CHÚA NHẬT 31 B TRONG NĂM ĐỨC TIN

 

Theo bố cục và diễn tiến trong Tin Mừng Maccô, sự kiện ông kinh sư gặp Đức Yêsu xảy ra sau hôm Đức Yêsu long trọng vào thành Yêrusalem  và trước hôm Ngài bị bắt. Tình hình lúc đó và liên hệ giữa các nhóm với Đức Yêsu đang rất căng thẳng. Nhóm Biệt phái, Luật sĩ  thì ngày càng thù ghét Ngài hơn, cố rình mò và chờ cơ hội khử trừ Ngài. Một số nhóm khác thì muốn được biết quan điển của Ngài đối với các vấn đề đang tạo mâu thuẫn hay tranh cãi giữa họ với nhau.

Vị kinh sư đến gặp Đức Yêsu lần này vừa muốn biết ý kiến của Chúa vừa để xem Chúa theo chiều hướng nào, Chúa có theo đúng truyền thống đang có trong Dân Chọn hay không.  Người ấy hỏi Ngài : “Trong mọi điều răn (613 điều) điều răn nào đứng hàng đầu ?”  Đức Yêsu trả lời bằng chính lời kinh  mà người Do thái thuộc làu làu  và đọc hằng ngày, lấy từ  lời dạy của Môsê trong sách Thứ Luật. Lời kinh này cùng với những giáo huấn khác  của Môsê đã được Dân Chọn ghi nhớ, trân trọng, chuyển đạt  từ đời cha ông sang đời con cháu, tạo thành “truyền thống Môsê” mà  điểm nền tảng chính là  tin nhận, tuyên xưng Yavê là Thần Linh độc nhất và là Thần Linh không những của Dân Israel, mà còn là của mọi dân tộc, của cả vũ hoàn, ngoài Người ra  không có Thần nào khác và con người  phải tôn thờ yêu mến Người  hết sức lực, hết trí khôn, hết linh hồn.

Rõ ràng qua câu trả lời của Ngài, Đức Yêsu đã chứng tỏ Ngài tôn trọng truyền thống Môsê, và Ngài là một tín hữu chính thống  trong Đạo Dothái.

Thế nhưng liền đó,  Ngài còn cho thấy Ngài không phải    một cậu học trò thuộc bài và trả lời không vấp váp,  mà còn hơn thế, Ngài là vị Thầy của muôn dân. Do đó Ngài thêm giới răn “ Ngươi phải yêu mến đồng loại như chính mình ngươi”, rút từ sách Lêvi. Điểm đặc sắc của Ngài chính là nối kết 2 luật “mến Chúa” và “yêu người” thành 1 luật duy nhất, qua đó Ngài mở ra một hướng mới, đó là  mến Chúa phải đi liền với đời sống bác ái, với yêu thương tha nhân – phải nối liền phụng vụ, việc đạo đức, kinh kệ ở nhà thờ, tâm tình mến Chúa trong trí, đôi khi chỉ là lý thuyết…với yêu mến người khác như chính bản thân mình.

Thế là Đức Yêsu vừa thỏa mãn thắc mắc của vị kinh sư, vừa mở ra trước mặt ông một con đường mới, có thể nói thiết lập một “truyền thống vẹn toàn”, một truyền thống có đủ 2 vế (Thiên Chúa và tha nhân), không còn khập khiễng như kẻ chỉ đi bằng một chân. Đó sẽ là “truyền thống” còn vượt hơn cả truyền thống  mà giới kinh sư, luật sĩ vẫn dạy người dân của họ.

 

+ Chúng ta vừa bước vào Năm Đức tin. Nghe các bài Kinh thánh hôm nay

·         chúng ta thán phục Đức Yêsu và các tín hữu Đạo Do thái, đã luôn bảo tồn truyền thống của Đạo mình và đời cha không hề xao lãng bổn phận ghi khắc. chuyển đạt truyền thống đó cho đời con, nhờ đó mặc dù đụng phải  biết bao thử thách, thăng trầm suốt lịch sử, Đạo của họ vẫn tồn tại… - để từ đó, chính chúng ta cũng ý thức bổn phận quan trọng của mình    lo sống đạo vững vàng và dạy giáo lý cho con cháu, để chúng hiểu về Chúa và nối tiếp chúng ta sống đạo, truyền đạo

·         thứ hai, khi nhắc lại “truyền thống độc thần” của Đạo Do thái, chúng ta tự hỏi xem hiện nay, chúng ta có kính thờ Chúa một cách chân thành và hết lòng không, hay là  chúng ta đang thờ cả những thần khác như tiền bạc, tình, chức quyền

·         thứ ba, trong việc  sống đức tin,  chúng ta có biết vừa sốt sắng trong nhà thờ và siêng năng trong các việc đạo đức, lắm khi đọc kinh rang rang lâu giờ, vừa quảng đại yêu thương giúp đỡ anh chị em khác như Chúa nối kết hai luật “mến Chúa và yêu người” thành một hay không ?

 

Xin Chúa Thánh Thần và  Đức Yêsu, vị Thượng Tế đời đời của Đạo Mới, nâng đỡ chúng ta.

 

       Antôn Trần thế Phiệt DCCT