CHÚA NHẬT 13 TN 2018

 

Anh chị em và các gia đình trẻ thân mến,

Lời Chúa anh chị em vừa nghe đặt mỗi gia đình chúng ta đối diện với những thực tại luôn gây ra những lo lắng trong mọi gia đình : sự chết, sự sống, nghèo, giàu, những áp lực từ dư luận, đòi hỏi của đức tin… và thực tế chúng ta luôn luôn phải chọn lựa một cách ứng xử…Những chuỗi ứng xử như thế làm nên hành trình cuộc sống mà thực tế chúng ta luôn thấy hành trình dường như chỉ đưa chúng ta vào những bế tắc, vào trong bóng đêm của sợ hãi, của sầu buồn.

Lời Chúa đề nghị với các gia dình một cách ứng xử phát xuất từ nhận thức :

1.   Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn”. Lịch sử 5000 năm Cựu Ước và hơn 2000 năm Tân Ước cho thấy Thiên Chúa đã luôn chứng thực Tình Yêu của Người khi bằng mọi giá Người muốn cho con người được sống và sống viên mãn, dù đã phải hy sinh chính Con Một Người để giải thoát chúng ta khỏi bóng ma sự chết và khổ đau.

2.   Qua lịch sử đó cách ứng xử của Chúa hoàn toàn khác với cách ứng xử của loài người được chính Con Một Ngài thể hiện mà thánh Phaolô ghi nhận cách vắn gọn “lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có”. Không có cái nghèo nào vượt qua được cái nghèo của sự chết. Chúng ta thường nói “chết là hết”. Chúa Giêsu đã mang lấy sự chết của chúng ta, cùng với mọi hệ lụy của nó, để tiêu diệt sự chết trong sự phục sinh của Người, hầu có thể tái sinh chúng ta vào SỰ SỐNG VĨNH CỬU. Chúng ta cũng được mời gọi đi theo cách ứng xử này “sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em”, thậm chí chấp nhận chết thay cho anh chị em mình, hầu cho họ được sống. Chúng ta biết đó là cách ứng xử của TÌNH YÊU đem lại SỰ SỐNG VĨNH CỬU. Trong năm thánh tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta có nhiều dịp để chiêm ngưỡng những chứng nhân của lối sống bởi TÌNH YÊU này nơi các tổ tiên trong Đức Tin của chúng ta.

3.   Cái chết và mọi hệ lụy của nó đều “bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian”. Có lẽ đa số các gia đình đều có thể có nhận thức như thế, cũng như biết bao người Do Thái trước và đương thời với Chúa Giêsu cũng đã nhận ra sự hoành hành của quỷ satan : gieo tắc bệnh tật, gieo rắc tội lỗi, và kềm hãm con người trong sự chết. Nhưng ít gia đình có thể nhận ra được chỉ có Chúa Giêsu mới có thể giải thoát cho họ giống như nhận thức của ông Giairô hay của người đàn bà dân ngoại bị loạn huyết, để chạy đến sụp lạy và van xin rằng: "Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống" Hay ít nữa cũng tìm đến để đụng chạm tới Ngài với tâm nguyện “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành” bất chấp những dị nghị, những cản trở, những cười nhạo. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta, các gia đình “đừng sợ, hãy cứ tin” và chấp nhận đi cùng Ngài cho đến cùng để thấy và nghe được lời quyền năng từ miệng Người “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con” và ra đi “bình an và được khỏi  do sức mạnh của TÌNH YÊU NGÀI.

4.   TIN và ĐI theo Chúa Giêsu cũng chính là đi theo cách ứng xử YÊU THƯƠNG của Người để gia đình vượt qua được mọi hệ lụy và chính sự chết hầu được SỐNG VÀ SỐNG DỒI DÀO không bị cuốn vào sợ hãi hay sầu buồn, mà luôn có BÌNH AN.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ B