của Chúa về cuộc khổ nạn phục sinh, ta xin ơn
được hiểu biết tinh thần của Chúa, con đường Chúa đi để quảng đại và vững tâm
bước theo Ngài, xác tín rằng đã có Ngài đi trước mở đường cho chúng ta và mọi
lúc đang ở bên cạnh nâng đỡ chứng ta – xin ơn biết đón nhận những thử thách
Chúa gởi đến với thái dộ tùng phục thánh ý Chúa – cũng như biết dùng đời sống minh
chúng niềm tin và tình mến của mình đối với Chúa, làm cho hành động đi đôi với
đức tin, chứ không chỉ tin chỉ biết Chúa suông, chỉ tuyên xưng về Chúa ngòai
môi ngoài miệng.
Antôn Trần thế Phiệt