CHÚA NHẬT 34 NĂM B
ĐỨC KITÔ VỊ VUA HIẾN MẠNG SỐNG VÌ PHẦN RỖI LOÀI NGƯỜI
Điểm thứ nhất: Đức Kitô Vua khác hẳn và vượt trên mọi tưởng nghĩ
thong thường của chúng ta về các vua chúa, các hoàng đế.
Nói đến Vua hay Hoàng đế,
người ta nghĩ ngay đến một vị vua cao sang, nghĩ đến một quyền hành lớn lao,
nghĩ đến những cung điện lộng lẫy, những dinh thự nguy nga. Thế nhưng địa vị và
quyền hành của các vua chúa trần gian gắn liền với thân phận hữu hạn của con
người hoặc với nhiệm kỳ, với triều đại,
nghĩa là chỉ tồn tại một số năm tháng chứ không kéo dài vô tận. Trong khi Đức
Kitô Vua- như thị kiến của ngôn sứ Đanien- nhận một quyền hành siêu vời và tồn
tại muôn đời. Bởi vì Ngài nhận địa vị và quyền hành siêu vời ấy trên cõi trời,
từ tay vị Bô Lão, tức là chính Thiên Chúa, để cai trị trên tất cả các dân tộc,
chi họ, tiếng nói, để lãnh nhận một quyền năng vĩnh cửu và một vương quốc không
khi nào bị phá hủy. Như thế Đức Kitô- Vua trổi vượt ngàn trùng về địa vị so với
các vua chúa trần gian.
Điểm thứ hai: trong khi các
vua chúa và các hoàng đế đạt đến địa vị
cao sang, thường chỉ lo sao được vinh thân phì gia hơn là chí thú với hạnh phúc
của người dân- chỉ lo củng cố địa vị, bành trướng thế lực- chỉ lo truy diệt địch
thủ…thì Vua Giêsu chỉ canh cánh một điều, đó là cứu độ nhân loại, bằng cách
dùng máu Ngài rửa sạch tội lỗi con người, để nhân loại trở nên con cái và vương
quốc của Thiên Chúa Cha. Vua Giêsu đã khác hẳn các vua chúa trần gian về chương
trình hành động, về thao thức, về chủ đích của đời sống. Và đặc biệt nhất, Đức
Giêsu đã chỉ nhận lấy cương vị một vị Vua, đã chỉ bước lên ngai vàng khi Ngài
đi vào cuộc Khổ Nạn, hy sinh mạng sống mình vì nhân loại. Đoạn Tin Mừng Gioan vừa
nhắc nhớ lại cho ta lúc Chúa Giêsu bị điệu đến trước Philatô với tư cách một phạm
nhân sắp bị kết án và bị giết. Chính lúc đó lại là lúc Ngài nhìn nhận mình là
Vua, khiến Philatô cho đóng trên đầu cây
thập giá “ Giêsu Nazaret Vua Dân Do Thái”. Ngài đã chỉ nhận mình là Vua khi hy
sinh mạng sống vì yêu thương
Đức Kitô Vua chúng ta thật
là vị Vua độc nhất vô nhị, vừa siêu vời tuyệt đối, vừa khiêm hạ và quảng đại vô
biên.
Cùng với Giáo hội, trong tuần
cuối cùng của một Năm Phụng Vụ, chúng ta xin dành cho Đức Giêsu địa vị cao vời
nhất và trung tâm nhất trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta thẳm sâu kính tôn
Ngài cùng với tất cả vũ hoàn, tất cả các dân tộc như lời thư Do Thái. Nhất là
chúng ta thiết tha yêu mến Ngài, chiêm ngắm cách sống khiêm nhường, từ bỏ, hy
sinh tận tuyệt của Ngài và thể hiện trong cuộc sống, để xứng đáng là thần dân của
Vị Vua đã hy sinh tất cả vì phần rỗi và hạnh phúc đời đời của chúng ta.
Antôn. Trần Thế Phiệt, DCCT