ĐỨC YÊSU, SỰ KHÔN NGOAN

ĐÁNG ƯỚC MƠ VÀ TÌM KIẾM

(gợi ý giảng lễ CN 28 năm B)

 

Những Chúa nhật này, chúng ta đọc Tin Mừng Maccô đến thời điểm Đức Yêsu  chuẩn bị thiết lập Nước Trời  và Ngài đang giới thiệu Nước Trời như Giá trị trổi vượt trên  mọi giá trị.

 

+ Trước khi Chúa đến, trong thời Cựu Ước, sự Khôn Ngoan là giá trị cao quý nhất, là đối tượng bao người Do thái ước mơ.

-          sở dĩ thế, có lẽ vì Dân Chọn luôn nhớ rõ và tự hào về Vua Salômôn của họ - một vị Vua đã xây cất Đền thờ Yêrusalem nguy nga – vị Vua đã tổ chức Quốc gia thật tài tình và sự thông thái vượt bực được đồn thổi khắp miền Trung Đông thời đó, đến nỗi nữ hoàng Saba của một quốc gia sang trọng giàu có, đã đích thân đến Israel vì mong ước được tận mắt chiêm ngưỡng tài tổ chức quy củ và diện kiến, đàm đạo với vị Vua nổi tiếng.

-          rồi vì Dân Do thái có dịp tiếp xúc với những dân tộc khác, khi giao dịch hoặc khi bị lưu đầy đến các quốc gia xa lạ, ngạc nhiên trước những tư tưởng, những tác phẩm đầy khôn ngoan của họ,

-          Do ảnh hưởng từ những tiếp xúc đó, đồng thời do sự linh ứng của Chúa, sách Khôn ngoan ra đời, ca tụng sự Khôn ngoan, mô tả về sự Khôn ngoan như một Ngôi Vị, khiến người ta nghĩ sách đó báo trước về Ngôi Lời hay về Chúa Thánh Thần.

 

 + Đến khi Đức Yêsu xuất hiện, Ngài hé lộ cho thấy Nước Trời còn là thực tại vượt xa sự Khôn ngoan nữa và chính Ngài là sự Khôn ngoan bằng xương bằng thịt. Từ đây, kẻ khôn ngoan thật

-          không còn phải là người thông minh, sáng trí

-          không còn phải là người có khả năng thực hiện những công trình lớn lao dưới cõi thế, nhưng là người biết tìm kiến Nước Trời, biết đâu là cách thức, điều kiện, đường lối đạt đến Nước Trời

 

   Theo nghĩa này, Biệt phái Luật sĩ dựa vào sự Khôn ngoan của mình,  cố gắng tìm Thiên Chúa và đạt Nước Trời  bằng giữ luật là chưa đủ.  Người thanh niên “giữ các giới răn từ thuở nhỏ“ , ước ao có kẻ chỉ cho mình biết làm cách nào để được sự sống đời đời là chưa đủ. Người giữ luật kỹ càng, giàu có cách chính đáng, không làm hại gì ai, nhưng chưa quảng đại giúp đỡ kẻ nghèo là chưa đủ. Vẫn  còn tự mãn với việc mình tuân giữ được các giới răn, vẫn cho rằng đời mình không có chi đáng trách và xứng đáng đạt tới Nước Trời là chưa đủ. Không  dám từ bỏ các quan niệm của mình (chỉ là những quan niệm của người phàm), không dám từ bỏ sự giàu sang để đi theo Đức Yêsu  là chưa đủ, chưa khôn ngoan, chưa đạt sự sống đời đời.

 

Để đạt đến Nước Trời, người ta phải từ bỏ mọi sự, chỉ còn đến với Đức Yêsu, dặt niềm tin tưởng hoàn toàn nơi Đức Yêsu, và như gợi ý của thư Do thái, người ta phải đưa Lời Chúa vào đời sống, thấm nhuần Lời Chúa, để cho Lời Chúa giúp thấu suốt mọi ngõ ngách, mọi bí ẩn của tâm hồn – vì Lời Chúa sắc bén như lưỡi gươm, phân rẽ xương với cốt – để Lời Chúa giúp thấy rõ những điểm mình còn thiếu sót, còn lệch lạc, nhờ đó con dường dẫn đến Nước Trời được khai quang, không còn trở ngại.

 

Vậy Chúa Yêsu đã xuất hiện như Nước Trời và như sự Khôn ngoan – chính Ngài là Nước Trời, chính Ngài là sự Khôn ngoan, là Giá Trị  tối thượng, vượt mọi giá trị mà con người có thể biết và muốn theo đuổi. Xin Ngài ban cho ta xác tín chắc nịch rằng Ngài là tất cả và do đó ta sẵn sàng từ bỏ mọi sự để có Ngài, để chiếm được Ngài, cũng như người thời Cựu Ước từng một thời – thật đáng khen, nhưng còn sai lầm -  chỉ hướng về sự Khôn ngoan  như Giá trị tối thượng  của họ, như Lý tưởng và Ước mơ tột đỉnh của họ. Bởi lẽ trong thời đại Nước Trời mà Đức Yêsu khai trương, khôn ngoan thật chính là biết xây đời sống trên nền Yêsu và thâm tín rằng chỉ như thế, đời sống mới vững vàng tồn tại trước mọi phong ba, như căn nhà được xây trên nền đá (Mt 7,24-25) ; khôn ngoan thật chính là luôn can đảm hy sinh tất cả và  sẵn sàng, để đón chờ Đức Yêsu, quyết không để mất Ngài, xa Ngài, giống như thánh Phaolô “vì Đức Kitô, tôi đành mất hết và coi tất cả như không đáng kể, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người”  

( Pl 3,8-9) hoặc như 5 cô trinh nữ khôn ngoan được Đức Yêsu nói đến trong một dụ ngôn (Mt 25), lúc nào cũng dầu đèn sẵn sàng, để không hụt mất Tiêc Cưới hân hoan.

 

Antôn Trần thế Phiệt DCCT

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ B