Chúa Nhật II Thường
Niên Năm B
Anh chị em và các gia đình trẻ thân
mến,
Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay là
những câu chuyện về những con người cụ thể như Samuel, như Anrê, như Simon, hay
như các tín hữu Corintô, đó cũng là từng con người trong mỗi gia đình hôm nay.
Đứng về mặt xã hội trần thế mà nói tất
cả và mỗi con người đều có một lý lịch cá biệt theo cách nhìn của những người
xung quanh : Samuel chỉ là một cậu bé được cha mẹ dâng vào phục vụ trong đền thờ
dưới sự hướng dẫn của Thấy Thượng Tế Heli, Anrê là em của Simon trong gia đình
thuyền chài ở Galilê. Các tín hữu ở Corintô với những hoàn cảnh xã hội khác
nhau nhưng có chung một danh hiệu đó là các Kitô hữu.
Tuy nhiên mỗi con người khi có sự
can thiệp của Thiên Chúa đều đã có một định mệnh, một sứ vụ, một cuộc sống hoàn
toàn thay đổi : Samuel chẳng hạn, sau khi đáp lại Lời Chúa gọi bằng lời “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe” thì Kinh Thánh nói “Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu
không để rơi mất lời nào của Chúa” để rồi sẽ trở thành một Đại Tiên Tri trong
Israel.
Hay như Anrê cách riêng Simon khi gặp
gỡ Chúa lập tức sự thay đổi đã được chính Chúa sắp đặt khi đổi tên cho ông “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là
Kêpha, nghĩa là Đá”. Để rồi từ đó các ông phải “trở thành những kẻ chài lưới người”,
và riêng Simon với tư cách là Phêrô là “Đá” sẽ trở thành nền móng của
Hội Thánh Đức Giêsu.
Và các tín hữu Corintô nhờ bí tích rửa
tội thì ngay cả thân xác họ cũng đã mang một định mệnh mới “thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô” và “thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần” đến nỗi “anh em không còn thuộc về chính mình” “Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn”. Và do đó các tín hữu phải
có cuộc sống mới, là phải “tôn vinh Chúa
trong thân xác anh em”.
Từ đó các gia đình, do bí tích hôn
phối họ lãnh nhận từ Đức Giêsu, thì đời sống hôn nhân và gia đình của họ cũng
được thay đổi và có sứ vụ mà thánh Phaolô nói hôn nhân của
họ chính là mầu nhiệm hôn nhân giữa Đức Kitô và Hội Thánh Người, để làm nên Hội
Thánh tại gia của Chúa.
Chúng ta thấy giữa cách nhìn của Lời Chúa với cách nhìn của
trần gian chúng ta về phẩm chất, định mệnh, sứ vụ của mỗi con người cụ thể có
những khác biệt lớn lao đưa đến hai lối sống và ứng xử khác nhau mà thánh
Phaolô gọi là một lối sống theo Thần Trí của Chúa và một lối sống tội lỗi dù
ngoài hay trong thân xác.
Muốn có lối sống theo Thần Trí thì điều kiện cũng rất cụ
thể như Tin Mừng vừa đề nghị qua lời của chính Chúa Giêsu “Hãy đến mà xem” và “Họ đã
đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”. Ngày xưa thì người ta có
thể đến và xem cùng ở lại với con người Giêsu tại thế. Ngày nay chúng ta vẫn có
thể đến, xem, và ở lại với Chúa Giêsu cách đặc biệt cụ thể trong Bí Tích Thánh
Thể, và trong những con người bé mọn là người nghèo, là những kẻ bị loại trừ, bị
tù đầy, bị bách hại vì chính nơi những con người này Thiên Chúa và Chúa Giêsu
luôn “mạc khải cho … biết những mầu nhiệm nước trời”.
Vì thế, thưa các gia đình trẻ, chúng ta cần trân trọng phẩm
giá, định mệnh và sứ vụ của từng người trong gia đình theo Thần Trí Thiên Chúa,
và phải hết lòng giúp mỗi người trong gia đình phát huy phẩm giá đó bằng việc
hãy cùng nhau “đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người” trong bí tích Thánh
Thể và nơi người nghèo của Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên